Mỹ khuyến khích người dân tiêm vắcxin

VHO- Chiến dịch tiêm chủng vắcxin ngừa Covid-19 của Mỹ đã đạt được những kết quả khả quan, khi có hơn một nửa số người trưởng thành của nước này đã được tiêm ít nhất một liều vắcxin.

Mỹ khuyến khích người dân tiêm vắcxin - Anh 1

Vẫn còn một bộ phận người dân Mỹ do dự đi tiêm chủng

Tuy nhiên, việc tiêm chủng với những người còn lại đang là bài toán khó với giới chức các địa phương. Nhiều ý tưởng thuyết phục, ưu đãi đã được đưa ra, để mời gọi người dân tham gia tiêm chủng.

Nhu cầu tiêm giảm dần

Trong khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực nâng cao tỉ lệ tiêm chủng vắcxin ngừa Covid-19 trên toàn quốc, thì thời gian gần đây, tiến độ tiêm chủng tại nhiều địa phương của nước này có dấu hiệu chậm lại. Thông tin từ hãng AP cho biết, giới chức y tế nhiều bang của Mỹ đã gửi yêu cầu cắt giảm lượng vắcxin nhận về, do nhu cầu tiêm chủng đang giảm dần. Trong đó, bang Iowa chỉ nhận 29% lượng vắcxin cung cấp cho tiểu bang, còn Kansas cũng chỉ nhận 9% lượng vắcxin được phân phối, vì tiểu bang vẫn đang còn khoảng 647.000 liều vắcxin. Ngoài ra, giới chức Illinois cho biết, tiểu bang cũng đã có sẵn vắcxin cho 5 tuần và có kế hoạch cắt giảm lượng vắcxin đã yêu cầu trước đó xuống còn 9%. Nhiều nơi khác như Connecticut, South Carolina, North Carolina, Washington... cũng đã giảm đáng kể các yêu cầu về vắcxin trước đó.

Theo cuộc khảo sát vào tháng 4 của Kaiser Family Foundation, quan điểm về vắcxin của người Mỹ được chia thành ba nhóm, bao gồm nhóm “ủng hộ” là những người đã tiêm hoặc muốn tiêm, chiếm khoảng 65% người trưởng thành; nhóm “không tiêm” chiếm 13%, khẳng định chắc chắn họ sẽ không tiêm phòng; nhóm “có thể” chiếm 21%, là những người đang xem xét tình hình và có thể tiêm vắcxin nếu được yêu cầu. Như vậy, việc thuyết phục những người không thuộc nhóm “ủng hộ” tiêm chủng sẽ là điều kiện bắt buộc để đảm bảo mục tiêu đạt được miễn dịch cộng đồng nhờ vắcxin của Mỹ.

Muôn dạng kích cầu

Đầu tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố mục tiêu mới của nước này là tiêm chủng ít nhất một liều vắcxin ngừa Covid-19 cho 70% dân số trưởng thành và có 160 triệu người trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ tính đến ngày Quốc khánh Mỹ 4.7. Và để đạt được mục tiêu này, tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc CDC Mỹ cho rằng, cần phải duy trì trung bình khoảng một triệu rưỡi liều vắcxin mỗi ngày. Tuy nhiên, trước tâm lý chần chừ, hoài nghi của một bộ phận không nhỏ người dân đang làm ảnh hưởng tới mục tiêu tiêm chủng, lãnh đạo chính quyền nhiều bang, thành phố nước này đã phải tích cực đưa ra nhiều sáng kiến thu hút người dân đi tiêm chủng.

Trong khi Thống đốc bang Ohio Mike DeWine đưa ra ý tưởng tổ chức 5 giải xổ số mỗi tuần cho những người trưởng thành đã tiêm phòng bắt đầu từ 26.5, mỗi giải một triệu USD, hay trao học bổng toàn phần tại một trường đại học công lập của bang cho 5 thanh thiếu niên đã tiêm vắcxin. Tại New Jersey, Thống đốc Phil Murphy lại chọn thúc đẩy chương trình tiêm chủng bằng hình thức “tiêm và bia”. Theo đó, bất kỳ cư dân nào trên 21 tuổi đã tiêm ít nhất một liều vắcxin Covid-19 sẽ đủ điều kiện nhận bia miễn phí, nếu họ xuất trình thẻ tiêm chủng tại các điểm bán bia tham gia chương trình do chính quyền bang khởi xướng. Còn Connecticut cũng có một chương trình tương tự, khi cư dân đã tiêm ít nhất một liều vắcxin sẽ được nhận đồ uống miễn phí, có cồn hoặc không, tại một số nhà hàng được chỉ định trên toàn bang trong tháng 5 này. Ở Memphis, chính quyền tổ chức rút thăm trúng thưởng xe hơi miễn phí cho người có chứng nhận tiêm vắcxin. Ngoài ra, bang Pennsylvania hối thúc người dân bằng thỏa thuận: Nếu 70% số người đủ điều kiện đi tiêm vắcxin, bang sẽ dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang với tất cả mọi người...

Thế nhưng, khi nhận định về tính hiệu quả của các chương trình khuyến khích tiêm chủng, ông Arthur Caplan, giáo sư về đạo đức y khoa tại Trường Y Grossman, Đại học New York cho rằng: “Tôi nghĩ tâm lý do dự và chần chừ bám rễ sâu hơn và bạn khó có thể giải quyết chỉ đơn giản bằng khoản tiền thưởng hay bất cứ thứ gì tương tự”. Điều đó có nghĩa là mục tiêu miễn dịch cộng đồng của Mỹ sẽ khó lòng đạt được nếu không có những giải pháp tháo gỡ tích cực hơn. Tiến sĩ Marcella Nunez-Smith, lãnh đạo nhóm chuyên trách ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn biết mối lo ngại cụ thể của người dân về vắcxin là gì? Những thông tin sai lệch nào mà họ thường nghe? Và bằng cách nào chúng tôi có thể xóa bỏ điều đó”.

 HẢI MINH

Ý kiến bạn đọc