Phụ huynh phải được tham gia kiểm tra, giám sát bữa ăn bán trú

VHO- Trung tuần tháng 10 vừa qua, dư luận dấy lên lo ngại về chất lượng bữa ăn bán trú, khi một số phụ huynh Trường THCS Yên Nghĩa (Hà Đông - Hà Nội) phản ánh về khay cơm nghèo nàn của học sinh trường này, cụ thể là: 65g cá, 25g giò, 80g khoai tây và cơm, với mức phí phụ huynh phải trả là 32.000 đồng/suất. Nhìn vào thực đơn, không chỉ các phụ huynh Trường THCS Yên Nghĩa lo lắng, xót xa, mà nhiều người cũng thấy ái ngại lo cho bữa ăn bán trú của con mình.

Phụ huynh phải được tham gia kiểm tra, giám sát bữa ăn bán trú - Anh 1

 Suất ăn bán trú với giá 32.000 đồng của Trường THCS Yên Nghĩa

Mới đây nhất, một clip ghi lại cảnh bếp ăn bán trú tại Trường Tiểu học Phú Hữu ở TP Thủ Đức (TP.HCM) có thực phẩm đã bốc mùi hôi thối đã xuất hiện trên mạng xã hội. Trong đoạn clip, một phụ huynh nói to: “Chân gà thì đen, thịt gà thì thối, đây là đồ chưa chế biến để tủ đông lạnh”. Tuy nhiên, Hiệu trưởng trường này cho rằng, đây đồ ăn nấu cho nhân viên của công ty, còn dư nên cất vào tủ đông, còn suất ăn của học sinh là do nhà trường ký hợp đồng với một đơn vị cung cấp thức ăn công nghiệp. Sau phản ứng của phụ huynh, nhà trường đã quyết định cho dừng bán trú, ngưng hợp đồng cung cấp suất ăn với đối tác.

Liên tiếp xảy ra những vụ việc liên quan đến vấn đề chất lượng bữa ăn bán trú, cả chất lượng dinh dưỡng và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đã khiến dư luận lo lắng, bất an. Theo Quyết định số 2195/QĐ-BGDĐT phê duyệt Hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học; Quyết định số 4280/QĐ-BGDĐT phê duyệt Hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh THCS thì thực đơn bữa ăn học đường cần bảo đảm đa dạng thực phẩm, nên đạt tối thiểu trên 10 loại thực phẩm khác nhau, có ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, trong đó nhóm chất béo là bắt buộc. Thực đơn phải mang tính khả thi, chế biến hợp lý, bảo đảm dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, phù hợp theo quy định, điều kiện của từng cơ sở.

Việc kiểm tra, giám sát do nhà trường phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh và các cơ quan thực hiện theo định kỳ, nhằm bảo đảm các cơ sở cung cấp dịch vụ thực hiện đúng quy trình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc kiểm tra, giám sát ở một số trường chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Chị Nguyễn Thị Lan có con học tại một trường THCS ở Hà Đông cho biết, chị chưa bao giờ được biết nhà trường nhập thực phẩm từ các đơn vị cung ứng nào, có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm hay không, nói gì đến việc được trực tiếp cùng nhà trường thẩm định nguồn gốc, chất lượng bữa ăn bán trú.

Đối với các em học sinh tiểu học ở những lớp cuối cấp hoặc THCS thì việc phụ huynh hỏi con thông tin về bữa ăn không có gì khó khăn (mặc dù các em và ngay cả phụ huynh cũng không thể thẩm định được chất lượng an toàn vệ sinh), còn đối các em mầm non thì điều này gần như không thể. Chính vì vậy, cần phải có quy định chặt chẽ hơn về việc kiểm tra, giám sát đối với chất lượng các bữa ăn bán trú; nhà trường phải công khai, minh bạch đơn vị cung ứng, đồng thời phải có tổ kiểm tra, trong đó thành phần tham gia là phụ huynh (không nhất thiết là BPH mà phụ huynh các lớp có thể luân phiên), tránh tình trạng nhà trường nhập gì, cho các con ăn gì… phụ huynh cũng không hề biết.

HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc