Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Văn học làm gì để góp phần chấn hưng văn hóa? (Bài 3): Tạo nguồn lực phát triển văn học

Thứ Sáu 24/06/2022 | 10:02 GMT+7

VHO- Để văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, văn học nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng có vai trò hết sức to lớn trong công cuộc phát triển văn hóa dân tộc. 

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ

Tầm quan trọng của công tác lý luận, phê bình văn học 
Nhấn mạnh vai trò của văn học trong công cuộc chấn hưng văn hóa dân tộc, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương đã nhắc lại lời trong Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Trong đó, Nghị quyết nêu rõ: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”. Từ Nghị quyết, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ một lần nữa khẳng định, văn học có vai trò hết sức to lớn trong công cuộc phát triển văn hóa dân tộc. 
“Ngay từ khi bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, chúng ta có đội ngũ các tác giả luôn trăn trở, làm sao để tìm kiếm cái mới về đề tài, nội dung, bút pháp. Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Bảo Ninh, Chu Lai... rồi lớp kế cận là Nguyễn Mạnh Tuấn, Phan Thị Vàng Anh, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ... đều là những tác giả đã thổi luồng gió mới cho văn học nước nhà. Đến hiện tại, chúng ta có thêm nhiều nhà văn trẻ hoạt động sôi nổi trên văn đàn. Về lý luận, phê bình văn học, tiếp bước thế hệ đi trước như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Đỗ Lai Thúy... là lớp kế tiếp như Phan Trọng Thưởng, Bùi Việt Thắng, Phạm Quang Long, Lê Thành Nghị... Một loạt những cái tên được kể đến là minh chứng cho việc đời sống văn học thời gian qua rất sôi nổi. Các tác phẩm văn học, lý luận, phê bình liên tục được ra đời ngoài đáp ứng được yêu cầu của giới chuyên môn còn đem đến cho bạn đọc cái nhìn mới về văn hóa, văn học - nghệ thuật của nước nhà. Công chúng được tiếp nhận các tác phẩm giúp đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân phong phú hơn, góp phần phát triển con người Việt Nam toàn diện”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ khẳng định. 
Đặc biệt, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ liên tục lưu ý đến tầm quan trọng của công tác lý luận, phê bình văn học bởi đây chính là “tấm gương” để các tác giả tự soi chiếu, đúc rút kinh nghiệm trong quá trình sáng tác; đảm bảo các tác phẩm văn học ra đời sau đó nâng cao chất lượng, thúc đẩy văn hóa phát triển xứng tầm: “Lý luận, phê bình văn học rất quan trọng. Cũng chính vì quan trọng nên để làm được lý luận và phê bình là rất khó. Nhưng càng khó, chúng ta càng phải làm, đây mới chính là cơ hội để nhìn nhận trực diện các vấn đề của văn học. Phê bình văn học thì phải đúng, thẳng thắn, trách nhiệm, gắn với thực tiễn và chỉ ra những cái hay, cái đẹp. Có thể ví lý luận, phê bình như “ngọn roi” để thúc đẩy “cỗ xe” văn học đi lên, khắc phục những tồn tại. Để làm được điều này, cây viết phải nắm được hiện thực văn hóa, văn học - nghệ thuật của nước nhà. Vốn văn hóa chắc, cây viết mới có thể phân tích thẳng thắn vấn đề mà văn học đang gặp phải và đưa ra được những dự báo, định hướng phát triển cho tương lai. Ngược lại khi có được dự báo, định hướng, chúng ta mới có những giải pháp phù hợp để đưa văn học, văn hóa đi lên”, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương nêu. 
Nhận định về tình hình hoạt động lý luận, phê bình văn học thời gian qua, nhà văn Bùi Việt Thắng cho biết, công tác lý luận, phê bình đã và đang có nhiều khởi sắc, góp phần phát triển văn học Việt Nam. Nhưng bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, nhà văn Bùi Việt Thắng nêu đang xuất hiện thực trạng tác phẩm lý luận, phê bình văn học và các tác phẩm văn học chưa thật sự song hành với nhau. Thậm chí, lý luận, phê bình có phần tụt hậu. Phần vì phải đọc xong tác phẩm, tích luỹ tri thức rồi mới lý luận, phê bình được, có khi mất cả chục năm ra được một tác phẩm. Phần nghiêm trọng hơn là một bộ phận tác giả không đọc tác phẩm lý luận, phê bình. Trong khi đó, muốn đẩy cao sức mạnh của văn học trong phát triển văn hóa thì lý luận, phê bình văn học và sự ra đời tác phẩm phải đi đôi; càng không được phép để lý luận, phê bình văn học “thất thủ”. 

Nhà văn Nguyễn Bích Thu 

Tập trung xây dựng nguồn nhân lực cho văn học 
Trước vấn đề trên, nhà văn Bùi Việt Thắng cho hay, để giải quyết bài toán này cần đến nhiều giải pháp đồng bộ. Chẳng hạn, các nhà văn chuyên về sáng tạo tác phẩm cần nghiêm túc trong việc đọc tác phẩm lý luận, phê bình, dám thẳng thắn nhìn nhận tồn tại để rút kinh nghiệm. Đọc lý luận, phê bình cũng là cách để nhà văn trau dồi kiến thức, thực hiện nhiệm vụ mỗi nhà văn là một nhà văn hóa. Quan trọng hơn, nhà văn Bùi Việt Thắng đề xuất đã đến lúc vấn đề nhân lực trong lý luận, phê bình văn học phải được quan tâm một cách nghiêm túc: “Vấn đề hiện nay là đa phần các nhà lý luận, phê bình văn học đều đã lớn tuổi. Để tránh “đứt đoạn”, chúng ta cần thế hệ kế cận. Muốn thu hút được cây viết trẻ viết lý luận, phê bình thì cơ chế, chính sách phải xứng đáng vì đây là lĩnh vực rất đặc thù. Một công trình, tác phẩm lý luận, phê bình muốn “thành phẩm” cần phải dồn rất nhiều tâm huyết, tốn nhiều thời gian. Công sức bỏ ra không được đền đáp xứng đáng thì rất ít người muốn làm. Đây là vấn đề những người làm phê bình như chúng tôi luôn lo lắng”. 

 Nhà văn Bùi Việt Thắng 

Với PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, ông nhấn mạnh thêm để văn học nói chung và lý luận, phê bình văn học nói riêng phát triển, thật sự góp sức vào công cuộc chấn hưng văn hóa, nhân lực là vấn đề cần được đặt lên hàng đầu. Có được đội ngũ các tác giả, nhà lý luận, phê bình tốt về cả chất và lượng, văn học nước nhà mới bứt tốc phát triển. “Chúng ta phải xác định tài năng văn học là vốn quý của dân tộc. Để văn học Việt Nam phát triển, khâu đột phá đầu tiên và rất quan trọng là đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Ngoài ra, các bên liên quan cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chế độ chính sách, đãi ngộ đặc thù đối với trí thức, văn sĩ. Chăm lo, phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy khả năng của các tài năng văn học là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là Đảng, Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp”, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương chia sẻ. Về phía tác giả, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho hay bản thân cây viết khi nhận được sự quan tâm, được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cần phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm văn học có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn trong xây dựng con người; vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng được nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân. Tác phẩm văn học, lý luận, phê bình được viết ra phải phát huy, lan tỏa lòng yêu nước nồng nàn với nhân dân; có giá trị phụng sự cho sự nghiệp phát triển văn hóa dân tộc. 
Góp ý thêm về giải pháp để lý luận, phê bình văn học phát triển, tránh độ “vênh” quá mức với tốc độ ra đời tác phẩm thơ, văn, nhà văn Nguyễn Bích Thu cho rằng, đội ngũ các nhà phê bình cần chủ động, dấn thân nhiều hơn để có những bài phê bình mang tính thời sự, không thể trông chờ vào việc chờ xuất hiện một hiện tượng nào đó mới lạ mới bắt tay vào viết. Có được tác phẩm, đội ngũ những người làm lý luận, phê bình nên tham gia vào quá trình “tiếp thị”, phổ biến tác phẩm đến đông đảo bạn đọc. Từ đó, đời sống văn chương dễ dàng “len lỏi”, đến gần hơn với độc giả, thúc đẩy văn hoá đọc phát triển. 

 Chúng ta phải xác định tài năng văn học là vốn quý của dân tộc. Để văn học Việt Nam phát triển, khâu đột phá đầu tiên và rất quan trọng là đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Ngoài ra, các bên liên quan cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chế độ chính sách, đãi ngộ đặc thù đối với trí thức, văn sĩ. Chăm lo, phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy khả năng của các tài năng văn học là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là Đảng, Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. 

(Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật TƯ NGUYỄN THẾ KỶ) 

 ĐÌNH TOÁN 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top