Thư viện tư nhân: 5.000 bản sách, 1.000 bạn đọc... có xa vời?

VH- Điều chỉnh hoạt động của thư viện ngoài công lập tiếp tục là một trong những nội dung được quan tâm tại Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Thư viện khu vực miền Bắc, do Bộ VHTTDL tổ chức vào cuối tuần qua tại Hà Nội.

Thư viện tư nhân: 5.000 bản sách, 1.000 bạn đọc... có xa vời? - Anh 1

Một thư viện tư nhân ở Tam Bình (Vĩnh Long)

 Khẳng định Luật Thư viện là mong ước bấy lâu của người làm thư viện, tạo cơ sở pháp lý để ngành thư viện phát triển, nhiều ý kiến khác cũng thẳng thắn đề cập những vấn đề thực tế mà ngành này đang cần được “hóa giải” bằng những quy định hợp thời.

Thư viện tư nhân cần được khuyến khích

Theo Dự thảo, mạng lưới thư viện Việt Nam gồm thư viện công lập, thư viện ngoài công lập. Đóng góp ý kiến cho các quy định điều chỉnh hoạt động của mạng lưới này, nhiều đại biểu quan tâm đến các loại hình thư viện ngoài công lập. Hệ thống này bao gồm: Thư viện nhà trường và cơ sở giáo dục ngoài công lập; thư viện thuộc tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân; thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng; các phòng đọc, tủ sách ở cộng đồng dân cư, thư viện gia đình, thư viện dòng họ có phục vụ cộng đồng; thư viện có yếu tố nước ngoài có phục vụ người Việt Nam được thành lập theo văn bản thỏa thuận cấp Nhà nước; thư viện do các pháp nhân, cá nhân người nước ngoài thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 15 dự thảo Luật nêu rõ, thư viện ngoài công lập đủ điều kiện đăng ký hoạt động khi có vốn tài liệu từ 5.000 bản sách trở lên và các tài liệu khác, có phục vụ từ 1.000 bạn đọc thường xuyên trở lên. Đây là điều khoản khiến nhiều cán bộ thư viện băn khoăn. Giám đốc Thư viện tỉnh Hưng Yên Đào Văn Quyến cho rằng, quy định này nên chỉnh lại: có vốn tài liệu từ 3.000 bản sách trở lên, phục vụ từ 300 bạn đọc thường xuyên trở lên... để phù hợp thực tiễn.

Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới cũng cho rằng, quy định thư viện tư nhân phải có 1.000 bạn đọc thường xuyên, trong khi vốn tài liệu từ 5.000 bản sách trở lên là con số quá cao và xa vời. “Nên chăng cần chỉnh lại quy định này. 1.000 bạn đọc thường xuyên là nhiều lắm. Mặt khác, trong hồ sơ đăng ký hoạt động thư viện phải có danh mục vốn tài liệu ban đầu. Nếu thư viện có 20.000, 30.000 bản sách thì việc kê khai cũng như có đủ đội ngũ kiểm tra danh mục này là không đơn giản. Kiểm soát chất lượng xuất bản phẩm là đúng, tuy nhiên quy định kê khai danh mục vốn tài liệu ban đầu cần tính toán cho hợp lý, nếu không sẽ khó kêu gọi xã hội hóa…”, theo ông Giới.

Băn khoăn, nhưng các ý kiến đều tán đồng với nội dung mở rộng phạm vi điều chỉnh thư viện ngoài công lập tại dự thảo Luật Thư viện. Giám đốc Thư viện tỉnh Hưng Yên chia sẻ, ở Hưng Yên có 3 thư viện tư nhân, trong đó có thư viện của một cựu chiến binh đã 86 tuổi, phục vụ bạn đọc 28 năm nay. Thư viện này có 10.000 bản sách và 60 vạn bản báo, tạp chí. Một vài năm trở lại đây, thư viện hoạt động không còn hiệu quả như trước, rất có thể khi cựu chiến binh này mất thì thư viện sẽ không còn. Nhiều người lo lắng bởi cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng chưa thực sự khuyến khích, hỗ trợ loại hình này phát triển. Ông Quyến đề nghị, ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để đưa ra những quy định thực sự phù hợp, có tác động tới sự phát triển của mô hình thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng.

Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà, Phó trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Thư viện cho biết, Việt Nam hiện có hơn 20.000 phòng đọc, tủ sách phục vụ cộng đồng dân cư, thôn xóm, nên đặt ra vấn đề đăng ký thì rất khó. Trong 10 năm qua, mới có khoảng 60 thư viện thực hiện đăng ký; thư viện tư nhân ở cụm dân cư thì chỉ thông báo với chính quyền địa phương. “Trên thực tế đã có thư viện tư nhân có hơn 10.000 bản sách như Thư viện xã Dương Liễu (Hà Nội) với trên 1.500 bạn đọc thường xuyên, có làm thẻ, hầu hết miễn phí nhưng không đăng ký. Do đó, dự thảo Luật bên cạnh khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện làm thủ tục đăng ký với cơ quan có thẩm quyền thì có quy định phải đăng ký hoạt động với những thư viện có 5.000 bản sách trở lên, phục vụ 1.000 bạn đọc thường xuyên trở lên. Quy định này để quản lý và khuyến khích thư viện phục vụ cộng đồng…”, bà Ngà cho biết.

Bản quyền và số hóa tài liệu

Luật Thư viện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành thư viện, khắc phục những hạn chế, tồn tại sau gần 18 năm thi hành Pháp lệnh Thư viện. So với Pháp lệnh, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh thêm thư viện ngoài công lập, thư viện có yếu tố nước ngoài.

Chuyển hướng để nâng cao hiệu quả là những kinh nghiệm và mong mỏi của đội ngũ cán bộ lâu năm tại diễn đàn này. Đơn cử, bên cạnh luân chuyển sách tới bưu điện văn hóa xã, Thư viện tỉnh Hưng Yên đang chuyển hướng, phối hợp luân chuyển sách vào thư viện trường học. Theo thống kê, cả nước có hơn 29.000 thư viện trường học nhưng hệ thống này chưa được quan tâm đầu tư, khó phát triển. Theo bà Mai Hoa (Sở GD&ĐT Hà Nội), dự thảo Luật cần quan tâm hơn tới hệ thống thư viện trường học, vốn có lượng bạn đọc lớn nhưng số sách còn hạn chế.

Số hóa và truy cập dữ liệu số để nâng hiệu quả hoạt động phù hợp với thời đại 4.0 cũng là vấn đề được quan tâm. Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, hiện khai thác tài liệu số đang là nhu cầu thực tế, nhiều bạn đọc mong muốn không phải đến thư viện mà ngồi nhà cũng khai thác được. “Tuy nhiên theo Luật Xuất bản hiện nay, thư viện chỉ được số hóa với ý nghĩa là lưu trữ và bảo quản thôi chứ không được đưa ra phục vụ. Như thế có nghĩa là số hóa mà vẫn “đóng cửa”…”, bà Ngà chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam cho rằng, cần có truy cập mở cho hệ thống thư viện để cho phép thư viện liên thông, khai thác tư liệu của nhau. Không truy cập mở thì không thể phục vụ trên mạng, không thể thực hiện công nghệ 4.0 được.

Phó trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật Thư viện, ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) nhấn mạnh: “Phải tôn trọng luật bản quyền. Tác giả bán sách là bán bản in chứ không bán bản số hóa nên không thể tự do số hóa rồi cho tải về được. Không thể cứ lên mạng thích tài liệu gì là tải về. Sẽ có tài liệu có thể tải, có tài liệu không, có tài liệu sẽ mất phí nếu tải về. Tức là cần phải phân loại tài liệu phục vụ”. Vì vậy, theo ông Hoàng Minh Thái: “Không dùng Luật Thư viện để “đè” luật về bản quyền được.

Bà Vũ Dương Thúy Ngà nêu quan điểm, nên có những quy định đặc biệt cho thư viện để vừa bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, vừa thúc đẩy được việc chia sẻ tư liệu. “Các sách dự án tài trợ của Nhà nước, là sở hữu của Nhà nước thì nên cho phép khai thác bản số hóa”.

Bên cạnh đó, một vấn đề khác là việc đàm phán với các chủ thể quyền tác giả. Việt Nam hiện chưa có tổ chức đại diện quyền tập thể cho các xuất bản phẩm, do vậy, thỏa thuận với các tác giả sách sẽ rất khó khăn. 

 ​ Trên thực tế đã có thư viện tư nhân có hơn 10.000 bản sách như Thư viện xã Dương Liễu (Hà Nội) với trên 1.500 bạn đọc thường xuyên, có làm thẻ, hầu hết miễn phí nhưng không đăng ký. Do đó, dự thảo Luật bên cạnh khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện làm thủ tục đăng ký với cơ quan có thẩm quyền thì có quy định phải đăng ký hoạt động với những thư viện có 5.000 bản sách trở lên, phục vụ 1.000 bạn đọc thường xuyên trở lên…

(Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Phó trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Thư viện)

 

 PHƯƠNG ANH

 

 

Ý kiến bạn đọc