Con nuôi của đồn Biên phòng

VHO- Đứng chân ở địa bàn biên giới, thời gian qua, cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ công tác, các đồn Biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Nghệ An cũng đã triển khai hiệu quả mô hình Con nuôi đồn Biên phòng. Sự chăm sóc, yêu thương của những người “bố nuôi” đã nâng bước nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn nơi biên cương tiếp tục duy trì ước mơ đến trường.

Con nuôi của đồn Biên phòng - Anh 1

 Cán bộ Biên phòng hướng dẫn 2 em Mùa Bá Sâu và Vi Dương Cầm gấp chăn màn gọn gàng Ảnh: HẢI THƯỢNG

Hình ảnh người chiến sĩ mang màu áo xanh của đại ngàn đến tận nhà khám, chữa bệnh, cấp thuốc cho dân lúc ốm đau, sửa lại nhà cửa bị sập do mưa bão, trồng lúa, thu hoạch hoa màu… đã để lại dấu ấn đẹp đối với bà con xã Keng Đu (huyện Kỳ Sơn). Đồn Biên phòng Keng Đu còn nhận hai cháu người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về làm “con nuôi đồn Biên phòng” để giúp các cháu có điều kiện đến trường, ổn định cuộc sống. Việc làm có ý nghĩa này đã thắt chặt thêm tình quân dân vùng biên giới miền Tây Nghệ An.

Thiếu tá Võ Đình Tao, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Keng Đu cho biết: “Hai cháu Lo Văn Diệu và Xeo Văn Điệp tưởng phải bỏ học giữa chừng do gia đình quá nghèo. Năm 2019, bước vào học lớp 6 (Trường PTDT bán trú THCS xã Keng Đu), hai cháu đã được Đồn Biên phòng Keng Đu đón nhận về đồn làm con nuôi, tiếp tục được đi học. Với sự chăm sóc tận tình và dạy bảo của các “bố nuôi”, hai cháu đã trưởng thành hơn rất nhiều. Trong kỳ thi chuyển cấp vừa qua, cả hai đều đậu vào Trường THPT huyện Kỳ Sơn. Hằng tháng đơn vị vẫn tiếp tục hỗ trợ kinh phí học tập cho các cháu”.

Hai cậu bé khác ở huyện Kỳ Sơn cũng có hoàn cảnh hết sức đáng thương là Vi Dương Cầm (12 tuổi), dân tộc Thái, trú tại bản Tằng Phăn, xã Na Ngoi và Mùa Bá Sâu (15 tuổi), dân tộc Mông, trú tại bản Phù Khả 2, xã Na Ngoi đã trở thành con nuôi của Đồn Biên phòng Na Ngoi. Bố Mùa Bá Sâu mất sớm, mẹ em đi thêm bước nữa với người đàn ông nước láng giềng Lào và định cư luôn tại đây. Sâu về sống cùng ông bà nội, tuy nhiên, ông bà đã già yếu, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, Sâu phải chịu cảnh đói nghèo, thiếu thốn quanh năm. Còn bố mẹ của em Vi Dương Cầm không có việc làm ổn định, nhà lại đông con nên lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Sâu và Cầm đều rất ham học và muốn được đi học nhưng điều kiện gia đình không cho phép. Biết được hoàn cảnh của hai em, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Ngoi đã cùng thầy cô giáo và cán bộ ở xã, bản đến tận nhà để tìm hiểu, hỏi ý nguyện của các em và thông báo chủ trương nhận con nuôi. Gia đình và hai em đều rất vui mừng và xúc động. Năm học mới này, cán bộ Đồn Biên phòng Na Ngoi đã mua sắm quần áo mới và đồ dùng học tập cho hai em. Mùa Bá Sâu tâm sự: “Trước khi về ở với các bố Biên phòng, con rất ít nói, học lực cũng đuối. Được sự quan tâm, dạy bảo tận tình của các bố, chúng con đã tự tin, vui vẻ, hòa đồng hơn và kết quả học tập cũng ngày một khá lên”.

Mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” chính thức được thực hiện từ tháng 8.2019. Các đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đón nhận các cháu trong độ tuổi từ 6-15 (có thể nhỏ hơn, nhưng phải bảo đảm được việc chăm sóc), con em của đồng bào DTTS, hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, các cháu mồ côi, gia đình thương binh, liệt sĩ, chính sách, giúp các em có chỗ ăn, chỗ ở, sinh hoạt phù hợp. Ngoài các đồn Biên phòng trực tiếp nhận nuôi, thì thủ trưởng Bộ chỉ huy, các phòng ban, văn phòng và các đơn vị không trực tiếp nuôi cũng đăng ký ủng hộ kinh phí 200.000 đồng/cháu/tháng... Theo đó, thủ trưởng Bộ Chỉ huy, mỗi đồng chí nhận đỡ đầu ít nhất 1 cháu; các phòng ban, văn phòng Bộ chỉ huy đỡ đầu ít nhất 2 cháu. Hoạt động này được duy trì đến khi các cháu học xong các cấp học.

Theo thống kê, hiện có 114 cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các tuyến biên giới được Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An nhận đỡ đầu, giúp đỡ, nuôi dưỡng theo chương trình Nâng bước em đến trường Con nuôi Biên phòng. Điều đặc biệt, trong số này có 16 cháu là người Lào ở các bản sát biên giới được hỗ trợ thường xuyên kinh phí, sách vở, quần áo…

Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe cho biết: “Trong những năm qua, được sự hỗ trợ, giúp đỡ thường xuyên của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Nghệ An, các cháu học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn ở vùng biên giới đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thiếu thốn về vật chất, tinh thần để trở thành con ngoan, trò giỏi. Nhiều cháu từ học sinh trung bình đã vươn lên khá, giỏi. Không chỉ có vậy, các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng Nghệ An còn kịp thời giúp đỡ các trường học trên địa bàn để củng cố cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường đón học sinh vào năm học mới. Sự sẻ chia của những người lính áo xanh và của toàn xã hội đã thực sự là cơ hội để các em vươn lên trong cuộc sống, nỗ lực học tập tốt, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão để mai này góp sức xây dựng bản làng no ấm hơn, giàu đẹp hơn. 

 PHẠM NGÂN

Ý kiến bạn đọc