Chưa có bộ tài liệu chuẩn về giáo dục gia đình trong trường học

VH- Ngày 20.12, tại TP.HCM, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về nội dung, phương pháp tuyên truyền, giáo dục chuyển đổi hành vi xây dựng gia đình và phòng chống bạo lực gia đình cho người học, với sự tham dự của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Theo ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Đà Nẵng, hiện nay có rất nhiều tài liệu tham khảo về công tác gia đình nhưng chưa có bộ tài liệu nào chuẩn để dùng cho việc dạy học trong nhà trường, do vậy rất cần thiết có bộ tài liệu công cụ cô đọng kiến thức để giáo dục học sinh. Đồng quan điểm này, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó trưởng phòng GD&ĐT Gò Vấp, TP.HCM cho rằng, việc giáo dục hành vi đạo đức cho học sinh là vấn đề rất quan trọng, do vậy cần đưa nội dung này vào nhà trường xuyên suốt từ phổ thông đến đại học để tất cả học sinh, sinh viên cùng được học. “Tôi nghĩ rằng không chỉ học sinh mà đối tượng sinh viên cũng cần được học, vì không chỉ với vai trò là đứa con trong gia đình mà các em có thể trở thành những người cha, người mẹ rất gần trong tương lai”, ông Thanh đề nghị. Ông Trịnh Vĩnh Thanh cũng cho rằng, chương trình giảng dạy cần được đầu tư chỉn chu và nghiêm túc, bên cạnh dạy trong trường thì cần tổ chức thêm chuyên đề, ngoại khóa, mời báo cáo viên về giảng…, nội dung chương trình cần chắt lọc, tránh hời hợt và cũng tránh đưa nhồi nhét quá nhiều nội dung sẽ gây quá tải.

Các đại biểu cho rằng, sắp tới đây khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT cần thiết đưa các nội dung về giáo dục gia đình vào sách giáo khoa, vào chương trình chính khóa của các môn Đạo đức và Giáo dục công dân, có như vậy việc giáo dục về gia đình mới mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó lãnh đạo các trường cũng đề nghị cần thiết phải có nội dung phối hợp với phụ huynh học sinh trong việc giáo dục con em, các gia đình phải nêu gương, gần gũi, dạy dỗ, đôn đốc con cái.

Chưa có bộ tài liệu chuẩn về giáo dục gia đình trong trường học - Anh 1

 Với việc lồng ghép truyền thống gia đình trong môn Giáo dục công dân, giờ dạy của thầy giáo Trần Tuấn Anh, Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP.HCM luôn được học sinh hào hứng vì mang giá trị giáo dục cao

Trả lời các nội dung này, ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT cho rằng, thời lượng dành cho các các môn Đạo đức và Giáo dục công dân ở chương trình phổ thông hiện hành cũng như chương trình giáo dục phổ thông mới đã hàm chứa rất nhiều nội dung, mà nội dung nào cũng cần thiết, riêng nội dung pháp luật đã có gần 20 điều luật, nếu như đưa thêm phần giáo dục gia đình vào thì sẽ phải “đẩy” đi nội dung khác, do đó có thể nghiên cứu để đưa nội dung này vào Hoạt động giáo dục theo chương trình phổ thông mới.

Theo ông Dương Văn Bá, từ năm 2013 Chính phủ đã có chương trình về công tác gia đình, giao Bộ VHTTDL là cơ quan thường trực chủ trì để triển khai đến các ngành, các cấp. Riêng Bộ GD&ĐT xây dựng Đề án giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng chống bạo lực gia đình đến năm 2020, nhằm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc để bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam theo định hướng của Bộ VHTTDL chủ trì. Do vậy, đến nay Bộ GD&ĐT đang “nợ” việc xây dựng bộ tài liệu về xây dựng gia đình dùng cho các bậc học. Do đó trên cơ sở ghi nhận ý kiến, trong năm 2018 Bộ GD&ĐT sẽ hoàn chỉnh bộ tài liệu tham khảo về các vấn đề liên quan đến giáo dục gia đình, phòng chống bạo lực gia đình để dạy học trong nhà trường.

Theo đó, bộ tài liệu dự kiến bao gồm các phần: cụm các kiến thức liên quan đến gia đình (Luật Hôn nhân gia đình, Luật Trẻ em…); cụm các mối quan hệ trong gia đình; cụm nội dung giáo dục kỹ năng cho học sinh trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc; cụm nội dung về kiến thức và kỹ năng phòng chống bạo lực gia đình… Trên cơ sở khung chương trình chung, tùy theo từng cấp học điều chỉnh những nội dung giáo dục cho phù hợp với từng đối tượng, vùng miền. Bên cạnh đó cũng sẽ nghiên cứu những nội dung liên quan để gắn kết và nâng cao hơn nữa vai trò của các cha mẹ học sinh trong việc cùng với nhà trường giáo dục học sinh. Đại diện Bộ GD&ĐT cũng cho biết đây chỉ là bộ tài liệu chuẩn dùng để tham khảo và giảng dạy chứ không phải là giáo trình hay sách giáo khoa. Bộ GD&ĐT mong muốn thông qua bộ tài liệu sẽ cung cấp kiến thức và kỹ năng cho học sinh trong các bài giảng để các em nhận thức tầm quan trọng của gia đình, qua đó cảm nhận và thay đổi hành vi, góp phần xây dựng và giữ gìn gia đình hiện tại và gia đình trong tương lai ấm no hạnh phúc.

Thùy Trang

 

Ý kiến bạn đọc