Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ: Bước vào một “cuộc chơi lớn”, buộc phải sửa đổi

Thứ Tư 13/01/2021 | 10:55 GMT+7

VHO- Ngày 12.1 diễn ra hội thảo “Tham vấn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ” được các cơ quan chức năng của Bộ KH&CN, Bộ VHTTDL, Bộ NN&PTNT phối hợp tổ chức.

 Hội thảo tham vấn

Luật Sở hữu trí tuệ được thông qua năm 2005; sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019. Đây là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt - tài sản trí tuệ.

Khắc phục bất cập

Qua thực tiễn hơn 15 năm thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, khai thác, sử dụng và thụ hưởng các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, thực thi pháp luật trong nước và hội nhập quốc tế; cho các tổ chức, cá nhân xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, Luật còn là nền tảng đưa hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ của Việt Nam đạt chuẩn mực theo Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cũng như đáp ứng các nghĩa vụ theo cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới gần đây. Tuy nhiên, thực tiễn hơn 15 năm thi hành, cùng với việc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy Luật Sở hữu trí tuệ còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập. Để thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ, đảm bảo phù hợp với các văn bản pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, yêu cầu của công cuộc cải cách thủ tục hành chính cũng như để bảo đảm thi hành các cam kết về sở hữu trí tuệ trong các FTA mà Việt Nam đã và đang đàm phán hoặc đã ký kết, phê chuẩn, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ trên cơ sở phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế của Luật hiện hành.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc nhấn mạnh, Luật Sở hữu trí tuệ hiện nay so với bối cảnh 15 năm trước đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, cần chỉnh sửa. Thu nhập bình quân theo đầu người, cán cân thương mại, giao lưu văn hóa của Việt Nam với nước ngoài cũng như từ nước ngoài vào Việt Nam đã gia tăng rất mạnh. “Chúng ta đã và đang bước vào một “cuộc chơi lớn” của thế giới, vì vậy buộc phải sửa đổi để hòa nhập. Sửa đổi Luật cũng nhằm tạo động lực phát triển sức sáng tạo của quốc gia. Việc sửa đổi đã được tiến hành một cách bài bản, với kỳ vọng sẽ tạo nên hành lang pháp lý quan trọng để Việt Nam hòa nhập thế giới, phù hợp với các điều ước quốc tế và cũng tạo động lực cho sự phát triển”, Thứ trưởng Phạm Công Tạc khẳng định.

Lãnh đạo Bộ KH&CN cũng cho biết, trong quá trình soạn thảo Luật sửa đổi, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Đại sứ quán Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len, quốc gia được đánh giá cao về đảm bảo các chỉ số bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng như thực thi luật về sở hữu trí tuệ.

Thực thi hiệu quả việc bảo vệ bản quyền tác giả

Dự thảo Tờ trình về việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế sở hữu trí tuệ; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 15 năm thi hành; thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết để phù hợp với thông lệ quốc tế; từ đó hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi hiệu quả; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được xây dựng trên cơ sở kế thừa giá trị các văn bản pháp luật đã có từ trước; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể gồm người sáng tạo, bên sử dụng, công chúng thụ hưởng; bảo đảm sự cân bằng giữa lợi ích quốc gia và sự tương thích với các điều ước quốc tế có nội dung về sở hữu trí tuệ mà Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, bảo đảm quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong sáng tạo VHNT, KHCN và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó; hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, nghệ thuật, khoa học; khuyến khích tổ chức, cá nhân sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu trong các lĩnh vực; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật.

Tại hội thảo, các vấn đề sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan thu hút sự chú ý. Theo Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Phạm Thị Kim Oanh, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung về quyền tác giả, quyền liên quan cho phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như những cam kết quốc tế. Đơn cử, sửa đổi điều 20 (Quyền tài sản) đã làm rõ các nội dung quyền như quyền biểu diễn; quyền sao chép; quyền phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng; quyền truyền đạt, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm đến công chúng theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn; quyền cho thuê và quy định về cạn quyền để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đảm bảo thực thi theo cam kết quốc tế.

Sửa đổi nội dung về quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu, dự thảo bỏ một số chức danh được hưởng quyền nhân thân do không còn phù hợp như mỹ thuật trường quay, thiết kế đạo cụ, đồng thời luật hóa quy định tại Nghị định số 22/2018/NĐ-CP về “Tác giả và tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để sáng tạo tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu có thể thỏa thuận về việc đặt tên, sửa chữa tác phẩm” để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Dự thảo cũng gồm các nội dung sửa đổi về các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả, không phải trả tiền bản quyền; về các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả nhưng phải trả tiền bản quyền. Sửa đổi điều 28 về hành vi xâm phạm quyền tác giả, theo đó dự thảo thiết kế lại theo hành vi xâm phạm quyền quy định tại các Điều 19, 20, 25, 26 Luật này và các hành vi khác liên quan tới biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, thông tin quản lý quyền... để tránh trùng lặp hoặc bỏ sót, tạo thuận lợi cho thực thi và phù hợp cam kết quốc tế...

“Việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung về quyền tác giả và quyền liên quan trong bối cảnh hiện nay đặc biệt quan trọng. Cục Bản quyền tác giả và các cơ quan liên quan đã xây dựng những nội dung này trên cơ sở kế thừa các văn bản pháp luật đang thực thi hiệu quả, đồng thời chỉnh sửa phù hợp, trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm lợi ích quốc gia và tương thích lợi ích quốc tế. Những ý kiến tại hội thảo sẽ được tiếp thu, nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện...”, bà Oanh cho biết. 

BẢO NGÂN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top