Cấp phép cho thuốc lá điện tử sẽ tăng sử dụng, kích thích tiêu dùng

VHO - Ngày 23.11, Bộ TT&TT phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ TT&TT, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá và các phóng viên, nhà báo của các cơ quan báo chí.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TT&TT) cho biết, theo Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn tới 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới, trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động. Còn theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỉ USD. Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường.

Cấp phép cho thuốc lá điện tử sẽ tăng sử dụng, kích thích tiêu dùng - Anh 1

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hồ Hồng Hải phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các chuyên gia đã cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử và cập nhật những thách thức khi ngành công nghiệp thuốc lá can thiệp vào kiểm soát thuốc lá trên toàn cầu.

 Cập nhật tình hình hoạt động và một số vấn đề ưu tiên trong Phòng, chống thuốc lá ở Việt Nam, Ths. Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ phòng, chống tác tại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, theo nghiên cứu năm 2019 về Sức khỏe thanh thiếu niên của Tổ chức Y tế thế giới, trong nhóm 13-17 tuổi, tỉ lệ hút thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi 13 - 17 tuổi chiếm 2,6%. Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên 13-15 tuổi năm 2022, trong nhóm 13-15 tuổi tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi học sinh từ 13-15 tuổi là 3,5%.

Có thể thấy chỉ sau 3 năm tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng một cách đáng kể.  Điều này cho thấy những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ. Còn nghiên cứu tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh năm 2020, sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15 - 24 tuổi với tỉ lệ là 7,3% so với các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%).

Cấp phép cho thuốc lá điện tử sẽ tăng sử dụng, kích thích tiêu dùng - Anh 2

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá trình bày tại Hội nghị

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, trước nguy cơ ngày càng gia tăng nào, ngày 31.8.2023, Chính phủ đã có Tờ trình số 423/BC-CP ngày 31.8.2023 trình Quốc hội Báo cáo kết quả hoạt động, sử dụng Quỹ PCTH thuốc lá 2 năm (2021-2022), trong đó có kiến nghị Quốc hội: “Xem xét và ban hành Nghị quyết của Quốc hội về cấm sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng”. Không nên cho phép thực hiện thí điểm sản xuất, kinh doanh, lưu hành các sản phẩm thuốc lá mới.

“Việc cho phép sản xuất, mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng sẽ làm tăng thêm nhiều lựa chọn sản phẩm cho người sử dụng, tăng nguồn cung cấp các sản phẩm thuốc lá trong nước, kích thích tiêu dùng, làm gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá, trái với nguyên tắc giảm nguồn cung và giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá tại Điều 3 Luật PCTH của thuốc lá và Chiến lược quốc gia PCTH của thuốc lá”, bà Thu Hương nhấn mạnh.

Ngoài ra, tại hội nghị, Ts. BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã cập nhật tình hình các ca ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử; Ths. Nguyễn Thị Hạnh Nguyên – Tổ chức Health Bridge Canada đã trình bày về một số quan niệm sai lầm, sự thật, và kinh nghiệm quốc tế trong kiểm soát các sản phẩm thuốc lá mới. Ts. Nguyễn Thu Hương- Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu - Vital Strategies nêu lên những thách thức trong phòng, chống tác hại của thuốc lá do ngành công nghiệp thuốc lá can thiệp vào kiểm soát thuốc lá trên toàn cầu. Bên cạnh đó, Ths. Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức WHO tại Việt Nam cũng đưa ra những khuyến cáo của WHO về quan điểm cấm các sản phẩm thuốc lá mới…

Q.HOA

Ý kiến bạn đọc