Bộ Y tế đề xuất BHYT bổ sung song hành với BHYT xã hội

VHO - Kết hợp nguồn tài chính từ quỹ BHYT với nguồn tài chính từ các doanh nghiệp bảo hiểm thương mại thông qua liên kết hai loại hình bảo hiểm để gia tăng quyền lợi cho người tham gia là đề xuất mới của Bộ Y tế trong Dự thảo luật BHYT sửa đổi.

Ngày 10.10, Vụ BHYT (Bộ Y tế) và Tổng hội y học Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Chính sách BHYT bổ sung trong Dự án Luật BHYT sửa đổi. Tham dự Hội thảo có đại diện các chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm, hoạch định chính sách và một số bệnh viện.

Bộ Y tế đề xuất BHYT bổ sung song hành với BHYT xã hội - Anh 1

Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, bà Trần Thị Trang, Quyền Vụ trưởng Vụ BHYT cho biết: BHYT bổ sung là một trong những nội dung mới được đề cập trong Dự án Luật BHYT (sửa đổi), nhằm mục tiêu mở rộng quyền lợi chăm sóc sức khỏe, giảm chi tiền túi của người dân.  Đề xuất nhằm hiện thực hoá chủ trương tại Nghị quyết Trung ương số 20-NQ/TW ngày 25.10.2017 về đa dạng các gói BHYT, tăng cường liên kết, hợp tác giữa BHYT xã hội với BHYT thương mại; đáp ứng yêu cầu đổi mới tài chính y tế, chuyển dần từ chi cho cơ sở trực tiếp cơ sở khám chữa bệnh sang chi trực tiếp cho người bệnh.

"Theo định hướng Nghị quyết Trung ương số 20-NQ/TW, căn cứ yêu cầu thực tiễn, chúng tôi thấy cần phải đa dạng hóa gói quyền lợi bảo hiểm cho người dân. Bộ Y tế đang nghiên cứu theo hướng này và thấy có một số dịch vụ chưa được BHYT thanh toán như khám sức khỏe định kỳ, chẩn đoán sớm một số bệnh, gói bảo hiểm chăm sóc sức khỏe dành cho người già... để nghiên cứu, đa dạng hóa mức đóng, đa dạng hóa gói quyền lợi cho người bệnh thông qua BHYT bổ sung", bà Trang cho hay.

Trình bày rõ hơn về BHYT bổ sung, ông Hoàng Trung Tuấn (Vụ Bảo hiểm BHYT) chia sẻ, BHYT bổ sung là hình thức BHYT tự nguyện cho người dân đã tham gia BHYT xã hội. Người dân ký hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và đóng phí để được chi trả các chi phí y tế nằm ngoài phạm vi chi trả của BHYT xã hội. Các quyền lợi bổ trợ được hưởng là được thanh toán các khoản chi phí đồng chi trả ngoài mức hưởng của BHYT xã hội; các dịch vụ ngoài phạm vi hưởng của BHYT xã hội.

Trong khi đó, doanh nghiệp cung cấp BHYT bổ sung được yêu cầu, sử dụng thông tin về dịch vụ y tế, chi phí khám chữa bệnh, chữa bệnh BHYT, giám định thanh toán BHYT để phục vụ việc chi trả quyền lợi cho người tham gia…

Thực tế cho thấy, Quỹ BHYT không chi trả toàn bộ các danh mục thuốc, chi phí y tế mà người có thẻ phải thanh toán khi nằm viện, ốm đau. Một số người tham gia BH nhân thọ hoặc phi nhân thọ của các doanh nghiệp thương mại về chi trả dịch vụ y tế mới được hỗ trợ thanh toán phần viện phí còn lại. Tức là những người có thẻ BHYT không tham gia loại hình bảo hiểm thương mại sẽ phải bỏ tiền túi ra để chi trả phần mà Quỹ BHYT không thanh toán.

Do đó, bà Trần Thị Trang cho rằng, BHYT bổ sung sẽ giúp thanh toán phần nằm ngoài này mà người tham gia không cần phải mua BH nhân thọ, hay BH phi nhân thọ. Ưu điểm của loại hình này là không giới hạn đối tượng như bảo hiểm thương mại, mà bất cứ ai có nhu cầu cũng đều được mua, kể cả người có bệnh hay người già, kể cả người không mua BH nhân thọ. “Đã có nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng hình thức BHYT bổ sung này và được Chính phủ hướng dẫn thực hiện nên đã thu hút đông đảo người tham gia. Việt Nam đang bước vào thời kỳ già hoá dân số, nếu chính sách BHYT bổ sung được triển khai sẽ giảm gánh nặng cho người dân”, Quyền Vụ trưởng Vụ BHYT nhấn mạnh.

Việc đề xuất BHYT bổ sung song song với BHYT xã hội trong Dự án Luật BHYT sửa đổi là đề xuất mới và sẽ còn thu hút nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề này. Tại Hội thảo, các chuyên gia đã bày tỏ quan điểm về tính khả thi, cũng như sự sẵn sàng tham gia của các doanh nghiệp bảo hiểm, của người dân, và kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện chính sách BHYT bổ sung…

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc