TP.HCM thành lập Sở An toàn thực phẩm đầu tiên của cả nước

VHO- Sáng qua 19.9, tại kỳ họp chuyên đề, HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết về thành lập Sở An toàn thực phẩm TP và sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1.1.2024. Sở An toàn thực phẩm được thành lập trên cơ sở tổ chức của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, sau thời gian thực hiện thí điểm từ đầu năm 2017.

TP.HCM thành lập Sở An toàn thực phẩm đầu tiên của cả nước - Anh 1

 Kiểm tra an toàn thực phẩm tại TP.HCM Ảnh: KHÁNH TRẦN

Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND TP.HCM, có chức năng tham mưu, giúp UBND TP Hồ Chí Minh quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn thành phố từ Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công thương. Về nguồn nhân lực, số lượng người làm việc của Sở An toàn thực phẩm TP được chuyển nguyên trạng từ Ban Quản lý an toàn thực phẩm và được UBND TP.HCM giao biên chế trên cơ sở vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng biên chế hành chính, số lượng người làm việc của thành phố. Cơ cấu lãnh đạo Sở An toàn thực phẩm gồm Giám đốc và không quá 3 Phó Giám đốc. Trong đó, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm là Ủy viên UBND TP.HCM, do HĐND thành phố bầu ra.

Tại kỳ họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho rằng, mô hình thí điểm Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP kết hợp lực lượng từ 3 Sở (Y tế, Công thương, NN&PTNT) là một bước đột phá trong tiến trình phát triển bền vững và đảm bảo an sinh xã hội, lấy mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân làm kim chỉ nam cho hành động; hoàn toàn phù hợp với chính sách của TP và tình hình thực tiễn của địa phương. Thông qua kết quả đạt được sau quá trình thí điểm mô hình Ban Quản lý an toàn thực phẩm (từ năm 2017 đến nay), UBND TP.HCM nhận thấy đây là giai đoạn chín muồi để phát huy hiệu quả cao nhất trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân sống và làm việc tại TP, tạo bước chuyển biến tích cực trong nhận thức cộng đồng.

Việc xây dựng một cơ quan chuyên môn nhằm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm nhằm ngăn chặn, giải quyết dứt điểm, căn cơ tình trạng không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, khắc phục các bất cập, tồn tại, rào cản trong hoạt động phối hợp liên ngành là hết sức cần thiết.

L.S

Ý kiến bạn đọc