VỀ VIỆC “HỌC SINH KHÔNG CÓ THỜI GIAN ĐỂ… NGỦ”: Làm gì để hết áp lực bài vở?

VH- Liên quan đến việc “Học sinh không có thời gian để… ngủ” phản ánh xung quanh một nghiên cứu “Vấn đề thiếu ngủ của học sinh THPT tại TP.HCM” của hai nữ sinh Trường THPT Gia Định tại vòng chung kết cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp TP năm học 2017-2018, nhiều chuyên gia, giáo viên đã có ý kiến về vấn đề này.

VỀ VIỆC “HỌC SINH KHÔNG CÓ THỜI GIAN ĐỂ… NGỦ”: Làm gì để hết áp lực bài vở? - Anh 1

Áp lực học hành là nguyên nhân chính khiến học sinh thiếu ngủ, thậm chí trầm cảm Ảnh: T.TRANG

Nên hạn chế giao bài tập về nhà

Đa phần tôi thấy học sinh hiện nay thiếu ngủ nhiều. Thứ nhất là do lượng bài tập giao về nhà rất nhiều môn, nhiều thứ xuyên suốt cả quá trình học như vậy khiến các em phải liên tục cố gắng hoàn thành, đặc biệt là giai đoạn thi cử. Bên cạnh đó nguyên nhân còn đến từ phía bản thân học sinh và gia đình quá kỳ vọng vào kết quả học tập nên khiến học sinh áp lực lớn. Từ áp lực này, nhiều học sinh buộc phải đi học thêm rồi về làm bài cho đến tận khuya. Bên cạnh hoạt động học tập thì các em thức khuya còn do dành nhiều thời gian cho việc sử dụng mạng xã hội. Qua quan sát tôi thấy nhiều học sinh online rất khuya nên thời gian ngủ nghỉ ít. Vì vậy khi vào lớp, dù bản thân giáo viên cố gắng dạy cho sinh động nhưng vẫn nhìn thấy những cái ngáp dài của học sinh ngồi bên dưới, điều này là một thực tế có thật. Bản thân tôi là giáo viên cũng hay để ý, thấy em nào có biểu hiện buồn ngủ nhiều trong lớp, ban đầu sợ các em sử dụng chất kích thích hay gây nghiện nhưng sau đó tìm hiểu biết được là do áp lực bài vở nên các em mới như vậy. Khi đó các giáo viên có gọi điện thoại cho phụ huynh để cân đối giờ học, giảm học thêm để các em tự học, tạo điều kiện để các em tham gia hoạt động thể dục thể thao… Tôi cho rằng giáo viên nên hạn chế giao bài tập về nhà cho học sinh vì phải thông cảm các em học rất nhiều môn, nên cần tránh bắt học thuộc lòng quá nhiều, vì học là để hiểu chứ không phải học để thuộc. Bên cạnh đó cần định hướng học sinh sử dụng mạng xã hội thông minh và hợp lý. (Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A9, Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM)

Thiếu ngủ có thể dẫn đến trầm cảm

Khi học bài chưa thuộc các học sinh có xu hướng cứ học mãi nhưng kiểu học “nhồi sọ” sẽ không thể nhớ bài, trong khi sáng ra các học sinh đi học trên lớp cũng tiếp thu không hiệu quả, thành ra tâm lý lo lắng, cứ cố gắng, tạo ra cho mình vòng lẩn quẩn, đi đâu, làm gì cũng không yên tâm, vì mất cân bằng tinh thần và thể chất như vậy đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng, gây cho các em mất định hướng, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến stress, trầm cảm.

Thường thì trong khoảng thời gian từ 11 giờ tối đến 3 giờ sáng là thời điểm rất quan trọng để cho các cơ quan trong cơ thể mỗi người tái tạo, chuyển hóa, tổng hợp chất cần thiết để cơ thể hoạt động, phát triển. Nếu như bỏ qua giai đoạn này hoặc ngủ không đủ giấc sẽ vô tình phá hoại quá trình làm việc của bộ não, từ từ trở nên làm việc không hiệu quả. Do đó mỗi học sinh cần ngủ muộn nhất là 11 giờ khuya. Buổi sáng nếu phải đi học xa hoặc cần học bài thì nên dậy khoảng 4 giờ 30, buổi trưa phải chợp mắt khoảng 30 phút để lấy lại năng lượng làm việc cho buổi chiều và tối. Những tế bào khác trong cơ thể thì có thể phục hồi lại được, còn tế bào não khi làm việc quá sức hay thức khuya lâu ngày sẽ bị mất đi nhưng không tái sinh lại được, vì thế phải ngủ đủ giấc để đảm bảo cho tế bào não hoạt động tốt. (Bác sĩ Hồ Mộng Tuyền, Khoa Nội tổng quát, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, TP.HCM)

Đề tài của các học sinh cần được nghiên cứu thêm

Đề tài của các em học sinh tuy chưa phải là nghiên cứu quy mô và có độ tin cậy cao, cần phải được nghiên cứu thêm để có cái nhìn toàn diện, xem đây có phải là tình trạng chung của hầu hết các học sinh hiện nay hay không. Song thông qua đó, các ban ngành có liên quan cũng như nhà trường và gia đình cần nhìn lại, quan tâm nhiều hơn đến các học sinh, định hướng để các em có phương pháp học tập và nghỉ ngơi hợp lý. (TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trưởng bộ môn Tâm lý học ứng dụng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

THÙY TRANG (ghi)

 

Ý kiến bạn đọc