Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Mở "không ngành" để "cứu" sinh viên?

Thứ Tư 16/05/2018 | 09:04 GMT+7

VH- Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho biết, năm 2018 trường thí điểm mở ngành học “không ngành” với 100 chỉ tiêu, nhận hồ sơ thí sinh có điểm từ 24 trở lên. Theo đó, khi trúng tuyển vào trường, sinh viên sẽ học những khối kiến thức chung mang tính nền tảng, bước sang năm 3 sinh viên mới chọn ngành để học.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đơn vị thí điểm mở ngành học... "không ngành", đang tư vấn tuyển sinh cho các thí sinh. Ảnh: K.G

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường này cho biết, trong những năm học qua, không riêng gì Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM mà rất nhiều trường phải cảnh báo học vụ rồi cho thôi học những sinh viên không đủ điều kiện theo học tiếp vì điểm học phần không đạt hoặc bỏ học giữa chừng nên không có điểm… Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do phần lớn các em chọn ngành không đúng với năng lực, sở trường, nên khi học được vài năm thì các em chán, bỏ ngang. Điều này gây lãng phí rất lớn cho bản thân sinh viên, gia đình và nhà trường. Tình hình gần đây vẫn như cũ, vẫn cứ cảnh báo học vụ và thôi học thường xuyên, bởi vì một số em vào học mới phát hiện rằng ngành học không đúng với năng lực, sở trường, vì thế không chịu cố gắng mà cứ chăm chăm đi học lại, vừa học vừa nản nên không có động lực. Một gia đình có con đậu ĐH rất mừng nhưng sau vài năm biết con không học được thì rất tội nghiệp, vì thế Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tìm cách khắc phục chứ không thể để tình hình này kéo dài được. Phía Bộ GD&ĐT cũng có chính sách cho học văn bằng 2 nhưng muốn học được thì có ràng buộc là sinh viên phải học lực 6,5 trở lên, phải tốt nghiệp ngành học thứ nhất mới được học ngành thứ hai, điều này tốn thời gian của các em rất nhiều, cho nên chính sách này cũng không khả thi.

Chính vì vậy bắt đầu từ năm học tới, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM sẽ thực hiện thí điểm mở ngành học “không ngành”. Nghĩa là khi đăng ký xét tuyển vào trường sinh viên không đăng ký cụ thể ngành, chỉ học những kiến thức cơ bản, khoảng 1-2 năm sau thì nhà trường sẽ tư vấn và mời các chuyên gia về nói chuyện để các em biết được những ngành mình đã chọn học như thế nào rồi mới chọn ngành cụ thể. Trong thời gian này sinh viên cũng được tiếp xúc với máy móc, phòng thực hành thí nghiệm để tìm hiểu, gợi mở niềm đam mê đối với ngành.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, vẫn quy chế đào tạo ĐH hiện nay, khi trúng tuyển, sinh viên sẽ học một ngành cố định, ít có cơ hội thay đổi. Đây là quy định đóng khung, không còn phù hợp. Do vậy, việc mở ngành “không ngành” giúp sinh viên có thêm thời gian để định hướng nghề nghiệp, xác định ngành phù hợp nhất. Ông Dũng cũng cho biết, cuộc cách mạng số mang đến nhiều ngành mới nhưng đồng thời cũng triệt tiêu nhiều ngành. Sinh viên năm nhất chọn một ngành nhưng có thể 4 năm sau, khi sinh viên ra trường ngành này không còn tồn tại. Việc đào tạo ngành “không ngành” giải quyết được thách thức này.

Cũng theo ông Dũng, quyết định trên dựa trên nhiều lý do. Một là qua khảo sát sinh viên bị đuổi học hằng năm vẫn còn rất cao, từ 200-300 sinh viên/năm. Lãnh đạo trường nhận thấy các em nghỉ học đa số vì học không đúng ngành yêu thích dẫn đến không còn đam mê học tập, từ đó có kết quả kém. Hai là công tác tư vấn tuyển sinh tuy đã rộng rãi nhưng nhiều thí sinh ở nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn chưa tiếp cận được nhiều thông tin để chọn ngành mình đam mê và có sở trường. Nghề nghiệp và yêu cầu công việc sẽ liên tục thay đổi. Đào tạo theo hướng không ngành như trên có thể giúp sinh viên nắm bắt xu hướng việc làm tốt hơn. Vì có khi sinh viên chọn ngành học, đến 2-3 năm sau ngành này sẽ biến mất hoặc không còn cần nhân lực nữa. Học “không ngành” sẽ tạo điều kiện cho sinh viên chọn ngành phù hợp với mình nhất. 

 ​Thí điểm ngành này, chúng tôi vướng yêu cầu phải đăng ký chỉ tiêu theo ngành khi tuyển sinh của Bộ GD&ĐT nhưng rất may trường đã được tự chủ. Phương án bớt mỗi ngành học khác từ 5-10 chỉ tiêu, dành 100 chỉ tiêu thí điểm cho ngành mới được hội đồng trường thông qua. Những năm học sau, chúng tôi sẽ mở rộng mô hình đào tạo này. (PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)

 

 K.GIANG 

Print
Tags:

Video

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top