Xẩm "gõ cửa" trường học

VHO- Khi “báu vật nhân văn” là nghệ nhân Xẩm, NSƯT Hà Thị Cầu ra đi, nhiều người lo ngại loại hình nghệ thuật này sẽ bị thất truyền, lãng quên. Thế nhưng, theo thời gian, hát Xẩm đã được các nghệ sĩ trẻ khơi dậy và thổi vào làn gió mới, với mong muốn Xẩm được “hồi sinh” và dần trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn đối với công chúng.

Xẩm

Phần trình diễn hát Xẩm của ca sĩ Hà Myo được các bạn trẻ đón nhận nhiệt tình

Với tinh thần phả vào nhạc mới những giá trị xưa cũ sao cho giữ được hồn cốt văn hóa mà vẫn mang tinh thần thời đại, nhiều người trong số họ đã mang Xẩm đến các trường học, qua đó lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống đến với khán giả trẻ.

Thăm dò phản ứng

Từng có giai đoạn phát triển cực thịnh, song cũng như nhiều loại hình âm nhạc dân tộc khác, hát Xẩm đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi bước vào thời đại số. Ðời sống kinh tế đi lên, môi trường diễn xướng dân gian truyền thống ngày càng bị thu hẹp, cùng với đó là sự cạnh tranh của đa dạng loại hình nghệ thuật hiện đại kéo theo xu hướng thị hiếu của công chúng thay đổi. Khán giả có quá nhiều điều kiện để tiếp xúc với các thể loại âm nhạc mới qua các phương tiện truyền thông, vô hình trung đã tạo nên rào cản lớn cho giới trẻ khi tiếp cận với hát Xẩm cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác.

Cũng từ đây, nhiều người cho rằng, khán giả ngày nay chỉ thích nghe nhạc hiện đại và “quay lưng” với giá trị xưa cũ. Thế nhưng, đây chỉ là một cách nhìn nhận phiến diện, khi thanh thiếu niên chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu về âm nhạc truyền thống cũng như các tác phẩm kinh điển của nền âm nhạc Việt Nam thì khó lòng có thể thích hay yêu được.

Đáng mừng thay, trong dòng chảy đương thời, vẫn có nhiều nghệ sĩ trẻ luôn “thổn thức” với âm nhạc truyền thống với những cách biến tấu mới lạ. Đơn cử như nữ ca sĩ Hà Myo, người đã đưa nghệ thuật hát Xẩm đầy sắc điệu và mới mẻ lên sân khấu hiện đại. Cô nổi lên như một hiện tượng âm nhạc khi là người đầu tiên dám kết hợp Xẩm với Rap và nhạc điện tử EDM. Sau nhiều năm bền bỉ làm mới các loại hình âm nhạc dân gian, đến nay Hà lại tiếp tục ấp ủ dự án mang Xẩm bước qua cánh cửa học đường. Nữ ca sĩ chia sẻ: “Trên thực tế, những giai điệu dân tộc vẫn luôn có sức hút nhất định đối với khán giả Việt. Sau nhiều lần thử nghiệm biểu diễn Xẩm ở trường học, Hà Myo đã nhìn thấy được tình cảm của các bạn học sinh, sinh viên dành cho dòng nhạc truyền thống là rất lớn, rất tích cực. Chính vì thế, sắp tới Hà sẽ có chuỗi biểu diễn tại nhiều trường để tiếp tục thăm dò phản ứng của các bạn với dòng nhạc Xẩm nói riêng, âm nhạc dân gian nói chung”.

Mưa dầm ắt sẽ thấm lâu

Nếu khi xưa, Xẩm là những giai điệu buồn thương, ai oán giữa đường, giữa chợ… thì trong sản phẩm âm nhạc của Hà Myo, Xẩm trở nên sống động, vui nhộn, lộng lẫy sắc màu và phù hợp với người trẻ hơn. Chính vì thế, việc các ca khúc như Xẩm Hà Nội, Xẩm Thập Ân… thu hút được sự quan tâm của các bạn là điều dễ hiểu. Thế nhưng, chỉ biểu diễn các ca khúc là chưa đủ, cô nàng luôn dành phần nhiều thời gian để giao lưu với khán giả. Qua đó Hà Myo sẽ nghe được những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của họ đối với nghệ thuật truyền thống. “Hà mời các bạn thử hát Xẩm để thấy rằng Xẩm không quá khó, và khi đó các bạn sẽ cảm nhận được nghệ thuật Xẩm của Việt Nam hay và ý nghĩa như thế nào”, Hà Myo bày tỏ.

Trong chuỗi sự kiện Ngày thẻ Việt Nam 2023 - Sóng Festival vừa qua tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, không chỉ mang đến những tiết mục giàu sắc màu, mang đậm chất truyền thống và hiện đại, Hà Myo còn trực tiếp hướng dẫn nhiều bạn sinh viên hát theo ca khúc Xẩm Hà Nội và được hưởng ứng nồng nhiệt. Đặc biệt hơn, khi những đoạn clip giao lưu hát Xẩm được đăng tải trên mạng xã hội, nhiều khán giả đã để lại những bình luận rất tích cực. Có khán giả còn cho biết, đây là lần đầu tiên họ tiếp cận với nghệ thuật hát Xẩm và bị cuốn hút ngay từ giai điệu đầu tiên. Đến nay, các đoạn clip hát Xẩm đã thu hút tới hơn 3 triệu lượt xem với những tín hiệu tốt.

Dẫu hành trình mang nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là bộ môn Xẩm vào trường học vẫn còn gặp không ít khó khăn về nguồn lực, nhưng Hà Myo vẫn đang từng bước cố gắng để đi được xa và lâu hơn. “Mong muốn của Hà từ trước đến bây giờ vẫn không thay đổi là lan tỏa thật mạnh mẽ nghệ thuật Xẩm nói riêng, âm nhạc truyền thống Việt Nam nói chung đến với công chúng trẻ và xa hơn nữa sẽ vươn tầm quốc tế. Và khi các bạn dành tình yêu với những giá trị truyền thống thì đồng nghĩa rằng các bạn sẽ yêu đất nước của mình hơn”, nữ ca sĩ trải lòng với hành trình mang âm nhạc truyền thống đến học đường của cô.

Không chỉ riêng Hà Myo, cũng đã có rất nhiều nghệ sĩ dấn thân “làm mới” âm nhạc dân tộc, đưa những dự án sân khấu vào học đường… Tuy nhiên, thời gian qua, các dự án này cũng bộc lộ không ít khó khăn, hiệu quả còn chưa được như kỳ vọng, tác động với khán giả đương đại còn khá khiêm tốn. Một phần nguyên nhân là bởi giới nghề quá đặt nặng vấn đề, khi kỳ vọng các bạn trẻ sẽ trở thành thế hệ kế thừa với vai trò là nghệ sĩ biểu diễn. Cần phải đặt lên bàn cân so sánh để thấy rằng, quá chú trọng vào đào tạo nghệ sĩ, còn khán giả thưởng thức lại bỏ ngỏ, thì kết quả cũng bằng không. Chính vì vậy, việc đưa âm nhạc dân tộc vào trường học cần có định hướng rõ ràng, nhất quán và đầu tư thực chất, có chiều sâu. Còn việc “làm mới” cũng cần phải có hướng đi đúng đắn, khéo léo, tinh tế pha trộn giữa truyền thống và hiện đại thì mới mang lại hiệu quả. Việc tiếp tục “đánh thức” được tình yêu âm nhạc truyền thống bằng cách ươm mầm cảm thụ sẽ như một “dòng suối nhỏ” chảy không ngừng nghỉ, góp phần bảo tồn, lan tỏa giá trị văn hóa cổ truyền của đất nước trong tương lai. 

 HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc