Chương trình giáo dục phổ thông mới: Vừa thừa, vừa thiếu giáo viên

VH- Bộ GD&ĐT vừa chính thức công bố Dự thảo chương trình môn học mới từ cấp tiểu học đến THPT. Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới có 20 môn/hoạt động giáo dục. Trong đó, có những môn học bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 như: Tiếng Việt/Ngữ văn, Toán, Giáo dục công dân, Giáo dục thể chất... Dự kiến tháng 4.2018 chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được ban hành.

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Vừa thừa, vừa thiếu giáo viên - Anh 1

 Chương trình GDPT mới sẽ vừa thừa vừa thiếu giáo viên Ảnh: T.L

Nhiều môn học tích hợp

GS. Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình GDPT mới cho biết, các chương trình môn học mới có nội dung gắn với mỗi cấp học và những yêu cầu cần đạt cụ thể (mức độ biểu hiện cụ thể của năng lực cần hướng tới). Chương trình tập trung phát triển năng lực học sinh, trong đó năng lực là sự kết hợp tố chất, phân hóa phát triển kỹ năng của học sinh. Ngay từ lớp 1 trên cơ sở thể lực học sinh được sắp xếp các học phần khác nhau. Chương trình mới cũng thực hiện tích hợp các môn và liên môn. Một số môn học tích hợp mới như môn Lịch sử và Địa lý (cấp THCS), khoa học (cấp tiểu học), khoa học tự nhiên (THCS), giáo dục kinh tế và pháp luật; một số môn học/hoạt động giáo dục lần đầu tiên được đưa vào chương trình dưới hình thức bắt buộc là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, tin học; hay môn học tự chọn ở cấp THPT như môn nghệ thuật… Ngoài ra, các chương trình đều áp dụng phương pháp tổ chức hoạt động. Học sinh thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo sẽ chiếm lĩnh lý thuyết môn học, rèn luyện các kỹ năng phù hợp lứa tuổi, trình độ mỗi lớp....

Được biết, sau khi công bố dự thảo chương trình mới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến nhân dân, hoàn thiện, thẩm định và ban hành chương trình. Sau đó tập huấn cho các đối tượng khác nhau (giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở cơ sở, người biên soạn thẩm định SGK) về chương trình, biên soạn, thực nghiệm SGK theo lộ trình quy định, chỉ đạo triển khai chương trình GDPT mới theo lộ trình... Đại diện Ban soạn thảo cho biết, dự kiến tháng 4.2018 Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Chương trình GDPT mới. Đáng chú ý, về hình thức thi tốt nghiệp THPT, từ nay đến năm 2020 hình thức thi tốt nghiệp được giữ ổn định như hiện nay.

Vừa thiếu vừa thừa giáo viên

20 môn của chương trình lần này phần lớn hướng đến phương pháp dạy học tích cực, chú trọng thực hành, thí nghiệm và đề ra nhiều yêu cầu về điều kiện phòng học, trang thiết bị vật chất. Đặc biệt, một số lượng lớn giáo viên cần phải tập huấn theo phương pháp giảng dạy mới. Các môn học mới cũng đòi hỏi phải bổ sung một số lượng giáo viên mới, trong khi một số giáo viên đang giảng dạy các môn theo chương trình cũ lại trong diện dôi dư. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm học 2016-2017 cả nước có hơn 397.000 giáo viên cấp tiểu học, so với tổng nhu cầu giáo viên cấp này cho chương trình mới là thừa khoảng 4.000- 9.000 GV. Ở cấp THCS, giáo viên hiện cũng thừa khá nhiều so với nhu cầu nhân lực. Năm học 2020- 2021, đội ngũ này dư hơn 6.200 người, các năm học tiếp theo, theo tính toán sơ bộ thừa 12.000 đến hơn 21.000 GV. Cấp THPT với hơn 150.000 GV hiện nay, cả nước sẽ thừa khoảng 8.870 người khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong khi đó, ở một số môn nhất là tiếng Anh và Tin học, giáo viên lại thiếu. Hiện cả nước thiếu khoảng 5.610 giáo viên tiếng Anh, 5.600 giáo viên Tin học. Để đáp ứng chương trình mới, bắt đầu từ năm học 2021-2022 đến 2023-2024, mỗi năm cần tuyển bổ sung khoảng 2.000 giáo viên mỗi môn. Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - Bộ GD&ĐT Hoàng Đức Minh cho biết, từ năm 2019, việc bồi dưỡng giáo viên đại trà sẽ được triển khai cho lớp 1, năm 2020 là lớp 2 và 6; lần lượt như thế đến năm 2023 là hai lớp cuối 5, 12. Theo ông Minh, hình thức đào tạo chủ yếu là qua mạng Internet, thông qua các bài giảng online của thầy cô viết chương trình. Với thời lượng bồi dưỡng quá ngắn, hình thức bồi dưỡng lại không tập trung nên nhiều người lo ngại chất lượng giáo viên sẽ không đảm bảo để giảng dạy các chương trình mới. Về cơ sở vật chất phục vụ chương trình mới, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, việc bổ sung điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu sẽ rải đều đến năm 2023. Chương trình mới cũng được thiết kế để tận dụng tối đa cơ sở hiện có và không gây tăng đột biến... 

Vũ Phượng

 

Ý kiến bạn đọc