Vì sao hầu hết các vụ bạo hành y tế đều bị “chìm xuồng”?

Vì sao hầu hết các vụ bạo hành y tế đều bị “chìm xuồng”? - Anh 1

Hình ảnh trích xuất từ camera BVĐK Hà Tĩnh

Việc bạo hành, hành hung không chỉ xảy ra với ngành y tế mà với cả ngành giáo dục, thậm chí cả CSGT, điều này báo hiệu sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Tuy nhiên với ngành y tế thì tần suất nhiều hơn bởi vì môi trường, đặc thù làm việc của ngành y tế nhạy cảm hơn bởi người bệnh, người nhà bệnh nhân đã sẵn tâm lý lo lắng. Nhiều người biện minh cho hành động hành hung này là bức xúc với nhân viên y tế, nhưng với nhiều trường hợp không thể lý giải được, chẳng hạn vụ việc đánh cán bộ y tế chỉ vì việc không cho người nhà quay video vợ đẻ.

Tuy nhiên, dù với bất cứ lý do gì thì cũng không thể dùng phương pháp hành hung người khác để giải quyết mâu thuẫn. Đây là những hành vi của một xã hội hung hãn, bạo lực. Chẳng hạn như trường hợp ở Hà Tĩnh, người nhà bệnh nhân mang hai con dao đến để gây áp lực với nhân viên y tế, theo tôi đứng về mặt tâm lý là không bình thường. Gí dao vào cổ người điều trị cho người thân mình để ép y bác sĩ thì dưới một áp lực như thế, làm sao họ có thể yên tâm toàn, tâm toàn ý làm tốt được.

Sống và làm việc trong một đất nước pháp quyền thì nhân viên y tế phải được bảo đảm về sự an toàn khi hành nghề và đấy là quyền tối thiểu để làm việc tốt. Nếu không giải quyết dứt điểm tình trạng này thì phần thiệt thòi hơn sẽ thuộc về bệnh nhân bởi khi đó các y bác sĩ sẽ có tâm lý cụm lại, tự bảo vệ mình trước. Đến nay, hầu hết các vụ bạo hành y tế bị “chìm xuồng”, số đối tượng bị khởi tố rất ít. Điều này là không đủ tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật.

 

Vì sao hầu hết các vụ bạo hành y tế đều bị “chìm xuồng”? - Anh 2

Hai con dao đối tượng sử dụng

Một số ý kiến cho rằng cần phải trang bị, dạy võ cho cán bộ, nhân viên y tế, tôi cho rằng điều này là sự đối phó một cách không ổn. Nhân viên y tế làm việc để cứu người bất kể đêm hôm, chúng tôi muốn được làm việc trong sự đảm bảo an toàn về tính mạng, để chúng tôi yên tâm hành nghề, thực hiện nhiệm vụ chứ không phải chúng tôi phải tự bảo vệ bằng cách đi học võ. Câu hỏi đặt ra là nếu đối tượng cầm dao, cầm súng thì lại phải trang bị súng, dao cho nhân viên y tế hay sao? Nếu điều này xảy ra thì sẽ không còn vai trò của chính quyền, của Nhà nước nữa.

Hiện tượng bạo hành đánh người phải được xử lý theo quy định pháp luật chứ không phải ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi rồi mới xử lý. Tâm tư nguyện vọng của nhân viên y tế mong muốn pháp luật phải nghiêm minh, nếu thầy thuốc sai thì đối chiếu theo đúng các quy định, mức độ sai phạm đến đâu thì xử đến đấy; thậm chí nghiêm trọng thì bị xử lý nặng hơn. Không thể lý giải rằng, đánh người, đâm người bởi tôi bức xúc. Tôi hoàn toàn phản đối cách xử lý bức xúc bằng hành động bạo lực, có lẽ như PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giám đốc BV Đại học Y nói cần một cú sốc như thế nào đó để xã hội nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc, không chỉ trong y tế mà cả trong xã hội của chúng ta, vì nó còn liên quan đến đạo đức, sự giáo dưỡng. 

 ​ Đừng để họ đơn độc

Mới đây, trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận việc hành hung cán bộ y tế là hiện tượng có tính chất lan rộng, ngày càng tăng; sự phối hợp chia sẻ xử lý giữa các bên chưa hiệu quả. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, đã có nhiều văn bản ký kết với Bộ Công an nhằm bảo vệ an toàn cho cán bộ y tế. Vì thế các ngành, đặc biệt là Công an, chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt để hỗ trợ ngành y tế bảo vệ cán bộ y tế, đừng để họ đơn độc. “Hành hung cán bộ y tế đang thi hành nhiệm vụ là vi phạm nghiêm trọng Luật Hình sự sửa đổi. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ trong bệnh viện rất khó có thể đảm bảo an toàn cho các cán bộ y tế, còn công an phường có thể không đến kịp. Vì vậy, cần có sự tham gia lực lượng cơ động 113. Cụ thể, các đơn vị y tế, sở y tế và công an các tỉnh cần cam kết phối hợp lập đường dây nóng để bệnh viện có thể gọi bất cứ lúc nào cũng có lực lượng 113 sẵn sàng hỗ trợ, điển hình như BV Việt Tiệp - Hải Phòng đã thực hiện. Các bệnh viện cũng cần phối hợp với công an lắp đặt hệ thống camera quan sát, theo dõi hành vi đối tượng gây ra với cán bộ y tế, đồng thời xử lý nghiêm những đối tượng hành hung cán bộ y tế”, bà Tiến nói. NGUYÊN KHANG

 

  TS.BS DƯƠNG ĐỨC HÙNG

Ý kiến bạn đọc