Hàng nghìn sinh viên bị buộc thôi học: Ý thức học tập kém và còn gì nữa?

VH- Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vừa công bố danh sách 968 sinh viên bị cảnh báo học vụ và buộc thôi học.

Cùng thời điểm này, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cũng vừa quyết định xóa tên khỏi danh sách 260 sinh viên sau khi kết thúc năm học 2016-2017 vì kết quả học tập yếu kém. Trước đó, ở nhiều trường ĐH, số lượng sinh viên bị cảnh báo học vụ và buộc thôi học lên đến hàng nghìn trường hợp mỗi năm...
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM vừa ra quyết định cảnh báo học vụ và buộc thôi học hơn 600 sinh viên sau khi kết thúc năm học 2016-2017, trong số này có hơn 30 trường hợp bị buộc thôi học. Gần 600 sinh viên bị cảnh báo học vụ lần này là những sinh viên có điểm trung bình học kỳ dưới 2.0 trên thang điểm 4.0 (học kỳ đầu tiên) và dưới 2.5/4.0 điểm (các học kỳ tiếp theo). Theo quy định của trường, các sinh viên nếu bị cảnh báo học vụ 3 lần liên tiếp sẽ bị buộc thôi học. Tương tự, mới đây, vào đầu tháng 11.2017, Trường ĐH Luật TP.HCM đã công bố danh sách 230 sinh viên dự kiến bị cảnh báo học vụ, đình chỉ học tập 1 năm và buộc thuộc học vì kết quả học tập yếu kém.
Nhà trường dùng đủ cách nhưng không có tác dụng
Trước đó, nhiều trường ĐH khác cũng công bố danh sách hàng nghìn sinh viên bị kỷ luật cũng với vi phạm tương tự vậy. Trường ĐH Nông lâm TP.HCM ra quyết định buộc thôi học gần 950 sinh viên hệ ĐH, CĐ bởi nhiều lý do như vi phạm kỷ luật, bị cảnh cáo học vụ, không đăng ký môn học; Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng có hơn 1.000 sinh viên bị buộc thôi học và từng ấy sinh viên bị cảnh báo học vụ mỗi năm vì những lý do như các trường khác. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết có hơn 100 sinh viên tự ý bỏ học, nên điểm trung bình chung tích lũy bằng 0. Trường ĐH Tây Nguyên cũng cho biết mỗi năm có hơn 400 trường hợp bị buộc thôi học. Mới đây, trong một buổi tư vấn tuyển sinh, ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết mỗi năm nhà trường phải buộc thôi học khoảng 700 sinh viên. 

Phân tích các trường hợp vi phạm quy chế học vụ tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, đa số sinh viên bị đuổi học đều dính vào việc bán hàng đa cấp. Trường chưa tiến hành khảo sát để có số liệu chính xác nhưng qua nhận định trên các diễn đàn cho thấy tình trạng này chiếm số lượng không nhỏ. Một số trường hợp khác còn do các sinh viên bị nhiễm thói hư tật xấu như nhậu nhẹt, cờ bạc, chơi game, cá độ bóng đá...

Theo ông Huỳnh Công Ba, Trưởng phòng Công tác chính trị-HSSV, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, việc cảnh báo kết quả học tập được thực hiện theo từng học kỳ, dựa trên điểm trung bình chung tích lũy, nhằm giúp sinh viên có kết quả học tập kém biết và lập phương án học tập thích hợp để có thể tốt nghiệp trong thời hạn tối đa được phép theo học chương trình. Ông Ba cũng nói thêm qua tìm hiểu lý do cho biết phần lớn SV vắng mặt hoặc bỏ học thời gian dài dẫn đến điểm trung bình bằng 0 là vì các sinh viên này đã đăng ký vào một trường ĐH, CĐ khác, đó có thể là do sức học yếu nên không theo kịp ngành. Bên cạnh đó có khá nhiều sinh viên thuộc hệ cử tuyển có sức học kém không theo kịp…
Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Vui, Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên, trước khi buộc thôi học, các sinh viên này đã được nhà trường dùng đủ cách, từ nhắc nhở, đến cảnh báo lần thứ 2, cảnh báo 3 lần liên tục nhưng đều không có tác dụng, buộc thôi học chỉ là biện pháp cuối cùng. PGS.TS Nguyễn Tấn Vui cho biết thêm, năm nào số lượng sinh viên vi phạm quy chế học vụ của trường cũng tương đương như vậy, đặc biệt là rơi vào sinh viên năm 1 và 2. Trước khi vào học, nhà trường đã phổ biến rất kỹ quy chế nhưng các sinh viên này không quan tâm, rất chủ quan nên dẫn đến vi phạm.
Nhiều cha mẹ khóc lóc "cứu con em"
Phân tích các trường hợp vi phạm quy chế học vụ tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, đa số sinh viên bị đuổi học đều dính vào việc bán hàng đa cấp. Trường chưa tiến hành khảo sát để có số liệu chính xác nhưng qua nhận định trên các diễn đàn cho thấy tình trạng này chiếm số lượng không nhỏ. Một số trường hợp khác còn do các sinh viên bị nhiễm thói hư tật xấu như nhậu nhẹt, cờ bạc, chơi game, cá độ bóng đá. Yếu tố nữa là hiện nay công tác hướng nghiệp kém, nhiều sinh viên hiểu biết về ngành nghề hời hợt, khi vào trường tiếp xúc môi trường ĐH không hòa nhập được với phương pháp giảng dạy mới, lúc này nhận ra đã chọn sai ngành. Trong khi đó, quy chế hiện nay ép sinh viên đã vào học ngành nào thì ra ngành nấy, chỉ được học thêm ngành 2 chứ không được đổi ngành dẫn đến các em học không nỗi hoặc chán học, kết quả học tập vì thế không đạt.
“Nhiều sinh viên rất lười học và ý thức học tập kém. Có nhiều em còn khai số điện thoại cha mẹ giả mạo, vì thế khi nhà trường cảnh báo học vụ lần 1, lần 2, gửi tin nhắn qua điện thoại nhưng cha mẹ không nhận được, đến lần thứ 3 thì có quyết định cho thôi học và gửi thư về địa phương thì lúc này gia đình mới tá hỏa. Nhiều cha mẹ khi hay con bị đuổi học đã lên trường, đến trước cửa hiệu trưởng nhà trường khóc lóc cho hay gia đình không biết, nhờ trường cứu con em mình”, PGS. TS Đỗ Văn Dũng cho hay. PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết để tạo cơ hội cho các sinh viên bị buộc cho thôi học, nếu vì lý do học lực có thể xin chuyển sang chương trình đào tạo ở trình độ thấp hơn như: bậc ĐH vừa làm vừa học, bậc CĐ chính quy...
ThS Nguyễn Thanh Tùng, Phó trưởng phòng, phụ trách Phòng Đào tạo Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cho biết, trong số 260 sinh viên bị xóa tên khỏi danh sách vừa qua, có sinh viên đã lên trường trình bày hoàn cảnh đã được nhà trường xem xét cho tiếp tục học tiếp với cam kết sẽ điều chỉnh thái độ học tập tốt. PGS.TS Nguyễn Tấn Vui cũng cho biết sau khi công bố danh sách sinh viên vi phạm, nhà trường vẫn xem xét các trường hợp có cam kết của gia đình, tùy từng trường hợp cụ thể mới buộc thôi học vĩnh viễn, vì quan điểm của nhà trường là không muốn các em rời khỏi ghế nhà trường, nếu ra ngoài xã hội đôi khi sa ngã.

ĐH Bách khoa Hà Nội buộc thôi học trên 700 sinh viên/năm
PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội vừa cho biết, mỗi năm nhà trường phải buộc thôi học trên 700 sinh viên. Phần lớn những sinh viên bị nhà trường buộc thôi học là do ý thức học tập kém. “Chủ yếu là do các em mải chơi chứ không phải do chương trình học quá khó. Nhiều sinh viên chơi điện tử và đủ thứ trò, không tập trung vào việc học hành, chứ nếu cố gắng thì tôi nghĩ không em nào không qua được cả”, ông Tớp nói.

Q.H



Thùy Trang

Ý kiến bạn đọc