Chương trình đón du học sinh Lào ở nhà bố mẹ Việt tại TP Đà Nẵng: Hiểu để yêu văn hóa Việt Nam

VHO- Năm 2023, Chương trình ở nhà dân (Homestay) đã được thực hiện thường niên do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP, Hội hữu nghị Việt Nam - Lào TP Đà Nẵng phối hợp Tổng Lãnh sự quán Lào tại Đà Nẵng tổ chức. 148 du học sinh Lào được người dân Đà Nẵng đón về ở, sinh hoạt trong 2 tuần để cho các em cảm nhận được cuộc sống gia đình ấm cúng, yêu thương, mục đích chính là tạo điều kiện cho các bạn trẻ Lào được học hỏi phong tục, văn hóa truyền thống, tập quán thường ngày của người dân Việt Nam.

Chương trình đón du học sinh Lào ở nhà bố mẹ Việt tại TP Đà Nẵng: Hiểu để yêu văn hóa Việt Nam - Anh 1

Cô Đặng Thị Bích Sơn dạy nữ sinh viên Lào nấu mì Quảng

 Mái ấm thân thương

Bắt đầu từ cuối tháng 11.2023, Liên hiệp hữu nghị và Hội phối hợp với Tổng Lãnh sự quán CHDCND Lào tại Đà Nẵng, UBND các quận Thanh Khê, Hải Châu, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn; ĐH Đà Nẵng và các trường ĐH thành viên; ĐH Duy Tân tổ chức Lễ phát động Chương trình ở nhà dân (Homestay) dành cho sinh viên Lào đang theo học tại các trường ĐH trên địa bàn TP. Với trách nhiệm của chính quyền địa phương và truyền thống nhân hậu, hiếu khách của người Đà Nẵng, các bạn trẻ Lào đã cảm nhận được cuộc sống gia đình yêu thương, gắn bó. Các em có cơ hội nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Việt, hiểu thêm về phong tục tập quán và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, rèn luyện cách sử dụng ngôn ngữ một cách nhuần nhuyễn hơn ngoài môi trường giáo dục trong trường ĐH.

Những du học sinh Lào luôn gọi gia đình Việt Nam là “bố, mẹ” để bày tỏ sự yêu thương, kính trọng đối với người đang cưu mang, dìu dắt mình. Giao tiếp với chúng tôi bằng tiếng Việt thành thạo, hai bạn sinh viên Lào Mueangphan Thipphahone (2005) và Chanthamath Phonepany (2005), sinh viên ĐH Sư phạm Đà Nẵng cho biết, họ đã được đến ở, sinh hoạt tại gia đình cô Đặng Thị Bích Sơn và chú Nguyễn Xuân Linh (tổ 37 phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ). Qua thời gian hai tuần, hai bạn cảm nhận được tình cảm chân thành, sự gần gũi từ bố Linh, mẹ Sơn nên đã coi ngôi nhà như mái ấm thứ hai của mình.

Cô Bích Sơn chia sẻ, hai bạn MueangphanThipphahonevà Chanthamath Phonepany được gia đình coi như con cái trong nhà. Hằng ngày sau giờ học, cô dạy các bạn nấu những món ăn đặc trưng như mì Quảng, cao lầu, chè bắp...; giảng giải cho các bạn nghe về các phong tục tập quán, Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Những ngày rảnh rỗi, cả nhà cùng đến chợ Cồn, chợ Hàn để giới thiệu cho các bạn biết nhiều hơn, rõ hơn về ẩm thực truyền thống. “Có hai bạn về ở cùng, gia đình tôi rất vui, sinh hoạt không bị xáo trộn gì hết. Chúng tôi luôn cởi mở để các con bớt sự e ngại và nhanh chóng hòa nhập. Hai bạn rất chăm ngoan, thấy bố mẹ làm gì cũng xin được giúp đỡ. Ở đây một thời gian rồi, khi các bạn đi rồi chắc chắn gia đình sẽ rất nhớ và trống vắng như xa người thân của mình vậy”, cô Bích Sơn xúc động nói.

Bày tỏ tình cảm gắn bó với gia đình mẹ Trần Thị Lan Thành (tổ 11, phường An Khê, quận Thanh Khê), bạn Xaisomphou Khaikeo (sinh viên Trường ĐH Duy Tân, Đà Nẵng) cho biết: “Bình thường em ở nhà trọ, giờ thì em đã có ngôi nhà thứ hai của mình. Em được gặp gỡ bố mẹ, được giao lưu nhiều hơn với láng giềng, những người bạn thanh niên Việt Nam. Nhờ tình cảm quý mến, yêu thương của bố mẹ mà em không có cảm giác xa lạ, cả gia đình luôn chân thành bày tỏ ý kiến cùng nhau. Bố mẹ giúp em học nói tiếng Việt, rất có ích cho việc học tập và cuộc sống của em hiện tại và tương lai”. Khaikeo là 1 trong gần 150 sinh viên Lào đang được các hộ dân đón về nhà theo chương trình “Ở nhà dân” do Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị TP Đà Nẵng triển khai. Các em được bố trí ở phòng riêng, sử dụng không gian chung với gia đình. Các em tích cực học hỏi và thực hành tiếng Việt, giao lưu với người dân trong khu dân cư và đoàn thể địa phương.

Chương trình đón du học sinh Lào ở nhà bố mẹ Việt tại TP Đà Nẵng: Hiểu để yêu văn hóa Việt Nam - Anh 2

 Hai bạn sinh viên Lào tham gia chương trình “Homestay” tại nhà chú Nguyễn Xuân Linh và cô Đặng Thị Bích Sơn (tổ 37 phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ)

Tăng cường xây đắp mối quan hệ Việt - Lào

Chú Nguyễn Xuân Linh cho rằng, việc TP triển khai chương trình “Hometsay” đã giải quyết rất nhiều vấn đề về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử của hai nước. Bản thân chú và gia đình luôn ủng hộ và mong được tiếp tục đồng hành trong những chương trình tăng cường hiểu biết, văn hóa hữu nghị giữa Việt Nam và các nước khác.

Tại TP Đà Nẵng, Chương trình ở nhà dân (Homestay) triển khai từ năm 2011 đến nay đã trở thành điểm sáng, mô hình tiêu biểu được học tập, nhân rộng trong cả nước. Hằng năm, trung bình có khoảng gần 100 em sinh viên Lào tham gia Chương trình, qua đó, rất nhiều quan hệ kết nghĩa bố, mẹ - con, anh - chị - em Việt - Lào được hình thành, là hạt nhân nuôi dưỡng và phát triển quan hệ khăng khít giữa nhân dân hai nước.

Bà Đinh Thị Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Lào TP Đà Nẵng cho biết, muốn hiểu về dân tộc thì văn hóa là điều cốt lõi, trong đó, những hoạt động giao lưu văn hóa là thiết thực và đi vào lòng người nhất. Do vậy, mục đích đưa các bạn sinh viên Lào đến nhà các “bố mẹ Việt Nam” để tìm hiểu về văn hóa truyền thống là điều cốt lõi. Qua 10 năm triển khai, ưu điểm nổi bật nhất của chương trình là đã tăng cường mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, hiểu biết về văn hóa truyền thống của hai nước Việt - Lào, nhất là đối với những người trẻ tuổi.

Năm 2023, nhiều chương trình, hoạt động giao lưu văn hóa đã được tổ chức giữa hai nước, như Lễ hội Tết cổ truyền Bunpimay Lào; Giao lưu nghệ thuật Gala xiếc Việt Nam - Lào tặng gần 1000 suất vé mời cho cán bộ, nhân viên Tổng Lãnh sự quán Lào và các em lưu học sinh Lào đang làm việc, học tập và sinh sống tại Đà Nẵng; Chương trình Homestay dành cho sinh viên Lào… Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và Hội hữu nghị Việt Nam - Lào TP Đà Nẵng đã làm tốt vai trò cầu nối thúc đẩy hợp tác phát triển, vận động được hàng chục tỉ đồng học bổng dành cho sinh viên Lào đang theo học tại các trường ĐH trên địa bàn. Các đơn vị, địa phương duy trì hợp tác và ghi nhớ với 7 địa phương của Lào. Giai đoạn 2023-2027, TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục duy trì nhiều hoạt động hỗ trợ và chương trình học bổng cho cán bộ, lưu học sinh Lào, bao gồm các bậc nghiên cứu sinh, cao học, ĐH. 

NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc