Khi học sinh “ngán” các môn KHXH

VH- Việc giảng dạy, học tập các môn khoa học xã hội (KHXH) ở các trường ĐH có đào tạo cử nhân sư phạm cũng như việc giảng dạy các môn học này ở trường phổ thông hiện nay còn rất nhiều hạn chế. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục mà còn là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự sa sút về đạo đức xã hội của một bộ phận học sinh hiện nay. ​

Khi học sinh “ngán” các môn KHXH - Anh 1

 Học sinh TP.HCM trong giờ học môn Ngữ văn

62,5% học sinh sống thực dụng

Đó là một trong những đánh giá được rút ra từ cuộc hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên các môn khoa học xã hội tại TP.HCM” do Trường ĐH Sài Gòn vừa tổ chức.

Liên quan đến vấn đề đội ngũ giáo viên các môn KHXH - nhân văn với việc giáo dục truyền thống và đạo lý dân tộc cho học sinh THPT TP.HCM, PGS.TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã thực hiện khảo sát trên 200 giáo viên THPT các môn KHXH - nhân văn, 120 cán bộ quản lý giáo dục, 80 cán bộ Đoàn và khoảng 1.800 học sinh THPT của 12 quận huyện trên địa bàn TP.HCM. Kết quả thu được là, theo đánh giá của các giáo viên trực tiếp giảng dạy thì có đến trên 71% học sinh không thích học các môn KHXH - nhân văn và sự hiểu biết về văn hóa, xã hội còn hạn chế. Gần 65% học sinh thiếu hiểu biết về lịch sử, truyền thống và đạo lý dân tộc; có 62,5% học sinh sống thực dụng, chạy theo những lợi ích vật chất… Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, gần 70% ý kiến đồng tình chương trình các môn KHXH - nhân văn còn nặng về lý thuyết; các môn học còn đi vào chi tiết, sự kiện, thiếu sự cảm hóa, giáo dục.

Bên cạnh đó, nguyên nhân không kém phần quan trọng là nội dung và phương pháp giáo dục đạo đức trong nhà trường còn nhiều hạn chế. “Trong những năm gần đây, tình trạng sa sút về đạo đức xã hội của một bộ phận học sinh đang là hiện tượng đáng báo động. Các môn học KHXH - nhân văn là những môn có lợi thế trong giáo dục đạo đức, vì vậy cần phải đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục”, PGS.TS Oanh nêu ý kiến.

TS Phạm Đào Thịnh, Trưởng khoa Giáo dục chính trị, Trường ĐH Sài Gòn cho biết, qua tìm hiểu về tình hình đào tạo, cho thấy hiện nay việc đào tạo đội ngũ giáo viên giảng dạy Giáo dục công dân cũng như Giáo dục chính trị còn nhiều hạn chế. TS Thịnh lo lắng, sinh viên vào các khoa đào tạo giáo viên Giáo dục công dân thường có điểm chuẩn chưa cao so với các ngành khác, một số sinh viên về ngoại hình, tác phong chưa đảm bảo tính chuẩn mực. Điều này cho thấy việc đào tạo giáo viên Giáo dục công dân chưa được tuyển chọn theo yêu cầu của một ngành khá quan trọng về đào tạo nhân cách, phẩm giá con người.

Một cán bộ Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, hiện nay những chuẩn mực được học trong sách vở ở nhà trường và thực tế bên ngoài xã hội đang có độ “vênh”, chương trình giảng dạy rất ít gắn vào thực tiễn, vì thế mà hiệu quả giáo dục không cao.

Khi học sinh “ngán” các môn KHXH - Anh 2

 Học sinh TP.HCM trong giờ học môn Lịch sử

Nhiều giáo viên không cập nhật kiến thức

ThS Đặng Chí Minh, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Tân Phong cho rằng, trường đào tạo sư phạm cần trang bị cho sinh viên kiến thức nền về lý luận văn học. Vì các bài học về lý luận văn học ở trường phổ thông đã cắt bỏ, nên việc tìm hiểu về lý luận văn học ở trường sư phạm làm cơ sở nghiên cứu văn bản văn học. Các trường đào tạo sư phạm nên nghiên cứu nội dung phần phân hóa để thiết kế khung chương trình giảng dạy cho phù hợp với đặc thù vùng miền mà trường mình đào tạo. Ví dụ trên địa bàn TP.HCM, các trường ĐH cần dạy thêm các chuyên đề như Con người và văn hóa Sài Gòn xưa; Văn học dân gian vùng Sài Gòn - Gia Định…

Theo nhiều đại biểu, việc đổi mới chương trình phổ thông sắp tới cũng đồng nghĩa và song hành với đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo ở các trường sư phạm. Trường sư phạm nên giảm bớt những chuyên đề chuyên sâu có tính hàn lâm, ít khả năng ứng dụng vào thực tiễn giảng dạy, thay vào đó là tăng cường kỹ năng đứng lớp, trang bị cho sinh viên cách dạy và phương pháp tự nghiên cứu, giúp sinh viên có năng lực làm chủ kiến thức và biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn giảng dạy. PGS.TS Ngô Minh Oanh nói rằng, chương trình các môn KHXH - nhân văn cần biên soạn theo chủ đề từ thấp đến cao, từ gần đến xa: Như từ gia đình đến học đường, xã hội, quốc gia, dân tộc, thế giới; loại bỏ những nội dung giáo dục trừu tượng, ít gần gũi học sinh, chú ý dạy học sinh những ứng xử theo quyền và nghĩa vụ công dân, hợp đạo lý; chú trọng những nội dung về lịch sử, văn hóa dân tộc…

ThS Trần Hùng Minh Phương, Trường THCS Phú Thọ, Quận 11 cho rằng, hiện nay có nhiều giáo viên dạy học một cách thụ động, không hề cập nhật kiến thức thực tế, thậm chí khi ra đề thi cũng còn nhầm lẫn tai hại. Thầy giáo này đưa ra dẫn chứng, “Mới đây, trong đề thi học kỳ II môn Lịch sử lớp 9 của trường, nhiều giáo viên ra đề “bám” quá kỹ sách giáo khoa cũ nên đưa từ “Mỹ - ngụy” vào trong đề cho học sinh phân tích, trong khi đó từ nhiều năm nay Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn không dùng từ này nữa vì không còn phù hợp, nhưng những giáo viên ra đề này không cập nhật kiến thức”. Do đó, thầy Phương cho rằng bản thân mỗi giáo viên cần năng động, tự đào tạo, cập nhật kiến thức một cách linh hoạt với sự thay đổi, chứ không thể chỉ biết dựa vào chương trình đào tạo ở trường ĐH hay chương trình trong sách giáo khoa rồi để nguyên vậy giảng dạy từ năm này qua năm khác, vì có những kiến thức chỉ đúng trong giai đoạn đó mà không còn phù hợp trong giai đoạn mới. 

 ​Trong những năm gần đây, tình trạng sa sút về đạo đức xã hội của một bộ phận học sinh đang là hiện tượng đáng báo động. Các môn học KHXH - nhân văn là những môn có lợi thế trong giáo dục đạo đức, vì vậy cần phải đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục.

(PGS.TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục -Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

 THÙY TRANG

 

Ý kiến bạn đọc