Cần biết rũ bỏ ức chế tâm lý trước khi bước vào lớp: Nếu không giáo viên sẽ “gục đổ”

VH- Đó là chia sẻ của chuyên gia tâm lý, ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh với các giáo viên tại chuyên đề “Quản lý cảm xúc trong giao tiếp” do Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) tổ chức cuối tuần qua.

Cần biết rũ bỏ ức chế tâm lý trước khi bước vào lớp: Nếu không giáo viên sẽ “gục đổ” - Anh 1

 Các chuyên gia cho rằng người giáo viên cần có tâm lý tích cực để lan tỏa đến học trò

Theo nhiều giáo viên, hiện nay trước áp lực của công việc, áp lực gia đình và những mối quan hệ xã hội đã khiến cho họ không quản lý được cảm xúc, dễ dẫn đến những hành động sai trái, mà gần đây là những vụ xung đột giữa giáo viên và học sinh, giữa giáo viên với phụ huynh, hay như vụ cô giáo mầm non bạo hành bé 5 tuổi mới đây… Theo đó, trong cùng một tình huống xảy ra cơn nóng giận như nhau, nhưng nếu biết quản lý được cảm xúc thì sự việc sẽ trở nên nhẹ nhàng. Nhưng nếu không biết kiềm chế và xử lý tốt thì tác hại sẽ rất nghiêm trọng.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hồ Thụy Anh cho rằng, muốn quản lý tốt cảm xúc, người giáo viên cần biết mình đang là ai, có vai trò và vị trí quan trọng như thế nào đối với học trò. Do đó, người thầy trước hết phải làm cho mình hạnh phúc, có tâm lý tích cực thì mới lan tỏa đến cho học trò. “Giáo viên phải biết rũ bỏ những ức chế về mặt tâm lý, cởi bỏ hết những áp lực trong cuộc sống trước khi bước vào lớp, nếu không chỉ cần một “trục trặc” nhỏ thì giáo viên sẽ “gục đổ” vì không kiểm soát được cảm xúc”, ThS Thụy Anh nói.

Giới chuyên gia cho rằng, hiện nay trong trường sư phạm có học phần tâm lý học nhưng số tiết không nhiều. Các trường chỉ chú trọng kỹ năng giảng dạy nhưng phần tâm lý - ứng xử sư phạm gần như bỏ quên. Trong khi đó, nhiều giáo viên cũng chưa nhận thức được rằng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin như hiện nay, học sinh nhanh chóng tiếp nhận kiến thức, thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, do đó người giáo viên trong thời đại ngày nay rất cần được trang bị kỹ năng tâm lý để tương tác kịp thời với học sinh, với những chuyển biến của xã hội chứ không phải chỉ ứng xử theo cách cũ đôi khi không còn phù hợp. Và như vậy những bất đồng trong quan điểm, suy nghĩ, phương pháp dạy và học của giáo viên với học sinh nhanh chóng xảy ra.

Cần biết rũ bỏ ức chế tâm lý trước khi bước vào lớp: Nếu không giáo viên sẽ “gục đổ” - Anh 2

Một giáo viên cho rằng, trong một thời gian dài, giáo dục chúng ta chỉ tập trung vào kỹ năng sư phạm mà bỏ qua phần giảng dạy về tâm lý, phương pháp đào tạo này đã không giúp người thầy cởi bỏ áp lực tâm lý để có thể “cháy” hết mình với bài giảng.

Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, tình trạng bạo lực trong học đường đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, phần lớn xuất phát từ cách hành xử thiếu văn hóa của một số nhà giáo, họ không nhận thức được mình là ai trong môi trường sư phạm. Chính vì thế họ đã có biểu hiện thái quá, thậm chí lập dị, làm ảnh hưởng đến nền giáo dục. “Người giáo viên trong thời đại ngày nay cần đặt mình trong một gia đình lớn để thấy rằng trách nhiệm người thầy rất quan trọng vì giáo dục đào tạo ra những thế hệ tương lai. Do đó trước hết bản thân mỗi giáo viên cần nhận thức sâu sắc hơn nữa cái hay cái đẹp, cái vinh quang nhưng đồng thời cũng là bổn phận của người thầy, không chỉ trong giao tiếp tại môi trường học đường mà cần phải có những hành xử chuẩn mực trong xã hội”, Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú chia sẻ.

Tại chương trình, các giáo viên đã chia sẻ những kinh nghiệm khi giải quyết tình huống trong môi trường học đường. Đó là mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh, giáo viên với phụ huynh, giáo viên với giáo viên… để từ đó tạo ra môi trường ứng xử thân thiện, ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường xảy ra. 

 THÙY TRANG

 

 

Ý kiến bạn đọc