Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Tín hiệu đáng mừng nhưng không vội chủ quan

Thứ Sáu 26/02/2021 | 11:30 GMT+7

VHO- Trong khi nhiều quốc gia đang nới lỏng các biện pháp phòng chống Covid -19, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, dịch bệnh đang dần thu hẹp phạm vi nhưng vẫn chưa được dập tắt, nếu chúng ta ngừng chiến đấu, nó sẽ lại bùng lên.

Tiêm chủng vắcxin Covid-19 đang được đẩy mạnh trên toàn cầu Ảnh: TASS

 Nhiều điểm “nóng” giảm mạnh

Theo thông cáo mới đây của WHO, số ca mắc mới Covid-19 trên toàn cầu tiếp tục giảm trong tuần thứ sáu liên tiếp và số ca tử vong cũng tiếp tục giảm trong ba tuần qua. Trong khi đó, biểu đồ về số ca nhiễm mới được ghi nhận từ ngày 1.9.2020 - 20.2.2021 do tờ New York Times đăng tải, các điểm “nóng” như Mỹ, Anh, một số nước châu Âu, Nam Phi, Brazil đều đang có xu hướng giảm sau khi đạt đỉnh vào tuần thứ 2 của tháng 1.

Thực tế, thế giới đã từng ghi nhận đỉnh điểm 750.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày và con số này đã giảm khoảng hơn một nửa trong những tuần gần đây. Cụ thể, Mỹ giảm hơn 60% số ca mắc mới, Anh giảm 70%, Tây Ban Nha cũng giảm gần 70%... Số ca nhiễm mới tại Nga trong những ngày gần đây đang giảm ở mức thấp nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây. Đáng chú ý, tại Ấn Độ, số ca nhiễm mới mỗi ngày giảm mạnh, từ mức đỉnh 100.000 ca thì nay xuống còn khoảng 11.000 ca, ghi nhận mức giảm tới 90% gây ngạc nhiên cho giới chuyên gia.

Nhiều chuyên gia nhận định, xu hướng “hạ nhiệt” của Covid-19 là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó có việc chính phủ các nước thắt chặt các quy định về giãn cách xã hội và miễn dịch cộng đồng đang hình thành từ hoạt động tiêm chủng vắcxin được đẩy mạnh trên toàn cầu. Theo dữ liệu của Bloomberg, hơn 213 triệu liều vắcxin Covid -19 đã được tiêm cho người dân ở 95 quốc gia, vùng lãnh thổ, đồng thời, các nước cũng đang tăng cường chương trình tiêm chủng với khoảng hơn 6 triệu liều/ngày.

Nới lỏng nhưng vẫn phải cảnh giác

Trước những diễn biến khả quan của dịch Covid -19, nhiều quốc gia đang tiến hành điều chỉnh các chính sách phòng dịch, để tạo điều kiện cho các hoạt động xã hội, kinh tế thuận lợi hơn. Theo đó, Đan Mạch và Thụy Điển thông báo sẽ nới lỏng một số hạn chế vốn được áp dụng nhằm khống chế sự lây lan của dịch, còn Bulgaria cũng sẽ mở cửa trở lại các nhà hàng từ tháng 3 và dỡ bỏ lệnh cấm các hộp đêm từ tháng 4.

Trong khi đó, ngày 22.2, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã trình bày trước Hạ viện Anh về lộ trình bốn bước nới lỏng phong tỏa tại vùng England, kết thúc 11 tuần phong tỏa cấp độ cao nhất. Theo kế hoạch, bước một sẽ được triển khai vào ngày 8.3, mỗi bước nới lỏng sẽ cách nhau năm tuần và từng bước mới sẽ được quyết định dựa trên các số liệu thu thập của bốn tuần gần nhất. Trên cơ sở đó, chính phủ sẽ đánh giá và đưa ra quy định đối với tổ chức các sự kiện đông người, vấn đề đi lại và quy định mới về giãn cách xã hội...

Tuy nhiên, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về bệnh truyền nhiễm Authony Fauci cho rằng, cần phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để ứng phó với các biến thể của virus gây bệnh. Ông Fauci khuyến cáo người dân Mỹ nên đeo khẩu trang cho đến năm 2022, ngay cả khi nước này có thể trở lại trạng thái bình thường vào cuối năm 2021. Thêm nữa, theo kết quả nghiên cứu của Đại học UC San Francisco và Trung tâm Y tế Cedars-Sinai ở Los Angeles (Mỹ) mới được công bố, biến chủng SARS-CoV-2 ký hiệu B1427 hay B1429 có thể “vượt qua” hệ thống miễn dịch của những người đã từng có kháng thể Covid-19, cũng như những người đã được tiêm vắcxin. Và các nhà nghiên cứu cũng quan ngại về khả năng biến chủng này kết hợp với biến chủng ở Anh trong cùng một bệnh nhân, sẽ có thể tạo ra một biến chủng mới nguy hiểm hơn rất nhiều. Bởi vậy, nếu tiến độ tiêm chủng không được đẩy mạnh và các biện pháp phòng ngừa không tiếp tục được triển khai thì khả năng Mỹ sẽ phải đối mặt với một làn sóng dịch Covid-19 mới là rất cao.

Bên cạnh đó, tại vùng dịch lớn thứ 2 trên thế giới Ấn Độ cũng đã phát hiện khoảng 240 biến chủng của SARS-CoV-2. Ông Randeep Guleria, người đứng đầu Viện Khoa học Y tế toàn Ấn Độ cảnh báo, một số biến chủng có khả năng lây nhiễm nhanh hơn hoặc có thể nguy hiểm hơn. Đó là những biến chủng có cơ chế “thoát miễn dịch” và có thể gây tái nhiễm ở những người đã có kháng thể Covid-19 sau khi mắc bệnh hoặc tiêm vắcxin.

Theo các chuyên gia y tế, mặc dù dịch Covid-19 đang có xu hướng lắng xuống tại nhiều ổ dịch trên thế giới, nhưng chính quyền và người dân các quốc gia vẫn cần chú trọng thực hiện các biện pháp phòng dịch chặt chẽ, song hành cùng hoạt động “phủ sóng” vắcxin trên toàn cầu. 

 HẢI MINH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top