Xét xử vụ chạy thận: Nghi vấn xung quanh lời khai sinh đôi

VH- Xuất hiện nạn nhân thứ 9 trong vụ án chạy thận​

Xét xử vụ chạy thận: Nghi vấn xung quanh lời khai sinh đôi - Anh 1

Phiên toà kéo dài, nhiều người thân của các nạn nhân và người dân vẫn kiên trì tham dự

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các nạn nhân trong vụ tai biến do chạy thận, luật sư Nguyễn Hoàng Trung cho biết, ông và người nhà các nạn nhân đã phải theo phiên tòa 4 ngày hôm nay và nói chung là bà con đều rất mệt mỏi.

Lần đầu tiên được mời hỏi, Luật sư Trung trình bày: “Tôi là luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 8 nạn nhân bị tử vong trong tai biến chạy thận ngày 29.5.2017 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, ngoài 8 bệnh nhân tử vong ngay trong ngày 29 và 30.5. 2017 thì sau 6 tháng có thêm bệnh nhân Phạm Ngọc Trung cũng đã tử vong và tôi đã đề nghị Tòa cho phép bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân Trung. Như vậy, đến nay có 9 nạn nhân tử vong do tai biến chạy thận chứ không phải là 8 nạn nhân”.

Khi được hỏi về nạn nhân thứ 9 có được coi là nạn nhân của vụ chạy thận không, luật sư Trung khẳng định là có vì việc tử vong của ông Trung là có mối quan hệ nguyên nhân - hậu quả giữa tai biến ngày 29.5.2017 với sức khỏe và tính mạng của nạn nhân. Luật sư Trung ví dụ: Trong vụ tai nạn giao thông có 2 nạn nhân, 1 người tử vong tại chỗ và 1 người bị chấn thương sọ não, nạn nhân thứ 2 này tử vong sau 1 tháng thì đây cũng được coi là nạn nhân của vụ tai nạn giao thông.

Ai là người sở hữu hệ thống máy chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình?

Trả lời câu hỏi của luật sư Nguyễn Hoàng Trung về việc ai là người sở hữu hệ thống máy chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, đại diện Bệnh viện là ông Đỗ Đình Vận đã mời luật sư đại diện trả lời thay. Theo đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh  Hòa Bình có 6 hợp đồng với Công ty Thiên Sơn do giám đốc Bệnh viện là ông Trương Quý Dương và Giám đốc Công ty Thiên Sơn là ông Đỗ Anh Tuấn ký. Theo nội dung của các hợp đồng này thì các máy móc, thiết lắp đặt tại Bệnh viện là  thuộc sở hữu của Công ty Thiên Sơn. Sau thời gian được quy định tại hợp đồng,  có một số máy đã hết khấu hao thì sẽ thuộc về Bệnh viện. Cũng theo nội dung của các hợp đồng, nhà cung cấp thiết bị có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn việc vận hành, bảo trì, bảo dưỡng. Bệnh viện giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân cụ thể trong việc quản lý, sử dụng, bảo quản các trang thiết bị này.

Trước đó, tại phần xét hỏi ngày 17.5.2018, bác sĩ Hoàng Công Tình “tiết lộ” là tiền thu được trong chạy thận Công ty Thiên Sơn sẽ hưởng 90%, Bệnh viện hưởng 10%. Hàng ngày đều có nhân viên cùa Công ty Thiên Sơn đến Bệnh viện để đếm các ca chạy thận. Chi phí cho mỗi ca chạy thận là 7,7USD.

Mặc dù đại diện Công ty Thiên Sơn và đại diện Bệnh viện đều khẳng định việc lắp đặt, bảo dưỡng, bảo trì máy móc là theo đúng quy trình, quy định, nhưng bị cáo Quốc  khẳng định là khi đến Bệnh viện sửa chữa, thay thế vật tư đều làm theo kinh nghiệm. Chính vì vậy, tất cả các lần vệ sinh máy móc, bị cáo đều sử dụng các hóa chất tẩy rửa như axit clohyđric, axit flohyđric, là những hóa chất chưa được phép sử dụng trong việc vệ sinh các trang thiết bị y tế.

Và thực tế chính sự tồn dư của các hóa chất này trong thiết bị RO dùng cho chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình  chính là nguyên nhân trực tiếp khiến 18 bệnh nhân bị tai biến và 8 bệnh nhân đã tử vong.

Nguy hiểm hơn, hóa chất này còn được bị cáo Quốc sử dụng để vệ sinh máy móc cho  nhiều bệnh trong cả nước. Và dù không gây chết người ngay lập tức, nhưng không thể không khẳng định là nó không ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân.

Nghi vấn về lời khai sinh đôi

Phiên tòa bắt đầu nóng lên khi luật sư Nguyễn Văn Chiến đề nghị được hỏi điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa.

Trước khi trả lời, ông Nghĩa đề nghị hội đồng xét xử không cho phép các phóng viên báo, đài, các phương tiện truyền thông đại chúng ghi âm, ghi hình, đăng hình ảnh trên mạng xã hội. Hội đồng xét xử đã phổ biến đề nghị này.

Luật sư Chiến đặt câu hỏi đối với điều tra viên Nghĩa là tại sao trong thời gian bị tạm giam, bị cáo Lương đã đề nghị có luật sư nhưng 6-7  ngày sau luật sư mới nhận được đề nghị. Điều tra viên Nghĩa  trả lời là đã làm theo đúng quy định pháp luật và từ chối trả lời thời gian nào thông báo  cho luật sư và đề nghị luật sư xem trong hồ sơ.

Luật sư tiếp tục đặt câu hỏi: Bị cáo Lương cho biết  là đã được điều tra viên đưa cho bản khai của ông Hoàng Đình Khiếu về việc phân công nhiệm vụ nên bị cáo Lương đã khai theo, như vậy có đúng không và điều tra viên Nghĩa trả lời là không đưa.

Luật sư Chiến công bố hai đoạn khai giống nhau từng câu, từng chữ, thậm chí từng dấu chấm, dấu phẩy trong hai bản khai của ông Khiếu và bị cáo Lương và đề nghị điều tra viên Nghĩa giải thích. Ông Nghĩa không giải thích, chỉ đồng ý với luật sư Chiến rằng đó là sự ngẫu  nhiên.

Luật sư Chiến tiếp tục hỏi điều tra viên Nghĩa là vì sao điều dưỡng Điệp cũng cho biết là điều tra viên đã đưa cho chị Điệp xem nội dung cuộc họp giao ban được chụp qua điện thoại để chị Điệp khai, có đúng không? Ông Nghĩa trả lời là điều tra viên không đưa, chị Điệp hay bị cáo Lương khai thế nào là việc của chị Điệp và bị cáo Lương.

Đến đây, nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao có những lời khai sinh đôi?

Hoàng Hương

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc