Đừng để các em cô đơn

VHO- Hình ảnh một nam sinh sáng nào cũng không muốn rời khỏi giường vì “mỗi ngày đến trường là một ngày đau”; đau về thể xác bởi những trận đấm, đá của nhóm bạn cùng lớp, đau về tinh thần vì bất lực trước sự hả hê của nhóm bạn. Nam sinh chỉ biết cam chịu và mỗi đêm em đều chiêm bao được đến một ngôi trường hạnh phúc. Mỗi tối, em lại thêm một nét gạch vào cuốn sổ để tính lùi từng ngày đến lễ bế giảng. Nhiều bạn trong lớp chứng kiến cảnh Đức (nam sinh) bị bắt nạt mỗi ngày, nhưng mỗi giờ ra chơi, mọi người đều ùa ra hành lang hoặc chụm đầu vào với nhau để làm một việc nào đó, ngó lơ nghịch cảnh… Đó là nội dung trong một phim ngắn mang tên Mộng của một nhóm sinh viên trường THPT Chuyên Sư phạm Hà Nội.

Đừng để các em cô đơn - Anh 1

  Hình ảnh Đức bị các bạn trong lớp bạo hành (ảnh cắt từ phim “Mộng”)

Câu chuyện là tiếng nói của không ít học sinh đã và đang bị bạo lực học đường. Có rất nhiều lý do để một em nào đó bị bắt nạt: Học giỏi, xinh xắn, hiền lành, hoặc thậm chí “nhìn thấy ghét” cũng bị bắt nạt. Điều căn bản khiến các em bị bạo hành kéo dài chính là do sự thờ ơ của những người xung quanh. Bố mẹ vẫn chăm sóc cho con từng bữa ăn, thúc giục con từng buổi học, nhưng không có thời gian để trò chuyện với con, không phát hiện ra những lo lắng, sợ hãi của con, thậm chí không đủ tinh ý để phát hiện ra vì sao con luôn mặc quần áo dài (là để che dấu những thương tích, xước sát do bị bạo hành ở lớp, ở ngoài đường). Thầy cô lên lớp, giảng xong là bước ra khỏi cửa, các em làm gì trong giờ ra chơi, chắc hẳn hiếm có thầy cô nào có ý định quan sát. Bạn bè tranh thủ giờ ra chơi chúi mũi vào điện thoại hoặc những thú vui, sở thích cá nhân, không quan tâm những người xung quanh hoặc sợ hãi không dám bảo vệ người yếu thế…

Thực tế cho thấy, hầu hết các vụ bạo lực học đường đều chỉ bị phát hiện khi có clip bị phát tán, và đến lúc đó các cơ quan, đoàn thể mới vào cuộc. Hiếm có trường hợp được phát hiện một cách chủ động, do nạn nhân không dám tố giác vì đã bị đe dọa, trong khi chỉ cần một người dám đứng ra bảo vệ, dám tố cáo cái sai, thì sẽ ngăn chặn được cái ác.

Phim ngắn Mộng đã giành giải thưởng Phim ngắn được yêu thích nhất tại Lễ trao giải Red Carpet 2023 (cuộc thi làm phim ngắn đầu tiên dành riêng cho các bạn học sinh, sinh viên trên toàn địa bàn TP Hà Nội do Tổ chức chiếu phim từ thiện Movies for Relief trực thuộc Đoàn trường THPT Chuyên Sư phạm tổ chức). Bộ phim không chỉ là một sản phẩm dự thi, mà còn là tiếng nói của các em về tình trạng bạo lực học đường. Và thông điệp gửi tới những người làm cha mẹ, thầy cô, những nhà giáo dục, nhà quản lý xã hội, là: Hãy quan tâm đến các em, đừng bao giờ để một đứa trẻ có cảm giác cô đơn, bị bỏ rơi, dù ở trường hay ở nhà.

HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc