Giáo viên tư vấn nói... nhiều quá!

VH- Tư vấn học đường là hoạt động cần thiết nhằm hỗ trợ học sinh giải quyết những khó khăn trong đời sống tâm lý, đồng thời giúp phòng ngừa tác động tiêu cực có thể gây ảnh hưởng đến đời sống và học tập của học sinh, tuy nhiên, công tác này hiện nay còn nhiều khó khăn, tại nhiều địa phương, hoạt động này còn mang tính tự phát và hình thức.

Đó là một trong những nhận định về công tác tham vấn học đường tại Hội thảo khoa học “Phát triển mô hình tham vấn học đường ở trường phổ thông” do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức vào hôm qua 19.12.

Học sinh ít chịu tâm sự với cha mẹ và thầy cô

ThS Nguyễn Văn Hồng, Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, kết quả nghiên cứu một đề tài cấp tỉnh về sức khỏe tâm lý, tâm thần của học sinh THCS tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gần đây cho biết, có trên 19% học sinh THCS được điều tra có biểu hiện rối loạn về sức khỏe tâm thần, trên 13% học sinh có biểu hiện trầm cảm và 13% học sinh có biểu hiện rối loạn lo âu, đặc biệt là lệch lạc về cảm xúc và hành vi, rối loạn ứng xử, xung đột bạo lực… Theo đánh giá của Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khi có sự tác động của mô hình chăm sóc sức khỏe tâm lý, tâm thần trong nhà trường, học sinh được giải quyết các vần đề rối loạn tâm lý, tâm thần tốt hơn. Tuy nhiên hoạt động này trên địa bàn tỉnh còn mang tính hình thức và tự phát.

Theo các đại biểu, thách thức lớn nhất đối với công tác tư vấn học đường là chưa có văn bản quy định riêng của Bộ GD&ĐT, đội ngũ giáo viên chuyên trách quá ít, chủ yếu là giáo viên kiêm nhiệm, cơ sở vật chất phòng tư vấn chưa đáp ứng được tính riêng tư… Ghi nhận từ báo cáo của các Sở GD&ĐT các tỉnh cho biết, tỷ lệ các trường có phòng tư vấn riêng là khá thấp, chiếm chỉ từ 1/4 đến 1/3 trong tổng thể. Do hoạt động còn nặng về hình thức, nên chưa thu hút học sinh. “Các em ngại đến phòng tư vấn tâm lý do sợ các bạn nghĩ đến đây là có vấn đề, sợ bí mật riêng tư bị tiết lộ. Vì thế mỗi khi có sự cố tâm lý thường vào các diễn đàn, mạng xã hội bộc lộ, giải tỏa với bạn bè chứ không chia sẻ với gia đình và thầy cô”, ThS Nguyễn Văn Hồng cho biết.

Giáo viên tư vấn nói... nhiều quá! - Anh 1

Một buổi trao đổi với các phụ huynh về phương pháp giáo dục học sinh tại Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM

TS Nguyễn Thị Hằng Phương, Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng đã tiến hành khảo sát ngẫu nhiên trên 405 phụ huynh học sinh có con trong độ tuổi từ 2-19 trên địa bàn TP Đà Nẵng. Kết quả cho thấy có trên 76% phụ huynh nhận định học sinh có vấn đề liên quan đến học tập, như học kém, không làm bài tập; trên 84% phụ huynh đánh giá học sinh gặp rắc rối liên quan đến không hiểu bài; chỉ trên 69% phụ huynh cho rằng học sinh gặp mâu thuẫn với bạn bè; trên 56% phụ huynh cho rằng học sinh có nguy cơ bị bạo hành ở trường học; gần 58% học sinh thường buồn chán, tủi thân. Đáng lưu ý, có trên 73% phụ huynh khẳng định học sinh gặp khó khăn trong chia sẻ tâm tình với cha mẹ; 71% phụ huynh nói rằng con mình không định hướng được tương lai…

Giáo viên áp đặt với học sinh

Theo TS Nguyễn Thị Bích Hồng, Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận thấy sự cần thiết của giáo viên tư vấn tâm lý học đường, nên từ năm học 2012-2013, các trường phổ thông tại TP.HCM đã nhanh chóng tuyển giáo viên làm công tác tham vấn học đường, tuy nhiên, không phải trường nào cũng có điều kiện tuyển dụng chuyên trách, nên phải bố trí giáo viên kiêm nhiệm, họ có thể là các giáo viên bộ môn, giám thị hoặc trợ lý công tác thanh niên, thậm chí có cả nhân viên thủ thư… Như vậy, lực lượng này chưa qua đào tạo bài bản, chính vì thế khó có thể đảm nhiệm việc tư vấn một cách hiệu quả. “Không chỉ là giáo viên kiêm nhiệm, ngay cả giáo viên được cấp chứng chỉ Kỹ năng tham vấn học đường cũng chưa đạt kỹ năng tham vấn. Kết quả phân tích cho thấy nhiều học viên vướng phải những sai sót trong quá trình tham vấn như thường đặt câu hỏi đóng, vội đưa ra lời khuyên khi thân chủ có những phát biểu tiêu cực, đặt câu hỏi mang tính áp đặt… Khi các học viên này về làm việc tại trường, chúng tôi thường bị ban giám hiệu phàn nàn là giáo viên tham vấn nói nhiều quá, học sinh chỉ ngồi nghe, do vậy để hoạt động tham vấn được khoa học và hiệu quả thì giáo viên cần được đào tạo bài bản, bồi dưỡng chuyên sâu”, TS Hồng cho hay.

Theo các chuyên gia, nguồn nhân lực đang làm công tác tư vấn học đường khá đa dạng về chuyên ngành đào tạo như Tâm lý học, Công tác xã hội, Sư phạm…, nên cần được phân loại theo chuyên môn tham vấn, đồng thời có những phương án bồi dưỡng phù hợp cho từng đối tượng. Bên cạnh đó, hiện trên địa bàn TP.HCM có nhiều trường ĐH, trung tâm đào tạo, công ty tư nhân có khả năng tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác tư vấn tâm lý, dù hoạt động trong những hệ thống đào tạo khác nhau, nhưng các cơ sở đào tạo này nên xây dựng chương trình đào tạo thống nhất, hoặc nên liên kết với nhau để việc đào tạo bồi dưỡng đạt chất lượng hơn, chương trình đào tạo cần đáp ứng nhu cầu thực tế, tránh việc mỗi nơi đào tạo một kiểu.

Thùy Trang

 

Ý kiến bạn đọc