Những bài thi có điểm cao bất thường tại Hà Giang: Kiểm tra và phải quy trách nhiệm rõ ràng

VH- Như tin đã đưa, kết quả điểm thi có dấu hiệu bất thường tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang những ngày qua đã thu hút sự quan tâm của dư luận, trong đó có cả các em học sinh và gia đình. Nhiều ý kiến cho rằng, phương án tốt nhất là chấm lại những bài thi có điểm cao bất thường tại Hà Giang.

Những bài thi có điểm cao bất thường tại Hà Giang: Kiểm tra và phải quy trách nhiệm rõ ràng - Anh 1

 Phổ điểm và sơ đồ điểm một số môn thi của Hà Giang

 Thông tin mới nhất, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng dẫn đầu đã có mặt Hà Giang để phối hợp với địa phương làm rõ nghi vấn điểm thi bất thường. Ông Trinh cho biết sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện địa phương có gian lận trong kỳ thi.

Phổ điểm… kỳ lạ!

Kết quả thi THPT quốc gia 2018 cho thấy, điểm trung bình 9 môn thi của tỉnh Hà Giang thuộc nhóm thấp nhất cả nước và Hà Giang cũng là tỉnh thuộc nhóm có tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm nay thấp nhất nước. Nhưng số lượng điểm giỏi từ 9 trở lên ở môn tự nhiên lại cao bất thường.

Thông thường, theo thống kê hàng năm, ngoài môn Ngữ văn, phổ điểm thi sẽ thể hiện điểm càng cao càng ít thí sinh, đa số thí sinh tập trung ở vùng điểm trung bình. Nhưng ở Hà Giang, điểm thi lại phân phối theo hình con rắn, điểm thi phân bố không đều, tập trung cùng lúc ở vùng điểm rất thấp và rất cao.

Chẳng hạn môn Vật lý, đa số thí sinh của cụm thi này đạt điểm 2,5-2,75 nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ thí sinh đạt từ 9 điểm trở lên. Số thí sinh đạt từ 9 trở lên ở môn thi này là 65 em, chiếm 6,7% tổng số và gấp hơn 2 lần số thí sinh đạt 8-9 điểm. Với môn Toán, đề thi được đánh giá khó như năm nay, cả nước chỉ có 561 bài thi đạt từ 9 điểm trở lên nhưng 11,5% trong số đó đến từ thí sinh của cụm thi Hà Giang.

Ngoài ra, gần một nửa số thí sinh có điểm thi khối A1 (Toán, Lý, Anh) từ 27 điểm trở lên đến từ cụm thi Hà Giang. Có em đạt 28,95 điểm, vào nhóm cao nhất cả nước. Đặc biệt, theo thống kê, cứ 100 bài thi thì Hà Giang có khoảng 6,8 bài đạt từ 9 điểm, trong khi Hà Nội và TP.HCM, thậm chí là Hà Nam - tỉnh đạt điểm trung bình cao nhất cả nước ở môn thi này - không có bài nào.

Từ nhiều năm nay, về thi tốt nghiệp THPT, Hà Giang luôn nằm trong top có điểm thấp nhất và năm nay cũng không ngoại lệ, Hà Giang đứng áp chót về điểm thi trung bình trong kỳ thi vừa qua, chỉ hơn cụm thi đứng cuối là Sơn La 0,08 điểm. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 của tỉnh này đạt 89,35% cũng thuộc nhóm thấp nhất.

Cần chấm thi lại tại Hà Giang

Đó là ý kiến của nhiều người trong đó có các nhà quản lý, đại biểu quốc hội, các bậc phụ huynh học sinh và cả cán bộ quản lý giáo dục. Theo đó, để đem lại công bằng cho các thí sinh, lấy lại lòng tin của dư luận với kỳ thi, ổn định tâm lý cho học sinh tại Hà Giang và cả nước thì việc xem xét lại quy trình tổ chức thi, coi thi, chấm thi tại Hà Giang là cần thiết.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam cho rằng, theo tình hình chung lâu nay các địa phương ở miền núi, vùng sâu vùng xa thường có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, điều kiện học tập của học sinh cũng vậy nên khi thi tốt nghiệp theo đề thi chung của cả nước thì chắc chắn kết quả phải thấp hơn các vùng khác. Không thể có chuyện kết quả thi của học sinh Hà Giang cao đột biến như vậy. Cần phải thành lập đoàn kiểm tra, trước hết là giao cho địa phương.

Nếu kết quả kiểm tra không thỏa đáng thì phải thành lập đoàn thanh tra ở cấp cao hơn, thậm chí phải chấm lại toàn bộ bài thi nghi vấn. Đồng quan điểm, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đề nghị cần phải xem xét lại những điểm cao tại Hà Giang để xem có phản ánh thực chất học lực của học sinh không. Thứ hai rà soát lại toàn bộ hệ thống phương pháp chấm thi, tổ chức thi có vấn đề gì hay không để rút kinh nghiệm và quy trách nhiệm rõ ràng, không nên kết luận chung chung là tổ chức thi, chấm thi đúng quy trình.

“Tôi cho rằng về sâu xa đó cũng là hệ quả của kì thi ghép, vừa lấy kết quả xét tốt nghiệp, vừa lấy kết quả để tuyển sinh. Nếu tổ chức kỳ thi tốt nghiệp chỉ để loại vài phần trăm thí sinh thì đừng tổ chức thi mà chỉ nên xét tốt nghiệp, còn việc tuyển sinh nên giao hoàn toàn cho các trường Đại học”, ông Lợi nói.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định, Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT đã quy định rõ, trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định thành lập Hội đồng chấm thẩm định để chấm thẩm định toàn bộ hoặc một phần số bài thi hoặc kiểm tra kết quả phúc khảo của một hoặc một số Hội đồng thi.

Đồng thời, Hội đồng chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT có thẩm quyền quyết định cuối cùng về điểm chính thức của bài thi. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng chia sẻ, nếu đúng địa phương này có sai phạm, sẽ nghiêm khắc xử lý theo quy định. Nhưng trong thực tế, làm được việc đó cũng rất khó khăn bởi tất cả quy trình của kỳ thi được thực hiện đảm bảo, từ tổ chức thi, không cho phép thí sinh nhìn bài nhau, đến chấm trắc nghiệm. Do đó, việc hỗ trợ nhau trong phòng thi cũng như hỗ trợ trong coi thi hầu như không có. Việc gian lận trong thi cử, Bộ đang cho rà soát, nếu có việc đó cũng dễ dàng phát hiện để xử lý.

 Không thể có chuyện kết quả thi của học sinh Hà Giang cao đột biến như vậy. Cần phải thành lập đoàn kiểm tra, trước hết là giao cho địa phương.

(PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT)

QUỐC HÙNG

 

 

Ý kiến bạn đọc