Áp dụng tùy tiện, thậm chí vi phạm pháp luật

VH-Thời gian gần đây, ngành Giáo dục trở thành tâm điểm của dư luận khi liên tiếp xảy ra nhiều vụ lùm xùm. Về vấn đề này Văn Hóa đã có cuộc trao đổi với luật sư Thu Hằng (ảnh), Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú về việc áp dụng các hình thức xử phạt trong trường học hiện nay.

Áp dụng tùy tiện, thậm chí vi phạm pháp luật - Anh 1

P.V: Thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ việc đáng tiếc mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc giáo viên áp đặt các hình thức xử phạt cho học sinh như bắt quỳ, bắt uống nước giặt giẻ lau bảng, đứng ở hành lang lớp hàng giờ... Xin bà cho biết, những biện pháp này có phù hợp không và nhà trường, giáo viên được áp dụng các hình thức xử phạt thế nào khi học sinh vi phạm nội quy, quy định?

- Luật sư Thu Hằng: Việc giáo dục trẻ em đặc biệt là trong các trường trung học, phổ thông là hết sức quan trọng vì ngoài việc các em học sinh tiếp thu các kiến thức từ nhà trường cũng là thời điểm quan trọng khi các em đang trong độ tuổi phát triển và hình thành nhân cách. Do đó, khi các em phạm lỗi trong nhà trường thì việc giáo dục ý thức cho các em nhận biết lỗi, biết sai trái của mình như thế nào cho phù hợp là điều hết sức quan trọng và phải đảm bảo tính nhân văn. Theo quy định tại Điều 42, Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học Ban hành kèm theo Thông tư số: 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28.3.2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỉ luật theo các hình thức sau đây: Phê bình trước lớp, trước trường; Khiển trách và thông báo với gia đình; Cảnh cáo ghi học bạ; Buộc thôi học có thời hạn.

Như vậy, đối với các trường hợp các trường học áp dụng hình thức xử phạt khi học sinh vi phạm nội quy của Nhà trường nhưng có những hình thức không phù hợp như bắt quỳ, bắt uống nước giặt giẻ lau bảng,.. là không đúng với quy định trên. Các hình thức xử phạt không phù hợp có thể gây áp lực về tâm lý cho người trong cuộc (các em học sinh, cha mẹ các em học sinh…) và gây phản ứng không tốt đối với dư luận.

Vậy theo bà, để chấm dứt tình trạng các trường và giáo viên tự ý đặt ra các hình phạt không phù hợp, cần phải làm gì?

- Hiện nay, các trường học áp dụng rất nhiều các hình thức xử phạt khác nhau đối với học sinh vi phạm nội quy, mà phổ biến là viết kiểm điểm, chép phạt, một số trường còn áp dụng các hình thức khác như bắt dọn vệ sinh trường, lớp, thậm chí còn có trường bắt nộp phạt bằng tiền hoặc hiện vật. Như vậy, có thể thấy việc áp dụng này khá tùy tiện, thậm chí là vi phạm pháp luật.

Chính vì vậy, các cơ quan quản lý trong lĩnh vực giáo dục cần sớm ban hành bộ quy tắc ứng xử của giáo viên với học sinh; rà soát lại các nội quy tại các trường học, đề cao tính giáo dục, nâng cao nhận thức, xây dựng nhận thức không áp dụng các hình thức xử phạt tràn lan, cứng nhắc, nghiêm trọng hóa sự việc, không đảm bảo tính tự giác nghiêm chỉnh thực hiện theo nội quy của nhà trường và sự phát triển nhận thức cho học sinh là những thế hệ trẻ của tương lai.

Nhà trường cần phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương, Ban đại diện cha mẹ học sinh, các tổ chức chính trị-xã hội và cá nhân liên quan để thống nhất quan điểm, nội dung, phương pháp giáo dục giữa Nhà trường, gia đình và xã hội để thực hiện mục tiêu giáo dục.

Đối với các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực giáo dục như “Xâm phạm nhân phẩm, thân thể nhà giáo; ngược đãi, hành hạ người học” hay áp dụng hình thức xử phạt không đúng đắn đối với học sinh thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

HOÀNG HƯƠNG (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc