Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Cần mạnh tay xử lý những biến tướng trong Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu

Thứ Năm 09/06/2022 | 16:58 GMT+7

VHO- Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Đặng Ngọc Anh bức xúc chia sẻ, sau hơn 40 năm gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa tín ngưỡng thờ Tam phủ của người Việt, ông chưa từng chứng kiến cảnh thực hành tín ngưỡng mà ăn mặc hở hang, phản cảm như những hình ảnh mà ông đang thấy lan truyền trên mạng xã hội những ngày gần đây.

Biến tướng trong nghi lễ hầu đồng đang tạo nên nhiều lo lắng trong cộng đồng thực hành tín ngưỡng (ảnh minh hoạ)

Theo NNƯT Đặng Ngọc Anh, để gìn giữ, phát huy những giá trị của di sản, cần có những biện pháp xử lý mạnh tay đối với những biểu hiện biến tướng, xuyên tạc tín ngưỡng như vậy.

Cung cấp cho Báo Văn Hóa những hình ảnh mà theo đánh giá của NNƯT Đặng Ngọc Anh là phản cảm, xuyên tạc tín ngưỡng, ông bộc bạch, những ngày qua, với tư cách một người đã giành phần lớn thời gian trong cuộc đời để thực hành, gìn giữ những nét đẹp trong thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu, ông cảm thấy rất buồn và bức xúc. “Những clip quay các giá đồng mà không biết họ đang hầu ai, thái độ rất phản cảm, thmaj chí còn có nhiều hình ảnh ngạo nghễ, ngông cuồng. Một số thanh đồng mặc trang phục hở hang và múa theo những điệu nhạc rock, rap... rất phản cảm. Đó không phải tín ngưỡng.”, NNƯT Đặng Ngọc Anh chia sẻ.

Hầu đồng hay còn gọi là lên đồng là nghi lễ điển hình và đặc trưng nhất trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Trong diễn xướng hầu đồng tích hợp cùng lúc nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật, tâm linh: âm nhạc, hát chầu văn, nhảy múa, sắm vai… Đây là một di sản văn hóa quý giá được trao truyền từ quá khứ cần được tôn trọng, giữ gìn và phát huy trong đời sống đương đại. Nghi lễ hầu đồng có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các tín đồ và cả những người xem thông thường, tạo nên những cảm xúc khó quên trong mỗi người tham gia, chứng kiến. “Từ khi UNESCO ghi danh Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, bên cạnh mặt tích cực thì ngày càng nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực, biến tướng, thương mại hoá, trục lợi, làm mất đi bản sắc tốt đẹp vốn có của di sản...”, NNƯT Đặng Ngọc Anh cho biết.

Nghệ nhân Đặng Ngọc Anh cung cấp những hình ảnh, video clip mà ông cho rằng khiến những nghệ nhân, thanh đồng đang nỗ lực giữ gìn, bảo vệ những giá trị chuẩn mực của thực hành tín ngưỡng cảm thấy rất đau lòng.“Đập vào mắt là một video quay cảnh hầu đồng với hình ảnh thanh đồng mặc quần áo kiểu như đóng khố, rất phản cảm. Hầu Thánh không thể tùy tiện như thế. Gia đình tôi nhiều đời cha truyền con nối trong gìn giữ và thực hành nghi lễ, bản thân tôi chưa từng gặp giá nào ăn mặc như thế này để hầu Thánh cả. Còn có nhiều hiện tượng khác mà  người nhân danh thực hành tín ngưỡng tỏ thái độ ngông cuồng, cãi vã, đập phá, nhẩy cột.... Thực sự rất phản cảm và ảnh hưởng tới những giá trị văn hoá truyền thống của di sản đã được UNESCO vinh danh”, NNƯT Đặng Ngọc Anh chia sẻ.

Cũng theo nhiều nghệ nhân,  sự ứng xử tùy tiện của nhiều người đã gây tổn thương cho di sản. Nhiều hiện tượng đua nhau lập đền lập phủ, hầu không đúng, tín ngưỡng không đúng, lễ nghi không đúng...

Không chỉ hầu sai nghi lễ, nghệ nhân Đặng Ngọc Anh còn cho biết, có những “ông đồng bói, bà đồng bói” còn ngang nhiên phán bừa. “Nhiều đứa trẻ ăn cơm vẫn còn rơi mà đi xem bói các ông bà đồng cũng phán là cháu bị bắt đồng. Các thầy cho đệ tử ra hầu đồng không giáo dục. Cổ truyền của các cụ tổ tiên tôi từ xưa để lại: Nếu có căn số phải ra hầu đồng thì ít nhất phải từ 1-2 tháng, thậm chí 3 tháng mới được ra trình đồng. Phải có tiền trăm dầu trình, tôn nhang, cúng Tam phủ để xin khất đồng. Khất đồng rồi mà 3 tháng hoặc một năm sau vẫn thấy khó chịu trong người thì lúc đó mới xin thầy mở phủ, thầy lúc đó mới làm cho. Bây giờ các cháu mới, vừa xem chiều nay sáng mai đã ra mở phủ. Tùy tiện thế dẫn đến những sai trái, phản cảm”, NNƯT Đặng Ngọc Anh bức xúc. 

Luôn cố gắng giữ gìn nét đẹp và chuẩn mực trong mỗi giá hầu đồng, các nghệ nhân thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu cho biết, sâu xa của tín ngưỡng còn là tuyên truyền, giáo dục cho người dân biết về lịch sử, gốc tích của các vị Thánh để hiểu sâu sắc về ý nghĩa của từng giá đồng; đồng thời hướng mọi người đến những giá trị tốt đẹp. Từ đó truyền cho thế hệ trẻ nhớ về cội nguồn và công lao của cha ông;  giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè thế giới. Thế nên, nhìn những hình ảnh trên mạng những ngày qua, nghệ nhân Đặng Ngọc Anh không khỏi xót xa.

Bày tỏ mong muốn các thanh đồng, nghệ nhân hãy gìn giữ nét đẹp chân chính của tín ngưỡng, NNƯT Đặng Ngọc Anh tha thiết mong muốn các cơ quan chức năng cần có những giải pháp mạnh tay để xử lý những hiện tượng biến tướng, đồng thời tôn vinh và giữ gìn di sản. “Bản thân tôi đã nhiều lần lên tiếng trước những hiện tượng xúc phạm tín ngưỡng, thậm chí lập vi bằng và có đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có một vụ việc nào bị xử lý. Điều đó sẽ dẫn đến tình trạng còn tiếp diễn xảy ra những vụ việc biến tướng khác...”, ông nói.

NNƯT Đặng Ngọc Anh đề xuất, bên cạnh việc xử lý nghiêm minh, để giữ gìn nề nếp thực hành tín ngưỡng, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần giám sắt chặt chẽ hơn. Những giá hầu sai lệch, biến tướng, phản cảm cần được chính quyền địa phương nắm bắt, kịp thời chấn chỉnh.

Theo GS.TS Từ Thị Loan,  Viện VHNT quốc gia Việt Nam, để góp phần định hướng bảo tồn và gìn giữ giá trị của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, các cơ quan quản lý nhà nước phải có tiếng nói chấn chỉnh những biểu hiện sai lệch . Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí, truyền thông phải tích cực tham gia tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả người thực hành tín ngưỡng và cộng đồng.  

Về vấn đề này, lãnh đạo Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhìn nhận, Tín ngưỡng thờ Mẫu ngày càng phát triển và chưa bao giờ những nghi thức hầu đồng, đạo Mẫu lại được xã hội đón nhận như bây giờ. Tuy vậy, muốn để tín ngưỡng phát triển theo chuẩn mực, hướng đến giá trị tốt đẹp, đúng với bản chất của tín ngưỡng thì bản thân mỗi nghệ nhân, thanh đồng... đều phải nỗ lực ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực như lợi dụng, thương mại hóa, thực hành tín ngưỡng lộn xộn, phản cảm.

HÀ PHƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top