Không có bằng chứng thuốc lá điện tử ít gây hại hơn thuốc lá điếu

VHO - Ngành công nghiệp thuốc lá đang tung ra những tuyên bố như: Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng an toàn hơn thuốc lá điếu truyền thống; giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống; TLĐT là sản phẩm dành cho người trưởng thành đang hút thuốc nhằm mục tiêu bỏ thuốc... Tuy nhiên những tuyên bố trên là sai lầm, ngộ nhận và không chứng minh được.

Tại hội thảo mới đây về phòng, chống tác hại của thuốc lá, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) khẳng định, những tuyên bố trên của ngành thuốc lá là hoàn toàn sai.  Cụ thể, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kết luận: “Tất cả các loại thuốc lá đều độc hại bao gồm cả thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng  và không có bằng chứng nào chứng minh rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá thông thường. Tuyên bố “Thuốc lá điện tử giảm hại và an toàn hơn 95% so với thuốc lá thông thường” là không có cơ sở khoa học.

Không có bằng chứng thuốc lá điện tử ít gây hại hơn thuốc lá điếu - Anh 1

 Vụ trưởng Vụ BHYT Trần Thị Trang chia sẻ về những ngộ nhận sai lầm về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Tạp chí the Lancet đã chỉ ra đây chỉ là “ý kiến của một nhóm nhỏ các cá nhân không có chuyên môn về kiểm soát thuốc lá”. Mâu thuẫn lợi ích bởi trong nhóm chuyên gia đưa ra tuyên bố này có 2 người là làm tư vấn cho nhà phân phối và nhà sản xuất thuốc lá.

Tuyên bố Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ phê duyệt sản phẩm thuốc lá nung nóng (IQOS của hãng PMI) là sản phẩm giảm thiểu rủi ro, không đúng sự thật. IQOS chỉ được FDA Hoa Kỳ phán quyết là sản phẩm điều chỉnh/giảm phơi nhiễm, không đồng nghĩa với giảm hại. FDA không cho phép IQOS được tiếp thị, quảng cáo là sản phẩm giảm rủi ro. Đồng thời nêu rõ IQOS không đáp ứng tiêu chuẩn điều chỉnh rủi ro.

Trong khi đó, hồ sơ của hãng PMI gửi FDA, bản thân PMI cũng thừa nhận: Việc chuyển sang sử dụng IQOS chưa được chứng minh là giảm nguy cơ mắc bệnh liên quan tới thuốc lá, so với thuốc lá điếu truyền thống. Ngoài ra, thành phần HeatSticks chứa nicotine và gây nghiện; sử dụng hệ thống IQOS có thể gây hại cho sức khoẻ.

Bà Trần Thị Trang cũng cho rằng, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có nguy cơ gây bệnh mãn tính giống như thuốc lá thông thường. Cụ thể, bệnh hô hấp do suy giảm chức năng phổi do tắc ngẽn; bệnh tim mạch do rối loạn chức năng mạch máu, cơ xơ cứng mạch máu, huyết khối, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành, tăng huyết áp và đột quỵ; bệnh ung thư vì thuốc lá điện tử/thuốc lá nung nóng làm tổn thương DNA gây tăng nguy cơ ung thư, tăng kháng hóa trị liệu; bệnh vể răng miệng như bệnh viêm lợi, sâu răng, mất xương quanh răng, tổn thương niêm mạc miệng, tăng nguy cơ nhiễm trùng miệng; bệnh tiêu hóa có triệu chứng đau vùng thượng vị, buồn nôn và nôn, tiêu chảy và xuất huyết tiêu hoá, viêm loét đại tràng.

Ngoài ra thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có nhiều tác hại cấp tính với sức khỏe, có thể gây tử vong như Hội chứng tổn thương phổi cấp do thuốc lá điện tử (EVALI), Thống kê ở Mỹ,  tính đến đầu năm 2020, tổng số 2.807 trường hợp EVALI nhập viện và đã được báo cáo cho CDC ở 50 tiểu bang. Trong đó, 68 ca tử vong đã được xác nhận tại 29 tiểu bang; 15% số ca nhập viện dưới 18 tuổi; 37% từ 18-24 tuổi; tuổi trung bình 24.

Về nguy cơ cháy nổ, các thiết bị trong thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có thể hỏng, lỗi và gây nổ từ đó gây chấn thương nghiêm trọng ở vùng miệng, mặt, cổ, mắt, mũi, xương hàm, tổn thất tài sản... Trên thế giới đã thông tin về trường hợp pin thuốc lá điện tử nổ trong miệng 1 cậu bé 17 tuổi, khiến cậu phải phẫu thuậ cố định xương, loại bỏ răng và mô hỏng; bị tổn thương nặng xương hàm bên trái.

Theo Quyền Vụ trưởng Vụ BHYT, các sản phẩm thuốc lá mới không có công dụng cai nghiện thuốc lá điếu thông thường. Tại hội nghị FCTC/COP7 khẳng định: Không có bằng chứng khoa học chứng minh thuốc lá điện tử có thể giúp cai nghiện thuốc lá điếu. Ngược lại, bằng chứng từ các nước cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng có nguy cơ sử dụng đồng thời thuốc lá thông thường. Ví dụ: ở Mỹ: Theo thống kê của CDC Mỹ, hầu hết người sử dụng TLĐT để cai thuốc lá đều không bỏ được thuốc lá, thay vào đó tiếp tục sử dụng đồng thời cả TLĐT và thuốc lá điếu truyền thống (CDC Hoa kỳ). Ở  Nhật Bản, Hàn Quốc: 2/3 người dùng thuốc lá nung nóng ở Nhật Bản, và 96,2% người dùng TLNN ở Hàn Quốc sử dụng đồng thời TLNN và thuốc lá điếu. Có 8 quốc gia quy định quản lý thuốc lá như dược phẩm: Công ty thuốc lá có thể nộp hồ sơ đăng ký công dụng cai nghiện thuốc lá điếu nếu có đủ bằng chứng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bất cứ hồ sơ nào được nộp.

“Quỹ BHYT đang chi nhiều cho các bệnh có liên quan đến các bệnh không lây nhiễm, trong đó bệnh ung thư, tim mạch chiếm tỉ trọng lớn trong chi phí BHYT hiện nay. Người dân đang đóng góp BHYT để chi cho các bệnh mà lẽ ra có thể phòng, tránh được. Dùng chi phí đó để chi các bệnh mắc phải khác”, bà Trang nói và nhấn mạnh cần thiết phải phòng chống từ xa, từ sớm đối với các bệnh có nguyên nhân từ lối sống, hành vi như sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc