Du học cả trong và ngoài nước: Coi chừng “tiền mất tật mang”

VH- Thời gian gần đây, đầu tư học tập tại nước ngoài hoặc các chương trình của nước ngoài được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, việc lựa chọn du học nước ngoài hoặc du học tại chỗ không chính xác sẽ dẫn đến hậu quả nhãn tiền là “tiền mất tật mang”, thậm chí bằng cấp của một số cơ sở giáo dục nước ngoài cấp không được công nhận tại Việt Nam.

Du học cả trong và ngoài nước: Coi chừng “tiền mất tật mang” - Anh 1

Trang web của GWIS với những thông tin sơ sài khó xác định nguồn gốc

Du học nước ngoài nhưng bằng không được công nhận

Theo đại diện Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), thời gian qua có nhiều văn bằng cấp ở nước ngoài cho người Việt Nam được gửi đến Cục đề nghị công nhận nhưng không đủ điều kiện được công nhận tại Việt Nam. Nguyên nhân là do xu hướng thương mại hóa trong giáo dục ở nhiều nước, đồng thời cũng tồn tại những cơ sở giáo dục tổ chức các chương trình đào tạo theo kiểu theo kiểu cấp bằng thu phí mà ít quan tâm đến trình độ của người học, tính pháp lý của văn bằng được cấp...

Để có cơ sở công nhận văn bằng, Bộ GD&ĐT căn cứ vào kết quả kiểm tra cơ sở đào tạo nước ngoài và chất lượng chương trình đào tạo, trong đó những yếu tố quan trọng được xem xét là việc kiểm định cơ sở, chương trình đào tạo hay cơ sở đó có được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục ở nước sở tại cho phép đào tạo và cấp bằng hay không. Cụ thể có một số người đã chọn học chương trình tiến sĩ của một số trường đại học thuộc hệ thống công lập tại Philippines. Chương trình này được quảng cáo kéo dài trong 2 năm nhưng thực tế thời gian học chỉ khoảng... 20 ngày (!?).

Trong khi đó, một chương trình đào tạo tiến sĩ thực sự có thời gian tối thiểu từ 3-5 năm, thậm chí còn lâu hơn nữa. Việc bảo vệ luận văn được kiểm soát rất chặt chẽ đến mức ngặt nghèo và học viên luôn đối diện nguy cơ phải sửa đi sửa lại luận văn với rất nhiều thời gian... Khi có dự định đi du học tự túc, cần phải nghiên cứu kỹ về chất lượng của trường, ngành mình sẽ đăng ký học trên cơ sở thông tin từ các tổ chức kiểm định, tổ chức xếp hạng có uy tín; hoặc thông tin từ cơ quan quản lý giáo dục (đối với những nước chưa có hệ thống kiểm định phát triển). Trước thực trạng đó, Bộ GD&ĐT khuyến cáo người học cần phải lựa chọn kĩ các chương trình học, thẩm định kĩ các cơ sở đào tạo ở nước ngoài trước khi quyết định du học. Đồng thời sẽ công bố dần danh sách các cơ sở đào tạo, các chương trình được kiểm định, phương pháp thẩm định thông tin về các cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo qua các tổ chức kiểm định hoặc cơ quan quản lý giáo dục của nước sở tại...

Du học tại chỗ cũng đối diện nguy cơ “tiền mất tật mang”

Học tại Việt Nam nhưng các chương trình đào tạo của nước ngoài, giáo viên nước ngoài, bằng cấp nước ngoài, tiết kiệm chi phí... là những ưu điểm của hình thức đào tạo du học tại chỗ, được nhiều gia đình lựa chọn cho con em. Tuy nhiên, không phải là không có rủi ro khi chọn du học tại chỗ. Nhiều cơ sở giáo dục không đảm bảo chất lượng đã tìm mọi cách qua mặt cơ quan quản lý của Việt Nam một cách trót lọt. Và hậu quả chỉ có học sinh và người nhà của họ đã chọn chương trình này lãnh đủ. Đã có trường bị buộc dừng hoạt động vì mở lớp đào tạo bậc ĐH-CĐ nhưng chỉ sở hữu giấy phép đào tạo ngắn hạn, khiến hàng ngàn sinh viên dở khóc dở cười với tấm bằng không có giá trị tại Việt Nam. Một số trường khác liên kết đào tạo tại Việt Nam nhưng không thể xác định được trường này có tồn tại thực sự hay không. Điển hình là trường hợp Trường George Washington International School (GWIS). Từ năm 2012, trường Tiểu học - THCS - THPT Newton đóng tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội, đã liên kết đào tạo chương trình “du học tại chỗ” với GWIS. Ngoài trường này, GWIS liên kết đào tạo song bằng với các trường học tại 13 tỉnh, thành Việt Nam, với cam kết “bằng có giá trị quốc tế, được các đại học Mỹ công nhận”. Tuy nhiên, mới đây Đại sứ quán Mỹ thông báo “không thể tìm thấy” tên của trường này trên bất kỳ danh sách nào của Cục An ninh nội địa Mỹ hay tại hai địa phương ở Mỹ mà trường ghi đặt trụ sở. Qua xác minh kỹ, Bộ GD&ĐT kết luận: “Qua báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội về việc hợp tác giữa trường Tiểu học - THCS - THPT Newton với trường GWIS, cùng hồ sơ pháp lý kèm theo và tài liệu hiện có cho thấy GWIS không phải là trường phổ thông có giáo viên, học sinh và được kiểm định chất lượng tại Mỹ”. Bộ cũng đề nghị các Sở có trường hợp tác với GWIS xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh/thành phố để dừng hợp tác và có giải pháp đảm bảo quyền lợi cho học sinh.

Mặc dù việc hợp tác đào tạo đã dừng lại, nhưng việc một cơ sở đào tạo nước ngoài không thể xác định được nguồn gốc qua mặt được các cơ quan quản lý để liên kết đào tạo tại Việt Nam từ năm 2012 tới nay cho thấy việc kiểm soát các chương trình du học tại chỗ có vấn đề. Đây không phải lần đầu tiên Bộ GD&ĐT để lọt lưới các chương trình đào tạo liên kết không đảm bảo chất lượng mà đối tượng gánh chịu hậu quả chính là học sinh và người nhà của họ.

Quốc Hùng

 

Ý kiến bạn đọc