Hàng nghìn SV bị đuổi, cảnh báo thôi học là... bình thường!

VH- Nhiều trường ĐH vừa công bố điểm học tập và rèn luyện của sinh viên trong học kỳ 1 năm học 2017- 2018 và trong số này có hàng trăm sinh viên rơi vào cảnh buộc cho thôi học, xóa tên khỏi danh sách. Trong những năm gần đây, tình trạng sinh viên phải “rời khỏi giảng đường” khi chưa nhận bằng tốt nghiệp ngày càng nối dài…

 

Hàng nghìn SV bị đuổi, cảnh báo thôi học là... bình thường! - Anh 1

Học kỳ 1 vừa qua Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có đến 1.130 sinh viên bị cảnh báo học vụ

Danh sách sinh viên bị xóa tên ngày càng nhiều

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó trưởng phòng, điều hành Phòng Đào tạo (Trường ĐH Văn hóa TP.HCM) cho biết, đến cuối học kỳ 1 năm học 2017-2018, nhà trường đã xóa tên gần 100 sinh viên, trong đó 80 sinh viên tự ý bỏ học mà không có phản hồi với nhà trường. Số còn lại do kết quả học tập loại kém nên không đủ điều kiện được học tiếp. Ngoài ra có khoảng 30 sinh viên rơi vào diện cảnh báo học vụ, nghĩa là số sinh viên này nếu bị cảnh báo trong học kỳ tới nữa (2 học kỳ liên tiếp hoặc 3 học kỳ bất kỳ trong toàn khóa) thì sẽ bị buộc thôi học.

Trao đổi với chúng tôi vào chiều qua 17.5, ông Huỳnh Công Ba, Trưởng phòng Công tác chính trị - Học sinh sinh viên (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho hay, chỉ trong học kỳ 1 năm học này trường có đến 1.130 sinh viên bị cảnh báo học vụ. Riêng số sinh viên bị buộc thôi học là trên 300 em. Trong tổng số hơn 9.400 sinh viên của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) thì có tới 834 sinh viên bị xếp loại kém, gần 1.100 sinh viên bị xếp loại yếu. Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng có tới gần 200 sinh viên bị xếp loại kém, hơn 120 sinh viên xếp loại yếu… PGS.TS Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, học kỳ 1 vừa qua nhà trường phải cảnh báo học vụ xấp xỉ 700 sinh viên trong tổng số 15.000 sinh viên của trường. Trung bình hằng năm có hơn 1/3 trong số các sinh viên bị cảnh báo học vụ bị xóa tên khỏi danh sách học tập.

 ​ Nguyên nhân sinh viên bị cảnh báo học vụ và buộc cho thôi học là do tự ý bỏ học, năng lực trình độ không đảm bảo, có sinh viên ôn thi vào trường khác hoặc vì gia cảnh khó khăn nên mải lo đi làm mà lơ là việc học. Tuy nhiên, đáng nói là trong đó có tỷ lệ không nhỏ số sinh viên lười học, ham chơi lêu lổng, đặc biệt có không ít sinh viên tham gia bán hàng đa cấp.

Sinh viên thiếu ý thức học tập?

Theo quy chế, việc đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên là đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống từng sinh viên theo mức điểm đạt được trên các mặt: Ý thức tham gia học tập; ý thức chấp hành nội quy, quy chế, quy định trong trường; ý thức tham gia các hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa, văn nghệ, thể thao, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội; ý thức công dân trong quan hệ cộng đồng; ý thức và kết quả tham gia công tác cán bộ lớp, các đoàn thể, tổ chức khác trong nhà trường và các nội dung khuyến khích đạt thêm.

Qua trao đổi với các trường được biết, nguyên nhân sinh viên bị cảnh báo học vụ và buộc cho thôi học là do tự ý bỏ học, năng lực trình độ không đảm bảo, có sinh viên ôn thi vào trường khác hoặc vì gia cảnh khó khăn nên mải lo đi làm mà lơ là việc học. Tuy nhiên, đáng nói là trong đó có tỷ lệ không nhỏ số sinh viên lười học, ham chơi lêu lổng, đặc biệt có không ít sinh viên tham gia bán hàng đa cấp.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thư, số sinh viên bị cảnh báo học vụ hằng năm không có dấu hiệu giảm mặc dù nhà trường liên tục nhắc nhở và cảnh báo để kêu gọi ý thức sinh viên. Nguyên dân dẫn đến thực tế này theo ghi nhận của nhà trường bao gồm sức học kém, các em không yêu thích ngành nghề đã lựa chọn lúc đầu, không biết lập kế hoạch học tập khoa học ở bậc đại học, vì hoàn cảnh gia đình, vì ham chơi, chưa có ý thức học tập…

“Việc cảnh báo và nhắc nhở để các sinh viên biết mà có kế hoạch chấn chỉnh việc học hành. Đồng thời với cảnh báo cho sinh viên thì nhà trường cũng có báo về cho gia đình. Tuy nhiên không phải thư nào cũng chuyển tới gia đình các em vì nhiều em không ghi địa chỉ nhà mà chỉ ghi nơi mình tạm trú lúc đi học. Chính vì thế có nhiều bố mẹ đến trường tìm con mới tá hỏa vì cứ nghĩ con vẫn đang học mà không ngờ con em mình không đi học đã lâu”, ông Thư chia sẻ.

Ông Huỳnh Công Ba cho biết thêm, qua tìm hiểu lý do cho biết phần lớn sinh viên vắng mặt hoặc bỏ học thời gian dài dẫn đến điểm trung bình bằng 0 là vì các sinh viên này đã đăng ký vào một trường khác, đó có thể là do sức học yếu hoặc có thể thấy không phù hợp với ngành đang học. Bên cạnh đó có khá nhiều sinh viên thuộc hệ cử tuyển có sức học kém không theo kịp…

Còn theo ông Nguyễn Thanh Tùng, qua quá trình tìm hiểu cho biết, cũng có khá nhiều sinh viên ban đầu học khá nhưng do đi làm thêm rồi mải mê việc kiếm tiền, tự ý bỏ học và không báo với trường để xin bảo lưu kết quả (theo quy chế để được bảo lưu kết quả thì sinh viên phải hoàn thành ít nhất 1 học kỳ và tổng thời gian bảo lưu không quá 2 năm/khóa). Những sinh viên này sau khi bị xóa tên khỏi danh sách sinh viên, đến thời gian sau muốn quay lại học tiếp thì không kịp. “Sau khi công bố danh sách sinh viên vi phạm quy chế học vụ, nhà trường vẫn xem xét các trường hợp có cam kết của gia đình, tùy từng trường hợp cụ thể mới buộc thôi học vĩnh viễn, vì quan điểm của nhà trường là không muốn các em rời khỏi ghế nhà trường, nếu ra ngoài xã hội đôi khi sa ngã”, ông Tùng cho biết.

Đối với các trường hợp sinh viên muốn chuyển ngành học, đại diện một số trường cho biết, nếu sinh viên trình bày lý do chính đáng, đồng thời có điểm đầu bằng hoặc cao hơn ngành muốn xin chuyển, trên cơ sở cân đối theo chỉ tiêu từng ngành mà trường đã đăng ký với Bộ GD&ĐT, sẽ đồng ý cho sinh viên được chuyển ngành, nhưng cũng rất hạn chế.

 ​ Việc cảnh báo và nhắc nhở để các sinh viên biết mà có kế hoạch chấn chỉnh việc học hành. Đồng thời với cảnh báo cho sinh viên thì nhà trường cũng có báo về cho gia đình. Tuy nhiên không phải thư nào cũng chuyển tới gia đình các em vì nhiều em không ghi địa chỉ nhà mà chỉ ghi nơi mình tạm trú lúc đi học. Chính vì thế có nhiều bố mẹ đến trường tìm con mới tá hỏa vì cứ nghĩ con vẫn đang học mà không ngờ con em mình không đi học đã lâu.

(PGS.TS Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM)

 

 THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc