Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

VỀ CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC Ở BIÊN GIỚI TÂY NAM: Cần đưa vào sách giáo khoa mới

Thứ Sáu 06/04/2018 | 09:07 GMT+7

VH- Tại hội thảo khoa học “Một số vấn đề về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam” do Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM phối hợp với Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức vào hôm qua 5.4, nhiều chuyên gia cho rằng cần có những đánh giá đúng bản chất, có các công trình nghiên cứu sâu về sự kiện lịch sử này. Và đề nghị đưa vấn đề chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam vào sách giáo khoa trong chương trình giáo dục phổ thông sắp tới.

Cần định danh tên gọi

Theo PGS.TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, khi định danh cho sự kiện lịch sử này cần phải gọi là “cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu biên giới”, chứ không nên coi đó là hai cuộc chiến tranh tách rời nhau như nhận thức của một số người, đặc biệt là một số nhà nghiên cứu nước ngoài. Muốn nhận diện được cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam cần phải xem xét cả một quá trình. “Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam (1977-1979) đã có 12.000 cán bộ, chiến sĩ Việt Nam hy sinh và 43.000 người bị thương tật, chưa kể hàng nghìn người vô tội bị chết. Một con số đau lòng khủng khiếp. Tuy nhiên, nhận diện đúng cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu biên giới nói chung, chiến tranh biên giới Tây Nam nói riêng không phải là để gặm nhấm quá khứ, khơi lại hận thù, mà để hướng tới tương lai”, PGS.TS Trần Ngọc Long nêu quan điểm.

GS.TS Võ Văn Sen, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXHNV TP.HCM đặt vấn đề: Cuộc chiến mà Khmer đỏ ở Campuchia dùng lực lượng quân sự gây xung đột, lấn chiếm sang biên giới Việt Nam - buộc Việt Nam phải đứng lên dùng quân đội trừng trị Khmer Đỏ, sau đó phản công đánh bại chúng ngày 7.1.1979, được gọi là gì? Theo đó, phương Tây và những dư luận chưa hiểu rõ bản chất của nó thì gọi theo hình thái chiến sự hai bên là chiến tranh Việt Nam - Campuchia; Người Campuchia (nạn nhân của chế độ diệt chủng) gọi là Việt Nam giải phóng và giúp đỡ cứu tính mạng nhân dân Campuchia. Có thể thấy sự liên hệ chặt chẽ của chiến tranh ở biên giới Tây Nam với chiến tranh phía Bắc nên có người gọi là chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu biên giới. Riêng chiến tranh ở phía Tây Nam, quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia từng tổng kết nhiệm vụ lúc đó gọi đích thực là “Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam”.

Theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu về lịch sử, đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức một hội thảo quy mô về vấn đề chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Tuy nhiên, để hiểu sâu sắc và đúng bản chất, những tác động và ý nghĩa của sự kiện này rất cần có một đề án nghiên cứu và điều tra về cuộc chiến tranh đến từng địa phương, từng làng, tỉnh ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và phía Bắc, đừng thờ ơ với những hy sinh, mất mát của người dân. PGS.TS Trần Đức Cường, cho biết rất tiếc là cho đến nay chưa có các công trình lịch sử quy mô nghiên cứu về cuộc chiến tranh này.

Đưa sự kiện một cách đầy đủ vào sách giáo khoa mới

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà giáo dục cho rằng cần thiết đưa vấn đề chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam vào sách giáo khoa mới. Từ góc độ là một giáo viên dạy Lịch sử phổ thông, ThS Trần Trung Hiếu, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, cho rằng, sách giáo khoa Lịch sử hiện hành viết quá sơ sài về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. “Đã vậy, gần 10 năm qua, Bộ GD&ĐT đã đưa phân phối chương trình giảm tải nhiều kiến thức, trong đó có kiến thức về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Hệ quả của sự giảm tải này là thầy không phải dạy, trò không phải học. Và như một sự vô tình, thế hệ trẻ nhiều năm qua không hề được học, được biết về sự kiện này một cách chính thống”, thầy Hiếu nhận định.

Theo thầy Trần Trung Hiếu, trong lúc sự bùng nổ về công nghệ thông tin, các trang mạng và công cụ tìm kiếm Google gần như có tất cả, cả thông tin chính xác lẫn bịa đặt. Học sinh bây giờ luôn có sẵn những phương tiện để có thể cập nhật những thông tin, nguy hiểm là trong đó có cả thông tin nguy hại, bóp méo sự thật, xuyên tạc sự kiện lịch sử… Do đó, cần đưa nội dung này một cách đầy đủ hơn vào sách giáo khoa để học sinh hiểu rõ về nguyên nhân, bối cảnh, bản chất của cuộc chiến tranh, để có cái nhìn đúng đắn, toàn diện về lịch sử.

Đồng tình quan điểm này, TS Trịnh Công Lý, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Sóc Trăng, cho rằng Bộ GD&ĐT nên mạnh dạn đưa chương trình cho học sinh phổ thông, vì lịch sử cần rõ ràng, khoa học, cần minh bạch, không né tránh, nếu không dễ dẫn đến tình trạng các thế lực thù địch sẽ lợi dụng để xuyên tạc lịch sử. 

KIỀU GIANG

 

Print
Tags:

Video

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top