Không nhất thiết trường học nào cũng phải có bể bơi

VH- Phát triển thể thao học đường là rất cần thiết và quan trọng, nhất là phổ cập bơi lội cho học sinh. Tuy nhiên, có nhiều cách thức tổ chức cho học sinh học bơi, không nhất thiết mỗi trường học phải xây dựng một bể bơi tại chỗ, nhằm tránh tình trạng “lạm phát” hồ bơi. Đó là vấn đề được nhiều đại biểu nhấn mạnh tại Hội thảo góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức ngày 10.4.

Không nhất thiết trường học nào cũng phải có bể bơi - Anh 1

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng, trong bối cảnh tăng dân số cơ học trên địa bàn thành phố diễn ra nhanh như hiện nay thì không thể quy định mỗi trường học phải xây dựng một bể bơi tại chỗ được. Thay vào đó, nên quy hoạch bể bơi chung cho những trường trong bán kính gần nhau cùng sử dụng dạy bơi cho học sinh để tránh lãng phí. Hơn nữa, ở thành phố có tình trạng sân vui chơi, nhà thi đấu của nhà trường bị tận dụng để làm phòng học do sự gia tăng dân số kéo theo số học sinh ngày một đông hơn. Cũng theo bà Thu, ngoài việc phổ cập những môn thể thao truyền thống, nên mở rộng và đa dạng hóa các môn thể thao hiện đại trong giáo dục thể chất và phát triển thể thao học đường.

Đồng quan điểm trên, Thiếu tá Đỗ Khắc Lợi, Phó giám đốc Trung tâm TDTT Quốc phòng II cho rằng, bên cạnh giáo dục những môn thể thao quen thuộc, thể thao học đường cũng nên chú trọng đến những môn thể thao giải trí, có sức hấp dẫn học sinh hơn. Mặt khác, để thúc đẩy phát triển các công trình thể dục, thể thao phục vụ hoạt động thể dục, thể thao quần chúng trong cộng đồng, nên quy định khi quy hoạch khu dân cư cần thiết phải có thiết chế thể thao phục vụ nhu cầu rèn luyện sức khỏe của cư dân.

Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, qua ý kiến của nhiều đại biểu trước đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có chỉ đạo bổ sung trách nhiệm của Bộ LĐ,TB&XH và Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ VHTTDL và các cơ quan có liên quan trong việc quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất, trang thiết bị thể dục, thể thao… vào dự thảo luật nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thể chất, hoạt động thể dục, thể thao trong nhà trường.

Góp ý cho lĩnh vực thể thao chuyên nghiệp, Luật sư Trần Duy Cảnh nhấn mạnh, dự thảo luật đang “bỏ trống” quy định về tổ chức giải thể thao chuyên nghiệp. Hiện vẫn chưa có quy định hay định nghĩa thế nào là thể thao chuyên nghiệp nên việc xin phép tổ chức một giải thể thao chuyên nghiệp còn khá lộn xộn. Trong khi đó, trên thực tế có rất nhiều giải thể thao chuyên nghiệp diễn ra trong nước, thu hút sự tham gia của nhiều vận động viên nước ngoài, như các giải gôn với nguồn tài trợ và cơ cấu giải thưởng rất lớn...

HOÀNG HẢI

Ý kiến bạn đọc