Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Đổi mới từ tư duy đến hành động, vì một nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn

Thứ Hai 20/06/2022 | 15:00 GMT+7

VHO- Đội ngũ những người làm báo đang trong những ngày kỷ niệm dấu mốc 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2022). Đây là dịp ý nghĩa để chúng ta cùng nhau nhìn lại những khó khăn đã qua, hướng đến hành trình phía trước với nhiều đổi mới để đi đến đích cuối cùng là góp phần xây dựng một nền báo chí “Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển” - phương châm nhất quán của Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam đã đề ra.

 

Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ và lãnh đạo Ban, Bộ, Hội Nhà báo thăm gian trưng bày của Liên Chi hội Nhà báo Bộ VHTTDL tại Hội Báo toàn quốc năm 2022 Ảnh: TRẦN HUẤN

 Đổi mới toàn diện cho một hành trình mới

Trải qua hai năm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đây là thời điểm tất cả chúng ta cùng nhau bước vào giai đoạn bình thường mới, với những quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ. Nỗ lực sau những khó khăn gần như phải gấp đôi, gấp ba; guồng quay công việc giống như chiếc tàu tốc hành vừa nhanh, vừa không ngừng nghỉ để những nhiệm vụ đề ra được cán đích kịp thời, hiệu quả.

Cụ thể, thời điểm này, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam xác định phải nỗ lực rất nhiều để việc triển khai Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam vào thực tiễn đạt hiệu quả cao nhất.

Tháo gỡ khó khăn luôn phải là một quá trình mà ở đây, trong nhiệm kỳ mới, đội ngũ làm báo Việt Nam phải cùng nhau đổi mới toàn diện, từ tư duy đến hành động. Chúng ta bước vào một hành trình mới không chỉ với những mong muốn, khát khao đổi mới mà còn là những yêu cầu, bắt buộc phải đổi mới để đạt được mục tiêu đề ra. Trong nhiệm kỳ này, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam đã đặt ra một số định hướng mới để đưa hoạt động của Hội vào quy củ, hướng đến sự chuyên nghiệp và hiện đại hơn, đúng với tinh thần của slogan: Xây dựng nền “Báo chí Việt Nam đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn”.

Đổi mới trước hết là phải đổi mới về con người. Ngay trong cơ quan Trung ương Hội, hầu hết các vị trí đứng đầu các đơn vị trong nhiệm kỳ này đều có sự thay đổi. Trong các cấp hội và Hội nhà báo cấp tỉnh, địa phương cũng có sự thay đổi rất nhiều về nhân sự. Chúng tôi hy vọng đội ngũ với đa số là những người làm báo trẻ trung, năng động, nhiệt huyết sẽ đem đến nhiều tư tưởng mới, ý tưởng mới.

Điều thứ hai là cần phải thay đổi về phương thức làm việc. Hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời gian tới phải làm sao để thực sự xây dựng được ngôi nhà chung - nơi quy tụ các nhà báo, hội viên trong cả nước. Mái nhà chung đó phải thật sự ấm áp để từ đó, triển khai các hoạt động của hội đa dạng, toàn diện hơn. Đặc biệt, phải chú trọng đến công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho các hội viên, nhà báo; chú trọng đào tạo phương thức làm báo, phương thức tác nghiệp, cách thức tổ chức thông tin hiện đại, cho ra đời các tác phẩm báo chí, các loại hình báo chí hiện đại, hấp dẫn.

Để thực hiện những mục tiêu này, chúng tôi đã chỉ đạo Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam tập trung vào những nội dung đào tạo, bồi dưỡng cho các nhà báo về các loại hình báo chí mới mẻ, hiện đại này. Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ 4.0, một trong những hướng đổi mới mạnh mẽ của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời gian tới là tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số. Trong tổ chức các hoạt động lớn của Hội Nhà báo Việt Nam, chúng tôi cũng cố gắng thay đổi phương thức, quy trình, nội dung của những sự kiện này để hướng đến sự thiết thực, hiệu quả.

Những đổi mới trên tinh thần xây dựng nền Báo chí Việt Nam đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn được thể hiện qua cách thức tổ chức Hội báo toàn quốc năm 2022 vừa rồi. Chúng ta nhận thấy có nhiều thay đổi so với cách làm truyền thống lâu nay, đặc biệt cách trưng bày nhấn mạnh yếu tố hiện đại, công nghệ; không tràn lan, dàn trải. Bên cạnh trưng bày các ấn phẩm, sản phẩm báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam chú trọng tổ chức nhiều hoạt động trong khuôn khổ Hội báo như các tọa đàm, hội thảo nhấn mạnh khía cạnh nghề nghiệp, yếu tố đạo đức của người làm báo trong giai đoạn hiện nay. Những hoạt động này không chỉ là cuộc giao lưu giữa các nhà báo mà còn là giao lưu với công chúng, qua đó, thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo độc giả báo chí.

Báo chí tiên phong trong chuyển đổi số

Chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược hiện nay, hoạt động báo chí cũng không thể đứng ngoài cuộc, thậm chí phải là một trong những lĩnh vực tiên phong trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số trước hết là chuyển đổi về tư duy, tổ chức; phải thực sự nắm vững công nghệ, việc sử dụng các trang thiết bị kèm theo. Trong hoạt động báo chí, không chỉ đơn thuần là việc đưa thông tin lên mạng hay một nền tảng công nghệ thì gọi là chuyển đổi số. Chuyển đổi số là việc phải thay đổi toàn diện trong các công đoạn sản xuất một tờ báo, thay đổi phương thức tác nghiệp của từng cá nhân phóng viên, biên tập viên. Thậm chí, việc quản lý, quản trị trong toà soạn cũng phải chuyển đổi số…

So với các lĩnh vực khác, hoạt động báo chí trong chuyển đổi số có nhiều thuận lợi hơn. Bởi đây là môi trường tập hợp những con người ít nhiều có tri thức về công nghệ, công việc hằng ngày tiếp cận nhiều thông tin liên quan. Tuy nhiên, nói như vậy cũng không có nghĩa là chuyển đổi số trong báo chí khi nào cũng thuận lợi. Chúng ta luôn phải sẵn sàng đón nhận những khó khăn, thách thức trong hành trình mới mẻ này, nhất là khả năng chế ngự được những loại hình thông tin, làm chủ công nghệ và giúp cho người đọc, người tiếp nhận thông tin cũng đồng hành trong quá trình chuyển đổi đó. Bên cạnh đó, một khó khăn rất lớn đối với quá trình này là cần phải có đầy đủ các nguồn lực. Trước hết là nguồn nhân lực, phải có đội ngũ am hiểu công nghệ; tiếp đó phải có nguồn lực có tài chính, tài lực và sự trang bị của các thiết bị công nghệ mới. Đặc biệt, để chuyển đổi số thành công, các cơ quan báo chí phải có được sự ủng hộ toàn diện của cơ quan chủ quản trong việc tăng cường nguồn lực.

Trong những bước chuyển mình, đổi mới của Hội Nhà báo Việt Nam, chuyển đổi số là một trong những định hướng quan trọng. Chúng ta kế thừa nền tảng truyền thống, đồng thời đổi mới, hiện đại hơn. Và như tôi đã nói, quan trọng nhất trong chuyển đổi số chính là sự chuyển đổi ở từng cơ quan báo chí, ở từng phóng viên, biên tập viên…

 Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi (bìa phải) giới thiệu với đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ các gian trưng bày tại Hội Báo toàn quốc (tháng 4.2022) Ảnh: TRẦN HUẤN

Chấn chỉnh hiện tượng nhà báo “hai mặt”

Đổi mới toàn diện trước hết là phải đổi mới ở con người. Trách nhiệm xã hội và đạo đức của người làm báo luôn luôn là vấn đề đầu tiên, thường trực trong mọi hoạt động của Trung ương Hội, ở từng cơ quan báo chí và từng nhà báo. Chúng ta đã có 10 quy tắc đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, các hội viên, nhà báo cần luôn xem đó là cẩm nang bỏ túi trong mọi hoạt động của mình. Những quy định này không khó, việc thực hiện trong tầm tay của tất cả chúng ta. Đặc biệt, trong bối cảnh đang được nhắc đến nhiều lần hiện nay là cách mạng công nghệ 4.0, tôi quan tâm nhất đến một trong những vấn đề là những quy định về trách nhiệm của người làm báo khi tham gia mạng xã hội. Trên thực tế, chúng ta đang thấy phổ biến hiện tượng có nhiều phóng viên, nhà báo “hai mặt”. Khi lên báo chính thống viết một kiểu, thể hiện một

 quan điểm khác; nhưng lên mạng xã hội lại phát ngôn, bày tỏ quan điểm khác, thậm chí trái ngược hoàn toàn với tôn chỉ, mục đích của tờ báo và với chính những gì mà họ vừa nói, vừa phát ngôn. Chấn chỉnh hiện tượng ngày càng phổ biến này là trách nhiệm của các cấp, các cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí. Bản thân mỗi nhà báo cũng phải tự nhận thức, nhắc nhở chính mình.

Cũng phải thấy rằng, trong bất cứ lực lượng nào, đội ngũ nào cũng thường có những “hạt sạn”. Trong hoạt động báo chí, đây là thực trạng mà chúng ta phải nhìn nhận và có giải pháp tháo gỡ. Đầu tiên là tăng cường tuyên truyền, giáo dục; sau đó là áp dụng các biện pháp xử lý. Hội Nhà báo Việt Nam cũng có các hình thức xử lý đối với hội viên vi phạm, cao nhất là thu hồi thẻ hội viên, khai trừ khỏi Hội. Ngoài ra, Hội cũng góp tiếng nói với các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức Đảng để xử lý những phóng viên, biên tập viên vi phạm. Chúng ta tự hào có đội ngũ nhà báo năng động, tâm huyết, có nhiều đóng góp cho nền báo chí cách mạng, nhưng cũng buồn lòng khi có hiện tượng nhiều cá nhân nhân danh tòa soạn, nhân danh nhà báo để trục lợi. Những hiện tượng này trong thời gian qua cũng đã được các cơ quan chức năng có nhiều biện pháp xử lý, tuy nhiên vẫn chưa thể triệt để. Đây là vấn đề buộc các cơ quan chủ quản báo chí, các toà soạn phải tăng cường công tác quản lý, giám sát đối với hoạt động nghề nghiệp của các nhà báo, phóng viên.

Giải Báo chí quốc gia 2021 quy tụ nhiều tác phẩm xuất sắc

Giải Báo chí quốc gia năm nào cũng là một hoạt động quan trọng nhất được Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Giải thưởng ngày càng khẳng định uy tín, với nhiều tác phẩm chất lượng, xuất sắc tham gia. Năm nay, Giải Báo chí quốc gia có 1911 tác phẩm dự giải. Đây là năm có số lượng lớn tác phẩm dự thi nhiều thứ 2 trong lịch sử các kỳ giải thưởng, với nhiều tác phẩm có chất lượng ở mọi loại hình. Điều đặc biệt là khoảng cách về chất lượng giữa báo chí địa phương và Trung ương đã thu hẹp đáng kể. Nhiều tác phẩm báo chí địa phương có chất lượng nổi trội, đoạt giải thưởng cao.

Điều đáng mừng nữa là có nhiều tác phẩm báo chí dự thi được hình thành bằng những loại hình báo chí hiện đại, nổi bật là các thể loại như Mega story, Long form..., với những tác phẩm có sự đầu tư kỹ lưỡng, công phu, hiện đại. Hội đồng chung khảo đã chấm chọn 10 tác phẩm trao giải A, 22 tác phẩm giải B, 48 tác phẩm giải C và 35 giải khuyến khích.

Về nội dung, các tác phẩm năm nay khai thác nhiều đề tài đa dạng. Trong đó, chủ đề được khai thác nhiều nhất của năm 2021 là về đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó có nhiều chủ đề khác như xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, phòng chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực... Cùng với đó, các tác phẩm về đề tài người tốt, việc tốt được chú trọng khuyến khích, nhằm phản ánh bức tranh xã hội tươi sáng, lạc quan hơn.

Cách thức tuyển chọn tác phẩm năm nay cũng có nhiều đổi mới, từ khâu tuyển chọn ở cấp cơ sở, địa phương; các vòng sơ khảo, chung khảo cũng thay đổi nhiều về cách thức tổ chức chấm điểm, dành nhiều thời gian hơn cho thảo luận giữa các thành viên hội đồng. Vì thế, chất lượng của việc chấm giải rất tập trung. Thành viên của các Hội đồng chấm giải năm nay cũng có nhiều đổi mới, với nhiều nhà báo trẻ đang làm việc, nhiều nhà báo có tư duy làm báo hiện đại, có khả năng làm chủ công nghệ...

Lễ trao giải trong ngày 21.6 năm nay cũng được tổ chức với cách thức mới, theo các tiêu chí gọn nhẹ, hiện đại, thân tình và ấm áp hơn. Trong thời gian tới, cách thức hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam cũng hướng đến việc tăng cường sự giao lưu nhiều hơn giữa cơ quan Trung ương Hội với các Hội địa phương, các cấp hội… Để hiện thực hóa ý tưởng này, cần có sự tham gia của từng hội viên, cấp hội, để mỗi thành viên đều cảm nhận được sự ấm áp, thiết thực dưới mái nhà chung, cùng chung tay vun đắp sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. 

Chúng ta tự hào có đội ngũ nhà báo năng động, tâm huyết, có nhiều đóng góp cho nền báo chí cách mạng, nhưng cũng buồn lòng khi có hiện tượng nhiều cá nhân nhân danh tòa soạn, nhân danh nhà báo để trục lợi. Những hiện tượng này trong thời gian qua cũng đã được các cơ quan chức năng có nhiều biện pháp xử lý, tuy nhiên vẫn chưa thể triệt để. Đây là vấn đề buộc các cơ quan chủ quản báo chí, các toà soạn phải tăng cường công tác quản lý, giám sát đối với hoạt động nghề nghiệp của các nhà báo, phóng viên.

 Nhà báo NGUYỄN ĐỨC LỢI - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top