Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Vở opera “Công nữ Anio” hướng tới kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt – Nhật

Chủ Nhật 05/06/2022 | 13:51 GMT+7

VHO- Vở opera Công nữ Anio có nội dung dựa trên câu chuyện về Araki Sotaro, thương nhân Nagasaki và công nữ Ngọc Hoa của chúa Nguyễn trong thời kỳ thương mại thuyền bè khoảng 400 năm trước, làm nổi bật sự tương đồng, gần gũi giữa Nhật Bản và Việt Nam từ xa xưa cũng như quan hệ đặc biệt giữa hai nước.

Vở opera Công nữ Anio lấy mô típ dựa trên câu chuyện tình yêu có thật giữa công nữ Ngọc Hoa (công nữ Anio) của Hội An – Việt Nam và Araki Sotaro, thương nhân Nagasaki – Nhật Bản vào thời mậu dịch ở đầu thế kỷ XVII. Từ 400 năm trước, giữa hai quốc gia đã tồn tại mối quan hệ tốt đẹp của hai đối tác bình đẳng, tin cậy lẫn nhau.

 

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Đại sứ Nhật Bản tại VN cùng đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất...

Tại cuộc họp báo mới đây với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cùng nhiều đạo diễn, nghệ sĩ, Ban điều hành vở opera Công nữ Anio đã công bố 4 diễn viên tham gia vở diễn là hai giọng ca nam Kobori Yusuke và Yamamoto Kohei trong vai Araki Sotaro; cùng hai diễn viên nữ là ca sĩ Đào Tố Loan và ca sĩ Bùi Thị Trang trong vai công nữ Anio. Ông Oyama Daisuke, đạo diễn, tác giả kịch bản, tác giả soạn lời tiếng Nhật cho biết, giọng ca Kobori Yusuke là giọng ca Tenor thu hút khán giả bằng kỹ thuật vững vàng và giọng hát đẹp lộng lẫy. Anh cũng là ca sĩ có diễn xuất tuyệt vời, người sẽ thể hiện được một cách tự nhiên một Sotaro với tinh thần trách nhiệm mạnh mẽ, đôi khi lại nhút nhát của một chàng trai trẻ. Còn Yamamoto Kohei là giọng ca Tenor thu hút khản giả bằng sự trong trẻo âm vang đầy chất trữ tình. Anh có thể dẫn dắt sân khấu với sự hiện diện của một Sotaro có khả năng lãnh đạo, có ý chí mạnh mẽ như một võ sĩ samurai lại vừa tốt bụng và có lòng bao dung.

"Còn ca sĩ Đào Tố Loan là giọng ca Soprano mang phong thái của một ngôi sao hàng đầu, vừa có trí tuệ vừa có nhân cách. Cô đã thể hiện sự quyết tâm và phẩm chất của một công nữ bằng năng lực của bản thân và thái độ đối với nghệ thuật. Cô cũng thể hiện xuất sắc những câu thoại và lời chào bằng tiếng Nhật. Trong khi đó, Bùi Thị Trang là một giọng ca soprano thực sự tài sắc vẹn toàn. Cô là một ca sĩ tuyệt vời, có biểu cảm phong phú đan xen giữa sự cao quý của một nàng công nữ và nét dễ thương của một thiếu nữ, có thể mê hoặc mọi người bằng giọng hát chắc chắn đầy mạnh mẽ của mình. Tôi tin rằng cả hai ca sĩ đều là những nghệ sĩ hàng đầu trong giới Opera Việt Nam”, đạo diễn Oyama Daisuke nói.

Tại buổi họp báo, Đại sứ Yamada Takio cho rằng, thông qua việc đưa câu chuyện sự thật lịch sử vào vở opera này, tác phẩm như một biểu tượng cầu nối giúp mối quan hệ hai quốc gia ngày càng sâu sắc hơn trong 50 năm, 100 năm tới và hơn thế nữa. “Dự án đã nhận được sự hợp tác và giúp đỡ của nhiều đạo diễn, nghệ sĩ liên quan ở cả hai nước Nhật Bản và Việt Nam trong đó có Giám đốc âm nhạc kiêm chỉ huy chính của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam Honna Tetsuji, nhà soạn nhạc Trần Mạnh Hùng, tác giả kịch bản Oyama Daisuke, tác giả soạn lời tiếng Việt Hà Quang Minh và các nhà nghiên cứu lịch sử hai nước. Tôi vui mừng khi thấy công tác chuẩn bị cho buổi công diễn đầu tiên đang tiến triển thuận lợi”, Đại sứ Yamada Takio nhấn mạnh.

Cũng theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, trong suốt thời gian công tác gắn bó với quan hệ Nhật Bản – Việt Nam, ông cảm thấy sự thấu hiểu và tương đồng giữa người dân Nhật Bản và Việt Nam có lẽ đã góp phần phát triển sâu rộng quan hệ hai nước và tạo nên mối quan hệ đặc biệt như hiện tại. Yếu tố tạo nên nền tảng đó là sự giao lưu giữa con người với con người đã có từ xa xưa.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Kishida Fumio diễn ra vào tháng trước, Thủ tướng Kishida đã giới thiệu với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về vở opera này. “Tôi hết sức vui mừng và cảm thấy vững tâm khi Thủ tướng Kishida và Chủ tịch nước có cùng quan điểm về việc thực hiện vở opera này. Tôi tin tưởng rằng, vở opera Công nữ Anio sẽ trở thành sự kiện kỷ niệm lớn làm nổi bật dấu mốc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam”, Đại sứ Yamada Takio nhấn mạnh.

Dự án vở opera Công nữ Anio do Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Ban Điều hành Công nữ Anio thực hiện sản xuất, tổ chức biểu diễn. Buổi công diễn chính thức của vở opera tại Nhà hát Lớn Hà Nội dự kiến diễn ra vào tháng 9.2023 tới, nhằm mục đích thúc đẩy mối quan hệ giao lưu và hữu nghị Việt – Nhật, phát triển nền văn hóa âm nhạc của hai quốc gia. Ông Trịnh Tùng Linh - Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam chia sẻ: "Ngoài buổi biểu diễn ở Việt Nam thì chúng tôi cũng chuẩn bị biểu diễn vở này tại Nhật Bản. Tuy nhiên, để cho vở diễn thành công ở Hà Nội, chúng tôi đã gần như hoàn thành kịch bản, âm nhạc. Cả ê kíp đang rất nỗ lực để vở diễn thành công ở cả hai nước, mang lại những cảm xúc mới cho khán giả, góp phần vào mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Có thể nói rằng, vở diễn là thành quả của sự giao lưu và kết nối tuyệt vời của đội ngũ sản xuất Việt Nhật và sẽ thành công rực rỡ khi lòng nhiệt huyết, tài năng và sự nỗ lực của hai quốc gia hòa làm một".

Theo một số tài liệu, công Nữ Ngọc Hoa là một nhân vật chưa xác minh được lai lịch, nhưng là nhân vật có thật trong lịch sử. Năm 1619, bà đã kết hôn với hào thương người Nhật tên là Araki Shotaro, nhà hàng hải kiệt xuất thuộc dòng dõi Samurai, thương nhân Nhật Bản đứng đầu các doanh nhân sang buôn bán tại Hội An. Sau đó bà theo chồng về Nhật vào năm 1620, định cư ở Nagasaki, mất năm 1645.

Năm 1635, ông Araki mất, bà Ngọc Hoa vẫn tiếp tục làm công việc sổ sách kế toán ở cơ sở kinh doanh của chồng. Bà cũng đã làm hết sức để hỗ trợ cho các thương nhân tại vùng Nagasaki, chủ yếu ở việc thúc đẩy mối quan hệ buôn bán với triều đình nhà Nguyễn. Bà mất năm 1645, chôn cất trong chùa Daionji tại Nagasaki. Do bà thường gọi chồng bằng tiếng Việt "anh ơi, anh ơi" nên người Nhật đã gọi bà bằng tên thân mật là Anio-san, hoặc Anio-hime (vì thân phận cao quý). Từ "Anio" phát âm giống như câu nói cửa miệng của bà khi gọi chồng. Sau này các cô gái xinh đẹp, dễ thương cũng đều được gọi là Anio-san.

Một vài nhà khảo cứu người Việt như: Trần Gia Phụng, Nguyễn Văn Xuân, Thân Trọng Thủy… trong một số bài viết đăng trên internet và trong các tập san ở trong và ngoài nước, viết rằng bà Ngọc Hoa, là con gái hoặc con gái nuôi của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1563 - 1635).

Trong một số thư tịch tại Nhật Bản có ghi chép về bà, những hiện vật mà bà mang từ Việt Nam sang hiện đang lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa Nagasaki. Hằng năm, lễ hội Okunchi ở Nagasaki (từ ngày 7 - 9 tháng 10), có tái hiện đám rước do hai em bé đóng vai Sotaro và Wakaku đứng trên mũi một chiếc thuyền buôn, để tôn vinh bà và hào thương Araki Sotaro.

 

MAI NGỌC 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top