Một trường học tại TP.HCM “đếm like” cộng điểm: Đánh giá như thế liệu có công bằng?

VHO- Câu chuyện Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM tổ chức cho học sinh đi xem kịch rồi làm bài thu hoạch và đăng trên mạng xã hội (MXH) để cộng thêm điểm (căn cứ vào lượt thích và chia sẻ của cộng đồng) đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận… Bên cạnh ý kiến phản đối thì cũng có người đồng tình, cho rằng đây là sản phẩm học tập, đăng trên MXH sẽ tạo động lực cho học sinh sáng tạo tích cực và nghiêm túc hơn.

Một trường học tại TP.HCM “đếm like” cộng điểm: Đánh giá như thế liệu có công bằng? - Anh 1

 Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM trong một buổi xem Hát bội tổ chức tại sân trường

Giáo dục qua góc nhìn nghệ thuật đa chiều

Thông tin từ Trường THPT Bùi Thị Xuân cho biết, dự kiến vào giữa tháng 11.2023, nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh khối 10 đi xem vở kịch Yêu là thoát tội (tác giả: Lê Chí Trung, đạo diễn: NSƯT Cao Đức Xuân Hồng, cố vấn dàn dựng: NSND Trần Ngọc Giàu) tại rạp Hưng Đạo - Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Trước đó, học sinh khối lớp 11-12 của trường đã được xem tác phẩm này. Sau khi xem xong, các em làm bài thu hoạch theo nhóm và được chấm theo thang điểm 10, trong đó: Nội dung cảm nhận vở kịch 3 điểm; thiết kế đẹp 3 điểm; đăng trên Facebook và Zalo cá nhân được trên 100 “like” được 2 điểm và số lượt chia sẻ trên trang cá nhân đạt từ 50 lượt trở lên được 2 điểm.

Trước thông tin trên, một số người cho rằng, chấm điểm bài thu hoạch dựa vào lượt tương tác sẽ không công bằng và thiệt thòi cho những em không dùng MXH hoặc ít bạn bè trên Facebook, Zalo. MXH là ảo, nhóm nào nhiều bạn bè, người thân hơn tỷ lệ tương tác sẽ cao hơn, như vậy sẽ không đánh giá chính xác năng lực học sinh. Thậm chí, không loại trừ có trường hợp học sinh tạo nick ảo, bỏ tiền ra mua lượt like để được điểm.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít ý kiến ủng hộ cách làm này, cho rằng trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, hầu hết mọi người đều biết dùng điện thoại thông minh và có tài khoản MXH, việc tương tác và chia sẻ thông tin qua Zalo, Facebook hay các nền tảng khác đã trở nên quá quen thuộc. Hơn nữa, tại nhiều cuộc thi, chương trình do các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến cơ sở tổ chức, việc yêu cầu đăng sản phẩm dự thi trên MXH để thu hút người xem ủng hộ, lan tỏa thông tin tích cực đã trở nên phổ biến, thì việc học sinh đưa bài viết, sản phẩm học tập của mình lên MXH (với sự quan sát, định hướng của giáo viên) không có gì đáng ngại…

Chia sẻ với Văn Hóa, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM Phạm Huy Thục bày tỏ: “Không riêng Trường Bùi Thị Xuân, vở kịch Yêu là thoát tội đã được diễn hàng trăm suất tại nhiều trường THPT và đại học, tạo hiệu ứng rất tốt trong học sinh, sinh viên và giới chuyên môn. Hoạt động được thực hiện theo định hướng của ngành Giáo dục là đưa sân khấu vào học đường, đổi mới giáo dục phổ thông. Qua đó, các em sẽ được thẩm thấu các giá trị lịch sử, văn học và nghệ thuật, góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh. Sau các suất diễn vừa qua, các em đã viết những bài thu hoạch, bày tỏ cảm nhận về vở diễn, nhiều bài rất hay và xúc động. Bên cạnh đó, cảm nhận về vở diễn cũng được nhiều bạn trẻ đăng trên trang cá nhân hay Fanpage vở Yêu là thoát tội, tôi cho rằng đó là điều rất ý nghĩa khi các em được giáo dục qua góc nhìn nghệ thuật đa chiều”.

Hướng học sinh sử dụng MXH một cách văn minh

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân thông tin với Văn Hóa, việc tổ chức cho học sinh đi xem kịch, cải lương hay phim ảnh... đã được nhà trường triển khai suốt 7 năm qua. Khi lên kế hoạch cho các em khối 10 đi xem vở Yêu là thoát tội, bản thân ông và giáo viên Tổ ngữ văn đã xem trước và đánh giá đây là tác phẩm rất phù hợp với lứa tuổi các em. “Tôi đã xem vở diễn tới 19 lần cùng các học sinh của mình, mỗi lần xem là một lần trái tim rung lên những xúc cảm trước thế thái nhân sinh. Không những thế, sau những lần xem ấy, tôi lại ngẫm ra được nhiều điều thú vị hơn, từ những chiều kích sâu xa của vở kịch”.

Yêu là thoát tội lấy cảm hứng từ các nhân vật lịch sử trong vụ án Lệ Chi viên cách đây gần 6 thế kỷ và được tái hiện lại với một góc nhìn mới, mang nỗi ưu tư, trăn trở, khắc khoải của con người đời thường trong cuộc sống hiện đại và cả sự tinh tế, bao dung của hậu thế dành cho các nhân vật ấy. Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân cho biết thêm: “Tổ Văn của trường lồng ghép việc trải nghiệm xem kịch cho học sinh viết bài cảm nhận, làm poster để đưa lên nền tảng xã hội, từ đó chấm thêm điểm khuyến khích các em. Khi làm sản phẩm như vậy, học sinh sẽ hình thành được kỹ năng hợp tác, phản biện, chia sẻ, chọn lọc thông tin cũng như kỹ năng làm poster, sử dụng hình ảnh, âm thanh, lồng nhạc, đọc lời bình…”.

Lý giải về việc yêu cầu like, share trên MXH, ông Huỳnh Thanh Phú nói, đây là kỹ năng quan trọng của thời đại công nghệ số mà học sinh cần có. Thông qua đó, các nhóm học sinh sẽ có cách riêng để khiến sản phẩm của mình thu hút người xem và lan tỏa rộng rãi. Về việc một số người lo lắng học sinh có thể bỏ tiền ra mua “like”, mua “share”, ông Phú cho rằng đây chỉ là một sân chơi nhỏ trong trường với mục đích định hướng học sinh sử dụng MXH một cách văn minh. Vì thế, mọi người đừng nhìn theo hướng tiêu cực, không thể vì 1-2 điểm thưởng mà các em phải bỏ tiền ra mua lượng tương tác. Người lớn chúng ta phải tin vào tuổi trẻ, vào sự hồn nhiên, trong sáng và đừng hướng học sinh theo cách này.

“Từ Trung ương đến địa phương đều kêu gọi các cơ sở giáo dục phải kiểm tra, giám sát, định hướng việc sử dụng MXH của giới trẻ, nhiều khi các em chia sẻ thông tin mà chưa hiểu hết, đôi khi có cả những thông tin không chính thống, tác hại sẽ vô cùng lớn. Nếu nhà trường và phụ huynh phối hợp để giáo dục, định hướng con em mình sử dụng MXH đúng cách, tôi cho rằng điều này hết sức hữu ích. Qua đây, tôi cũng ghi nhận tất cả sự phản biện của phụ huynh để nhà trường ngày một làm tốt hơn nhiệm vụ giáo dục của mình”, ông Phú cho biết. 

 THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc