Vì sao Hiệp hội taxi Đà Nẵng quyết đưa Grab ra tòa?

VHO-Chủ tịch Hiệp hội taxi Đà Nẵng Võ Thành Nhân cho biết, đã hoàn tất hồ sơ pháp lý để kiện Grab ra tòa với lý do Grab làm trái pháp luật và gây thiệt hại về kinh tế cho taxi truyền thống.

Vì sao Hiệp hội taxi Đà Nẵng quyết đưa Grab ra tòa? - Anh 1

Các tài xế taxi Đà Nẵng đã từng đình công phản đối hoạt động của Grab

Năm 2015, Bộ GTVT quyết định cho phép Grab hoạt động thí điểm nhưng tại Đà Nẵng, nhận định rằng sự xuất hiện của Grab sẽ làm thị trường taxi đảo lộn, chưa kể xuất hiện những hệ lụy về giao thông nên UBND TP Đà Nẵng đã có 2 văn bản đề nghị Bộ GTVT chưa triển khai và ngừng bổ sung các ứng dụng tương tự GrabCar tại TP Đà Nẵng.

Tài xế các hãng taxi truyền thống từng đình công để phản đối Grab

Theo đó, Bộ GTVT cũng có văn bản số 2283/BGTVT-VT với nội dung giao quyền quyết định việc thực hiện thí điểm ứng dụng GrabCar tại Đà Nẵng cho UBND TP này. Và đến thời điểm hiện tại, UBND TP Đà Nẵng chưa có bất kỳ văn bản nào cho phép Grab được triển khai hay cấp phép hoạt động cho Grab.

Tuy nhiên trong 3 năm qua, bất chấp sự từ chối của TP Đà Nẵng, hoạt động của các xe Grab vẫn diễn ra công khai và khó kiểm soát. Sở GTVT Đà Nẵng đã nhiều lần kiểm tra các dịch vụ Grab để xử lý, nhưng do nhu cầu của người dân quá cao cộng với việc không có phương thức xử lý rốt ráo, nên hiện nay số lượng xe Grab hoạt động ở Đà Nẵng vẫn tăng vọt.

Với lý do khởi kiện Grab là đã gây thiệt hại cho taxi truyền thống, Chủ tịch Hiệp hội taxi Đà Nẵng chứng minh: Do sự “tung hoành” của Grab mà doanh thu của taxi truyền thống bị sụt giảm 10 - 15%, lợi nhuận có thể sụt giảm đến 70%. Tất cả 8 hãng taxi trong Hiệp hội taxi Đà Nẵng đều đang gặp khó khăn vì bị Grab “giành” khách trên thị trường, nhiều tài xế taxi truyền thống đã nghỉ việc để chuyển qua chạy dịch vụ Grab - có hãng bị giảm 50% lượng tài xế khiến hoạt động rất khó khăn. “Mặc dù TP đã có “lệnh cấm” nhưng Grab vẫn ngang nhiên, tự ý hoạt động đơn phương, thế là trái pháp luật, đủ cơ sở để khởi kiện ra tòa và yêu cầu Công ty Grab bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”, ông Nhân cho biết.

Mới đây, hàng loạt tài xế taxi đã tập trung trước sân bay Đà Nẵng đình công phản đối hoạt động của Grab. Lý do được cho là các hãng taxi đều phải đóng tiền và xếp hàng chờ lượt để đón khách ở sân bay, còn các xe Grab thì mặc nhiên ra vào đón khiến taxi mất khách.

Kiểm soát hoạt động Grab rất khó khăn?

Trước đây, Sở GTVT đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng không tham gia sử dụng ứng dụng Grabcar, đề nghị công ty TNHH Grabtaxi không triển khai ứng dụng Grabcar, các hoạt động quảng cáo, quảng bá có liên quan đến ứng dụng gọi xe của Grab tại TP Đà Nẵng trong thời gian Chính phủ chưa ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến loại hình này.

Nhưng theo Phó giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Bùi Thanh Thuận, việc xử lý hoạt động của Grab một cách dứt điểm, kịp thời là điều không dễ. Grab tuy hoạt động nhiều nhưng thường xuyên di chuyển giữa các địa phương (Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam…) với đầy đủ loại hình, không cố định phạm vi hoạt động nên công tác khoanh vùng, xác định danh sách xe vi phạm gặp nhiều khó khăn. Theo số liệu từ Sở GTVT Đà Nẵng, đến nay Thanh tra Sở đã xử phạt tổng số tiền xấp xỉ 1 tỉ đồng liên quan đến hoạt động của Grab. Cụ thể năm 2018, có 233 trường hợp Grab chạy chui bị xử phạt với tổng số tiền hơn 730 triệu đồng. Ba tháng đầu năm nay, thanh tra xử phạt 82 trường hợp với số tiền hơn 240 triệu đồng.

Thống kê của Hiệp hội taxi Đà Nẵng cho biết, hiện số lượng xe tham gia kinh doanh Grab và Uber trên địa bàn Đà Nẵng khoảng hơn 2.000 xe dưới 9 chỗ, bao gồm các biển số Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Trong khi đó, số lượng xe của Hiệp hội được quy định chỉ 1.700 xe. Theo lãnh đạo Sở GTVT, giải pháp tạm thời để ổn định trật tự vận tải tại địa phương, Sở sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về hoạt động kinh doanh vận tải theo quy định hiện hành; thống kê các trường hợp vi phạm có liên quan đến hoạt động của Grab báo cáo Bộ GTVT xem xét, xử lý theo quy định.

 NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc