Vì sao Bộ GD&ĐT phải nộp lại hơn 50 tỉ đồng?

VH- Kiểm toán Nhà nước vừa kiến nghị Bộ GD&ĐT nộp lại cho Nhà nước hơn 50 tỉ đồng trong việc thực hiện “Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006-2020” (gọi tắt là Đề án 911). Vì sao lại có chuyện “kỳ lạ” đến như vậy?

Vì sao Bộ GD&ĐT phải nộp lại hơn 50 tỉ đồng? - Anh 1

Theo kế hoạch triển khai Đề án 911 của Bộ GD&ĐT, tổng chỉ tiêu đào tạo nghiên cứu sinh của Đề án 911 từ năm 2012-2016 là 12.800 chỉ tiêu (đào tạo tiến sĩ trong nước 5.700 chỉ tiêu, đào tạo tại nước ngoài 5.800 chỉ tiêu, đào tạo phối hợp 1.300 chỉ tiêu). Đến hết năm 2016, tổng số nghiên cứu sinh trúng tuyển thực nhập học các hệ đào tạo là 4.024 nghiên cứu sinh, đạt 31,4% so với chỉ tiêu của đề án tính đến năm 2016 và bằng 17,5% của cả đề án. Số nghiên cứu sinh tốt nghiệp được cấp bằng là 787 người, đạt 6% so với chỉ tiêu của đề án tính đến năm 2016 và bằng 3,4% của cả đề án. 7 nghiên cứu sinh không quay về cơ sở đào tạo, chiếm 1% nghiên cứu sinh tốt nghiệp được cấp bằng.

Về đào tạo tiến sĩ trong nước, tổng số nghiên cứu sinh trúng tuyển đến hết năm 2016 là 2.062 nghiên cứu sinh, đạt 36% so với chỉ tiêu đến năm 2016 và bằng 20,6% của cả đề án. Các con số đó cho thấy, mục tiêu của đề án là từ năm 2010-2016 đào tạo từ 1.000 - 1.200 nghiên cứu sinh/năm với tổng số 5.700 nghiên cứu sinh đào tạo ở trong nước của đề án là không đạt. Đáng chú ý, trong số 549 nghiên cứu sinh tốt nghiệp có 542 người trở về nơi công tác theo quy định, có 7 người phải thực hiện bồi hoàn vì không thực hiện đúng cam kết của người được cử đi học ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, vấn đề sử dụng kinh phí triển khai Đề án 911 có nhiều hạn chế. Tổng kinh phí đề nghị quyết toán của Đề án 911 giai đoạn 2012-2016 là hơn 1.400 tỉ đồng. Tuy nhiên, quá trình triển khai, kinh phí phân bổ qua các năm chưa phù hợp với nhiệm vụ chi, phải hủy dự toán hoặc phải chuyển năm sau để chi, làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Bộ GD&ĐT thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 50 tỉ đồng. Cụ thể, học phí của nghiên cứu sinh tại Cục Hợp tác quốc tế từ năm 2012 đến 30.7.2017 là hơn 50 tỉ đồng, các khoản chi sai chế độ, không đúng quy định hơn 424 triệu đồng, thu hồi kinh phí do nghiên cứu sinh bỏ học hơn 207 triệu đồng.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT phải hủy dự toán nguồn kinh phí đề án hơn 2,8 tỉ đồng và giảm kinh phí quyết toán năm 2016 hơn 48 triệu đồng. Đối với các bộ, ngành kiểm tra đối chiếu tổng số xử lý tài chính là hơn 6,3 tỉ đồng.

 ​“Còn phải xin ý kiến cấp trên”

Trong các ngày từ 9-11.1, phóng viên Văn Hóa đã cố gắng liên lạc với lãnh đạo Bộ GD&ĐT và một số đơn vị chức năng thuộc Bộ để tìm câu trả lời cho vấn đề trên nhưng không nhận được hồi âm. Tới sáng hôm qua 11.1 mới liên lạc được với ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế- Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên ông Hưng đã từ chối trả lời các câu hỏi của Văn Hóa với lý do “còn phải xin ý kiến cấp trên”.

Quốc Hùng

 

Ý kiến bạn đọc