Bồi dưỡng giáo viên cần quan tâm đặc điểm vùng miền

VH-Tại hội thảo góp ý về chương trình phát triển các trường sư phạm nhằm nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức cuối tuần qua, bà Dương Thị Hồng Hiếu, Trưởng phòng Đào tạo của trường này cho biết, chương trình thực hiện trong 5 năm (2017-2021) với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD (95 triệu USD vốn vay từ Ngân hàng thế giới và 5 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam).

Chương trình nhằm nâng cao năng lực, chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lý trường phổ thông, dựa theo khung năng lực và chuẩn nghề nghiệp giáo viên thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo đó, cả nước sẽ có khoảng 28.000 giáo viên phổ thông cốt cán được bồi dưỡng. Mỗi trường chọn một giáo viên, trường phổ thông ở vùng khó khăn có từ 2 điểm trường trở lên hoặc trường có nhiều cấp học được cử 2 giáo viên cốt cán tham gia bồi dưỡng. Thời gian bồi dưỡng trong vòng 3 năm, từ quý 1 năm 2019 đến quý 4 năm 2021. Theo các đại biểu, chương trình bồi dưỡng giáo viên cần quan tâm đặc điểm vùng miền, phân hóa theo chiến lược phát triển giáo dục của từng địa phương, chú ý bồi dưỡng về nhân cách, đạo đức sư phạm cho đội ngũ nhà giáo. Ngoài ra, việc bồi dưỡng phải đi kèm kiểm tra, đánh giá để tạo động cơ học tập cho giáo viên, tránh bồi dưỡng hình thức.

ANH HUY

Ý kiến bạn đọc