Xét xử vụ án chạy thận: Đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung

VH- Tại phiên xét xử ngày 28.5, khi luật sư của bị cáo Hoàng Công Lương quy kết trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc “biên tập” câu hỏi của cơ quan điều tra dẫn đến cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát luận tội bác sĩ Hoàng Công Lương, chiều ngày 29.5, đại diện Bộ Y tế đã có mặt tại Tòa để làm sáng tỏ vấn đề.

Xét xử vụ án chạy thận: Đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung - Anh 1

Cơ quan điều tra hỏi một đằng, Bộ Y tế trả lời một nẻo

Trình bày trước Hội đồng xét xử về căn cứ hai Công văn 4342 ngày 2.8.2017 và Công văn số 2322 ngày 27.4.2018, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: “Trên cơ sở công văn ngày 13.7.2017 của cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh Hòa Bình gửi Bộ Y tế đề nghị phối hợp điều tra và trả lời bằng văn bản. Trong công văn này có nêu ra 6 câu hỏi để chúng tôi trả lời. Trên cơ sở các câu hỏi này, chúng tôi đã có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của Bộ Y tế, trong đó có  Vụ  Công trình trang thiết bị y tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Viện Chăm sóc sức khỏe, Bệnh viện Bạch Mai để trả lời bằng văn bản. Sau đó chúng tôi lại nhận được công văn của Văn phòng luật sư Nguyễn Chiến hỏi về sự khác nhau và giống nhau ở hai câu hỏi trong văn bản của cơ quan điều tra và công văn trả lời của Bộ Y tế nên chúng tôi đã phúc đáp bằng Công văn 2322 ngày 27.4.2018. Về câu hỏi số 4, chúng tôi có trả lời cơ quan điều tra là đối với hệ thống RO, sau khi sửa chữa nhất thiết phải làm xét nghiệm chất lượng nước để xem có phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng AAMI hay không và việc xét nghiệm tồn dư hóa chất là bắt buộc, đồng thời khuyến cáo xét nghiệm thêm vi khuẩn và độc tố endotoxin”.

Khi đại diện Viện Kiểm sát hỏi vì sao cho rằng xét nghiệm AAMI là bắt buộc trong khi câu hỏi của cơ quan điều tra không đề cập đến vấn đề này, ông Quang cho biết vì trong hợp đồng 315 giữa Công ty Thiên Sơn và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình có điều khoản về xét nghiệm này. Viện Kiểm sát tiếp tục hỏi ông Quang có được nghiên cứu hợp đồng này không, có được cơ quan điều tra cung cấp hợp đồng này không thì ông Quang trả lời không.

Đại diện Viện Kiểm sát tiếp tục hỏi ông Quang, trong trường hợp này, xét nghiệm AAMI có bắt buộc không, ông Quang trả lời không. Viện Kiểm sát truy tiếp, tại sao không bắt buộc mà văn bản trả lời của Bộ Y tế lại nói là cần thiết thì được ông Quang giải thích trả lời như vậy là trên cơ sở chung. Viện Kiểm sát vặn lại: Câu hỏi cụ thể sao lại trả lời chung thì ông Quang nói là trả lời phải trên cơ sở tổng thể.

Đến đây, đại diện Viện Kiểm sát gay gắt: “Tại sao ông không được cung cấp hợp đồng mà ông lại trả lời căn cứ trên hợp đồng? Nếu ông chưa rõ thì ông phải đề nghị cơ quan điều tra cung cấp hoặc phải hỏi lại chứ không thể trả lời như vậy. Chúng tôi không có chuyên môn về y tế nên chúng tôi đã phải hỏi Bộ Y tế và chính công văn trả lời của Bộ Y tế đã khiến chúng tôi hiểu lầm là việc xét nghiệm AAMI là bắt buộc, dẫn đến có những đánh giá khác”.

Sau hồi đối chất, ông Quang khẳng định, xét nghiệm AAMI là không bắt buộc, xét nghiệm thêm vi khuẩn và độc tố là khuyến cáo, còn chỉ có xét nghiệm tồn dư hóa chất là bắt buộc.

Viện Kiểm sát đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Gần cuối buổi chiều, sau khi trả lời chất vấn của các luật sư, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử xem xét trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung là do trong quá trình xét hỏi trực tiếp tại phiên tòa đã phát sinh hai tình tiết mới.

Thứ nhất, đó là dấu hiệu của việc hợp lý hóa các tài liệu, cần phải làm rõ.

Về vấn đề này, trong suốt hơn chục ngày phiên tòa diễn ra, nhiều hồ sơ, giấy tờ, tài liệu đã có dấu hiệu được lập khống, sửa chữa. Đó là hợp đồng giữa Công ty Thiên Sơn và Công ty Trâm Anh được ký sau khi sự cố xảy ra; biên bản bàn giao trang thiết bị được ký sau khi sự cố xảy ra; việc viết thêm vào biên bản họp giao ban cuối năm phần phân công nhiệm vụ cho bác sĩ Hoàng Công Lương; hợp đồng lao động của Trần Văn Sơn,...

Thứ hai, qua trả lời của ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, Viện Kiểm sát thấy ông Quang không nắm được nội dung các vấn đề cơ quan điều tra hỏi, do vậy cần xem xét lại mâu thuẫn giữa hai công văn của Bộ Y tế là Công văn 4342 và Công văn 2322 vì nó gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc xác định tội danh của các bị cáo. Đại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến nội dung này.

Hoàng Hương

Ý kiến bạn đọc