Quảng Ngãi:

Liên hoan “Mỗi sản phẩm OCOP là một câu chuyện kể” và không gian du lịch cộng đồng

NHƯ ĐỒNG

VHO - Tối 4.5, tại thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành), Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh, UBND huyện Nghĩa Hành tổ chức Liên hoan “Mỗi sản phẩm OCOP là một câu chuyện kể” và không gian du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn năm 2024. Liên hoan diễn ra trong 2 ngày (4 – 5.5).

Liên hoan “Mỗi sản phẩm OCOP là một câu chuyện kể” và không gian du lịch cộng đồng - ảnh 1
Tặng cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia liên hoan

Về dự liên hoan có 11 huyện, thị xã, thành phố, gồm: Bình Sơn, Trà Bồng, Sơn Tịnh, Sơn Hà, Sơn Tây, Lý Sơn, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành, thị xã Đức Phổ và TP Quảng Ngãi. Mỗi đơn vị đã xây dựng kịch bản nghệ thuật để giới thiệu một hoặc nhiều sản phẩm OCOP của địa phương, nhằm giới thiệu tổng quan về đơn vị; giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP; lan tỏa sản phẩm OCOP. 

Liên hoan “Mỗi sản phẩm OCOP là một câu chuyện kể” và không gian du lịch cộng đồng - ảnh 2

Tiết mục Hrê Sơn Hà với sản phẩm OCOP

Tham gia Liên hoan, huyện Sơn Hà đã diễn hoạt cảnh vừa giới thiệu một số địa danh du lịch trên địa bàn huyện, sau đó dẫn dắt du khách đi ngang qua đồi núi ớt xiêm rừng. Ớt xiêm rừng là một gia vị rất đặc trưng và không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của đồng bào Hrê. Nó tự mọc ở khu vực đồi núi nhờ những “con chim ỉa” nên nó cũng còn có cái tên rất dân dã là “ớt chim ỉa” hay “ớt bay”. Thời gian gần đây, cây ớt được quan tâm, phát triển mạnh mẽ thành hàng hóa đặc sản của địa phương, giá trị kinh tế cao góp phần làm thay đổi ý thức sản xuất, chất lượng sản phẩm và đồng thời bảo tồn phát triển giống ớt xiêm rừng Sơn Hà.

Từ năm 2018 đã được xuất đi các hệ thống siêu thị Big C, Co.opMart, Wincommerce, doanh thu đạt trên vài tỷ đồng. Hiện nay, huyện Sơn Hà đang triển khai dự án trồng và bảo tồn giống ớt xiêm rừng và Hợp tác xã Nông Nghiệp Sạch Sơn Hà đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, đưa sản phẩm Ớt Xiêm Rừng vươn ra trên toàn quốc.

Đối với huyện miền núi Trà Bồng - nơi địa bàn nhiều núi non hiểm trở, địa hình chia cắt, không có nhiều điều kiện để phát triển các loại cây có hiệu quả kinh tế cao, nhưng đồng bào nơi đây thật may mắn có một loại cây thiêng, mà theo truyền thuyết là loài cây do chim trời gieo xuống từ hàng ngàn năm trước, nghe mùi thơm từ thân cây tỏa ra dễ chịu nên lấy hạt gieo ra khắp núi rừng và được đặt tên là cây Quế.

Liên hoan “Mỗi sản phẩm OCOP là một câu chuyện kể” và không gian du lịch cộng đồng - ảnh 3

Phần sân khấu hóa, câu chuyện kể: “Hương quế tình người”

Ngày nay Quế được coi là loại cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho đồng bào nơi đây. Năm 2012 quế Trà Bồng là 1 trong số 4 đặc sản của Quảng Ngãi đã được xác lập kỷ lục Việt Nam. Nhận thấy được những giá trị từ cây quế, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, hiện nay trên địa bàn huyện Trà Bồng có rất nhiều dự án đầu tư cây giống quế bản địa, nhằm cải thiện và nâng cao giá trị kinh tế từ cây quế, cùng bà con làm giàu từ loại cây này.

Thông qua Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hương Quế Trà Bồng, đã có nhiều sản phẩm từ quế được tạo ra như: Bột quế, Tinh dầu quế, Nhang, Nến thơm, Nước lau sàn, Nước rửa chén và Đồ mỹ nghệ từ cây Quế Trà Bồng… Năm 2023, tất cả các sản phẩm được làm từ quế của công ty Trách nhiệm hữu hạn Hương Quế Trà Bồng được UBND huyện Trà Bồng trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao.

Liên hoan “Mỗi sản phẩm OCOP là một câu chuyện kể” và không gian du lịch cộng đồng - ảnh 4

Câu chuyện sản phẩm OCOP xây dựng dựa trên đặc trưng vùng địa lý, các yếu tố lịch sử, văn hóa 

Với phần thi sân khấu hóa, các chủ thể đã kể câu chuyện sản phẩm OCOP của mình được xây dựng dựa trên đặc trưng vùng địa lý, các yếu tố lịch sử, văn hóa để kết tinh ra sản phẩm, phương thức sản xuất, công dụng và điểm nổi bật tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm. Qua những câu chuyện kể do chính các chủ thể, người trực tiếp làm ra những sản phẩm đã góp phần mang sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.

Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Thị Sương cho biết, liên hoan “Mỗi sản phẩm OCOP là một câu chuyện kể” và không gian du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn năm 2024 là một trong những sự kiện nhằm hưởng ứng Tuần lễ Du lịch tỉnh Quảng Ngãi năm 2024. Đây là dịp để lan tỏa và quảng bá, giới thiệu nét văn hóa đặc trưng, đặc sắc của sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm làng nghề truyền thống, dịch vụ du lịch cộng đồng nông nghiệp nông thôn đến với đông đảo nhân dân và bạn bè trong, ngoài nước.

Liên hoan “Mỗi sản phẩm OCOP là một câu chuyện kể” và không gian du lịch cộng đồng - ảnh 5

Sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng và du khách

Theo bà Sương, sản phẩm OCOP không chỉ là những sản vật của làng quê, chứa đựng sự tâm huyết và tự hào của người dân, mà nó còn mang trên mình sứ mệnh kết nối và lan tỏa những giá trị văn hóa Việt Nam, bởi lẽ đó, “sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền” ghi dấu ấn về bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống, là bức tranh toàn cảnh miêu tả lợi thế về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu và tri thức bản địa. 

“Tại Liên hoan tôi muốn bức tranh đó sống động hơn qua những lời ca, câu hát, câu chuyện kể do chính các diễn viên, nghệ nhân là người trực tiếp làm ra những sản phẩm này, mang sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng và du khách thực phương”, bà Sương bày tỏ.

Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, Quảng Ngãi có 191 sản phẩm OCOP, trong đó có 17 sản phẩm 4 sao và 174 sản phẩm 3 sao.