Lâm Đồng thu gom rác thải bảo vệ thực vật

VHO- Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường do vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng sản xuất nông nghiệp tại Lâm Đồng diễn ra phức tạp. Nhiều địa phương trong tỉnh, sau mỗi vụ sản xuất, người nông dân sử dụng và thải ra môi trường một lượng lớn bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật, gây ảnh hưởng ô nhiễm môi trường đất, nước và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Lâm Đồng thu gom rác thải bảo vệ thực vật - Anh 1

  Rác thải từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các dòng suối thuộc khu vực Suối Vàng, Đà Lạt

Tình trạng rác thải, chai thuốc bảo vệ thực vật xuất hiện trên các dòng suối, hồ nhỏ tại khu vực huyện Lạc Dương, huyện Đơn Dương ngày càng nhiều, làm nghẽn dòng chảy. Để hạn chế lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phát sinh trên địa bàn, hiện nay tại 12 huyện, thành phố của tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Mặc dù, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền cho nông dân sử dụng và thu gom thuốc bảo vệ thực vật đúng cách nhưng tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp vẫn tăng cao. Tại một số vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom, xử lý đúng quy định.

Chương trình hỗ trợ của Ban chỉ đạo Chương trình cùng nông dân bảo vệ môi trường 22 tỉnh thành phía Nam, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cũng đã xây dựng mô hình thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại thôn Lạc Quảng, thị trấn Dran, huyện Đơn Dương. Mô hình đã lắp đặt 5 bể thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật trên diện tích hơn 50ha canh tác rau quả các loại chủ yếu là cà chua, đậu leo, cà tím… Ngoài việc lắp đặt các bể thu gom, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho hàng trăm lượt nông dân, nhằm thông tin tuyên truyền kết hợp tổ chức phát động nông dân trong vùng thực hiện thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật tồn đọng từ ruộng, vườn, sông suối, ao hồ về tập kết tại các bể chứa.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, mô hình đã thu gom được 450 kg bao gói thuốc bảo vệ thực vật. Lượng bao gói này được Ban chỉ đạo Chương trình Cùng nông dân bảo vệ môi trường 22 tỉnh phía Nam thu gom, vận chuyển để tiêu hủy. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng đánh giá mô hình góp phần làm sạch môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, làm đẹp cảnh quan phù hợp tiêu chí xây dựng xã, huyện Đơn Dương là huyện nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Lâm Đồng.

NGỌC BẢO CHÂU

Ý kiến bạn đọc