TP.HCM triển khai Bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc”: Không nóng vội, tránh tạo áp lực

VHO- TP.HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước chính thức triển khai thực hiện Bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” trong các cơ sở giáo dục. Nhiều thống kê, nghiên cứu đã cho thấy, không phải giàu có về vật chất là mang lại hạnh phúc; những năm gần đây, có khoảng 33% dân số không hạnh phúc, tỷ lệ tự tử đã lên tới con số báo động tại nhiều quốc gia. Do đó, việc triển khai “Trường học hạnh phúc” là rất cần thiết.

TP.HCM triển khai Bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc”: Không nóng vội, tránh tạo áp lực - Anh 1

Học sinh TP.HCM tham gia các hoạt động tạo sự hứng khởi đầu năm học

Bộ tiêu chí hướng đến mục tiêu tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử, nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và học viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng hình ảnh con người TP.HCM sống tử tế, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo.

Tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học

Theo bà Cao Thị Thiên Phúc, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TP.HCM, Bộ Tiêu chí “Trường học hạnh phúc” áp dụng triển khai ở tất cả các trường học công lập và ngoài công lập, từ bậc mầm non đến phổ thông, các TT GDTX, TT GDNN - GDTX, trường Cao đẳng, Trung cấp thực hiện chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT trên địa bàn TP. Sở đã thực hiện quy trình xây dựng 18 tiêu chí được chia làm 3 nhóm tiêu chuẩn, cụ thể: Con người (6 tiêu chí); Dạy học và hoạt động giáo dục (8 tiêu chí); Môi trường (4 tiêu chí).

Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM cũng cho biết, việc đánh giá Bộ tiêu chí dựa trên khảo sát cảm nhận của người dạy, người học tại nhà trường, vì hạnh phúc là cả quá trình, cảm nhận, đánh giá bằng thái độ, cảm xúc. Mỗi tiêu chí được đánh giá thành 3 mức: Cần cải thiện, Khá và Tốt. Sau khi tự đánh giá, cơ sở giáo dục xây dựng bảng hướng dẫn cho đội ngũ lãnh đạo, giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện tùy theo điều kiện thực tiễn để áp dụng, thực hiện một cách cụ thể.

Trong quá trình dạy và học, nhà trường thực hiện khảo sát, đánh giá cảm nhận của người dạy, người học; tiêu chí nào tốt thì phát huy, tiêu chí nào cần cải thiện thì tập trung nguồn lực để khắc phục. Lãnh đạo các cơ sở giáo dục tổ chức đối thoại với cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh để lắng nghe, nắm bắt nhu cầu; phân tích tình hình để cải thiện các tiêu chí chưa đạt được nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, cũng như thực hiện tốt Bộ tiêu chí để nhà trường là nơi thực sự mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người.

Không hành chính hóa, không đưa vào tiêu chí thi đua

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc chia sẻ, từ 2013, Liên Hợp Quốc chọn ngày 20.3 là Ngày Quốc tế hạnh phúc. Ở lĩnh vực GD&ĐT, các tiêu chí đánh giá “Trường học hạnh phúc” bắt đầu được quan tâm từ 2016. “Tại Việt Nam, Bộ GD&ĐT đã phối hợp Công đoàn giáo dục Việt Nam phát động mô hình “Trường học hạnh phúc” từ năm 2019. Điều này không có nghĩa học sinh sẽ học ít đi mà là học với niềm đam mê, được phát huy tối đa năng lực sáng tạo và phẩm chất người học, chứ không phải học theo kiểu ghi nhớ, nhồi nhét”, Thứ trưởng nêu; đồng thời khẳng định, việc xây dựng “Trường học hạnh phúc” cần được thực hiện theo nhu cầu tự thân của các cơ sở giáo dục, không thành tích, trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm từ các nước trên thế giới với tinh thần tự nguyện, lợi ích thật sự của đơn vị, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nên hành chính hóa, không đưa vào tiêu chí thi đua hằng năm, không nóng vội, tránh tạo áp lực.

Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, quá trình xây dựng và triển khai Bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” được thực hiện từng bước, cẩn trọng, lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đơn vị trường học. Ông Hiếu đề nghị, khi triển khai Bộ tiêu chí, các cơ sở giáo dục cũng cần quan tâm đối tượng cha mẹ học sinh, đưa vào như một trong những chủ thể quan trọng, ảnh hưởng quá trình xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

“Việc triển khai Bộ tiêu chí khá mới mẻ, nhưng may mắn là chúng ta đã có định hướng từ bộ tiêu chí của UNESCO, đồng thời có nhiều sáng tạo, kinh nghiệm triển khai một số mục tiêu chương trình trước đây. Cụ thể là năm 2019, TP.HCM đã triển khai “Văn hóa ứng xử trong trường học”, nghĩa là chúng ta ứng xử tốt đẹp với nhau cũng là tạo nên hạnh phúc. Tôi cho rằng, nhà trường là nơi lan tỏa tốt nhất những hình ảnh, nét văn hóa trong xã hội”, ông Hiếu nhấn mạnh và thông tin thêm: Cách đánh giá việc thực hiện Bộ tiêu chí là hằng năm sẽ tổ chức khảo sát cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh về cảm nhận hạnh phúc khi đến trường giảng dạy, học tập và sinh hoạt. 

KIỀU GIANG

Ý kiến bạn đọc