Du khách vẫn “đột nhập” vào nơi "không dành cho kẻ yếu tim"

VH- Mặc dù treo biển không đón khách ngay trước cổng vào Khu du lịch hồ Thủy Tiên nhưng mỗi ngày vẫn có hàng trăm lượt khách nước ngoài tìm đến. Không vào được từ hướng cổng chính, nhiều du khách đã men theo các con đường ven đồi Thiên An để "đột nhập", bất chấp những nguy hiểm đã được các cơ quan chức năng cảnh báo.

Đầu năm 2017, khi có quyết định thu hồi đất của dự án khu du lịch sinh thái hồ Thủy Tiên (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy), UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã giao khu đất này cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý. Đồng thời, tỉnh yêu cầu đơn vị quản lý cấm du khách và người dân vào khu vực hồ nhằm đảm bảo an toàn.

Du khách vẫn “đột nhập” vào nơi

 Không vào được bằng cổng chính, du khách quốc tế men theo đường đồi Thiên An để vào hồ Thủy Tiên

Cấm vẫn vào

Tuy nhiên, mỗi ngày tại khu du lịch “bỏ hoang” này có từ vài chục đến hàng trăm du khách tìm đến, chủ yếu là khách quốc tế đến từ các nước châu Âu. Ngày 16.7, chỉ hơn một giờ đồng hồ có mặt tại cổng chính vào hồ Thủy Tiên, phóng viên Văn Hóa đã chứng kiến có hơn 20 khách quốc tế đến đây. Khi thấy cổng vào bị chắn và biển báo “không đón khách”, nhiều du khách ngậm ngùi quay đầu xe. Thế nhưng họ không trở về, mà vẫn lén lút men theo các đường mòn từ đồi Thiên An để tìm vào hồ Thủy Tiên. Có hai du khách điều khiển chiếc xe máy đến giữa đường đồi thì bị mắc kẹt vì các tảng đá lớn chắn ngang đường. Họ đành khóa xe và đi bộ vào hồ.

Anh Nguyễn Văn Minh, một người dân ở địa phương kể: Hằng ngày, anh chứng kiến rất nhiều khách Tây vào lòng hồ. Khu du lịch bỏ hoang nguy hiểm đã đành, mà khách “lén lút” đi đường mòn ven đồi cũng mất an toàn. Chủ yếu là khách “Tây ba-lô” tự thuê xe gắn máy đến đây.

Ông Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trung tâm đã thuê 4 bảo vệ để bảo vệ khuôn viên khu dự án này. Các bảo vệ được phân công trực ca với 2 người/ca, nên rất khó để quán xuyến hết khuôn viên rộng lớn của dự án. Vừa phải chặn không cho khách vào, vừa trực cháy rừng xung quanh hồ và nhiều việc liên quan. “Có khi bảo vệ phải bỏ cổng để chạy vào hồ để khuyến cáo, vận động khách ra khỏi khu vực cấm. Vào đó, không có lực lượng cứu hộ mà lỡ có sự cố gì thì rất nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa nước hồ khá sâu”, ông Tú nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, khu vực hồ Thủy Tiên là dự án còn dang dở, không phải là điểm đến du lịch, các đơn vị lữ hành trên địa bàn cũng như ngành du lịch địa phương không tổ chức và giới thiệu để khách đến đây. Qua nắm tình hình, khách đến đây là khách du lịch vãng lai, chủ yêu là "Tây ba-lô", họ tự thuê xe đi. Khi tỉnh đã có chủ trương cấm đón khách ở khuôn viên dự án công viên hồ Thủy Tiên mà vẫn xảy ra tình trạng du khách lén vào thì trách nhiệm chính thuộc về chính quyền địa phương ở đó.

Du khách vẫn “đột nhập” vào nơi

 Cổng vào hồ Thủy Tiên bị chắn, kèm với thông báo “không nhận khách”

Hoang tàn... thảm hại

Với vị trí nằm trên đồi Thiên An, hồ Thủy Tiên có những ưu thế và được đánh giá là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Đầu những năm 2000, Công ty Du lịch Cố Đô đã đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái tại đây với nhiều hạng mục đã được xây dựng như: nhà thủy tạ ngắm cảnh giữa lòng hồ, cầu dẫn ra nhà thủy tạ, công viên nhạc nước, thủy cung,… Với kinh phí đầu tư hơn 70 tỉ đồng, đến năm 2004, khu vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên bắt đầu đón khách dù dự án vẫn chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, việc khai thác không có hiệu quả đã khiến đơn vị chủ đầu tư thua lỗ nặng. Năm 2008, dự án này được chuyển giao lại cho Công ty Haco (một chủ đầu tư đến từ Hà Nội), với hy vọng sẽ tiếp tục đầu tư và điều chỉnh lại quy mô của khu du lịch để tạo điểm đến cho du khách đến Huế.

Khu du lịch sinh thái này được mở rộng từ hơn 49 hec-ta lên đến hơn 63 hec-ta sau khi chuyển giao cho chủ đầu tư mới. Tuy nhiên, kế hoạch cho việc nâng cấp, đầu tư lại giậm chân tại chỗ nhiều năm liền. Đến đầu năm 2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định thu hồi đất của dự án này, để có hướng kêu gọi đầu tư mới hiệu quả hơn. Nhiều hạng mục của dự án đã được xây dựng trước đó bị hư hại và xuống cấp nghiêm trọng. Đây cũng chính là một trong những lý do mà chính quyền địa phương cấm khách đến hồ Thủy Tiên.

Năm 2016, tờ Huffington Post của Mỹ đã có bài viết và chùm ảnh về hồ Thủy Tiên với tựa đề “Công viên nước bỏ hoang ở Việt Nam, không dành cho kẻ yếu tim”. Hình ảnh hoang tàn, rùng rợn, ma quái… ở khu du lịch hồ Thủy Tiên sau đó đã thu hút nhiều du khách quốc tế. Dù không nằm trong bản đồ du lịch Việt Nam, nhưng nhiều du khách vẫn tìm đến đây, bất chất nguy hiểm mà chính quyền địa phương đã cảnh báo.

Đại diện Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tài sản trên đất ở khu vực thực hiện dự án đã thế chấp hết với ngân hàng. Hiện địa phương vẫn đang mời nhà đầu tư cho dự án nhưng khó thu hút. Tuy nhiên, quan điểm là không nên vội vàng với khu vực hồ Thủy Tiên. Cần làm cái gì đó có ý nghĩa cho Huế chứ không phải là dự án đơn thuần về kinh tế. 

 Bài, ảnh: THÙY AN

Ý kiến bạn đọc