Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Từ vụ 231 cái tát: Trường chuẩn trước tiên thầy phải đạt chuẩn đạo đức

Thứ Năm 29/11/2018 | 08:52 GMT+7

VHO- “Chuẩn giả” trong giáo dục là vấn đề nhức nhối, vụ cô giáo yêu cầu tát học sinh 230 cái được xem như cái tát vào chính căn bệnh thành tích ngành này.

Những ngày gần đây, vụ cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy trường THCS xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đã yêu cầu 23 học sinh trong lớp tát một học sinh 230 cái tát; Cô Hiệu trưởng thì muốn "dìm" chuyện này vì trường sắp nhận danh hiệu đạt chuẩn quốc gia khiến dư luận không khỏi bức xúc xen lẫn lo ngại lớn về bệnh thành tích trong giáo dục.

Việc cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy yêu cầu tát học sinh 230 cái là biểu hiện của bệnh thành tích trong giáo dục. (Ảnh: KT)

Thực tế bệnh thành tích trong giáo dục là vấn đề không mới nhưng vẫn luôn là nỗi lo của toàn xã hội, bởi lẽ nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc giáo dục con người. Trong kỳ họp quốc hội diễn ra hồi đầu tháng 6 năm nay, khi chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cũng đã đặt ra câu hỏi: “Chuẩn giả trong giáo dục, trường đạt chuẩn, giáo viên đạt chuẩn nhưng thực tế không đạt. Các địa phương nợ chuẩn, Bộ có biết không”? Đại biểu này cho rằng, “chuẩn giả” trong giáo dục không chỉ gắn riêng với vùng nào mà là thực tế đang diễn ra tại nhiều địa phương.

Căn bệnh thành tích len lỏi vào nhiều trường học là điều được nói đến nhiều, ai cũng biết, nhưng mức độ nguy hiểm đến đâu thì chỉ khi những sự việc đã rồi, mới có thể hình dung hết. Thực tế cho thấy, không ai khác, học sinh là đối tượng trực tiếp phải gánh chịu hậu quả của căn bệnh này.

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội khuyến học Việt Nam bức xúc cho rằng 231 cái tát mà học sinh phải gánh chịu thực tế là cái tát vào căn bệnh thành tích và những bê bối liên tiếp của ngành giáo dục.

“Hiệu trưởng lên tiếng xin đừng làm to chuyện vì sợ ảnh hưởng đến việc thi đua. Tôi cho rằng những tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia mà Bộ đưa ra trong đó có giáo viên phải đạt chuẩn đào tạo, nhà trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, học sinh chuẩn… Nhưng cơ bản nhất là tư duy có chuẩn hay không. Không thể vì thành tích của nhà trường mà che giấu đi những việc làm như vậy. Xét ra nhiều nhà trường hiện nay chưa đạt chuẩn, đặc biệt là chuẩn về đạo đức nhà giáo. Trong vụ việc này, tôi cho rằng không thể để những sai phạm của nhà trường ngoài lề pháp luật”.

Theo GS Phạm Tất Dong, vụ việc này cho thấy những biến tướng, hậu quả nghiêm trọng của bệnh thành tích.

“Vì bệnh thành tích mà lâu nay người ta vẫn che giấu đi nhiều vấn đề, từ chuyện tiền nong, đào tạo, bồi dưỡng, chất lượng giáo viên, trình độ giáo viên. Hiện nay tiêu chuẩn của Bộ đưa ra vẫn là trường đạt chuẩn thì cần có bao nhiêu giáo viên đạt trình độ thạc sỹ, bao nhiêu tiến sĩ, nhưng vấn đề quan trọng nhất là những người thầy ấy có thực sự là thầy, có đạo đức hay không mới quan trọng.

Bệnh thành tích biểu hiện ở nhiều vấn đề từ thi cử, học phí, phụ phí, nhà nước bị che giấu bởi những lời nói dối và thổi phồng thành tích. Cuối năm có những báo cáo đưa lên, nhưng là người trong cuộc thì thấy các vị vẫn luôn tô hồng cho đẹp báo cáo.

Một nhà trường có đạt chuẩn hay không thì cần xem phụ huynh có muốn gửi con vào đó hay không. Nếu như phụ huynh cho con đi học nhưng vẫn nơm nớp lo sợ về bạo lực giữa học sinh với nhau, bạo lực từ phía giáo viên thì chưa chuẩn”.

GS Phạm Tất Dong cho rằng việc xét trường chuẩn quốc gia hiện nay cần phải rà soát, trường đạt chuẩn trước tiên phải có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, trường học có thực sự thân thiện với học sinh hay không.

Còn theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, sự việc này thực sự nghiêm trọng, cần xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Theo nguyên thứ trưởng Bộ GD&ĐT, việc đặt ra những tiêu chí để xét trường đạt chuẩn quốc gia về bản chất để các trường hoàn thiện, phấn đấu, bổ sung những điểm thiếu sót, nhưng thực tế nhiều nơi lại vì thế mà lấp liếm những sai phạm, những điều chưa chuẩn.

“Trường muốn đạt chuẩn thì trước tiên phải nghiêm trị những trường hợp như vậy. Nếu có được công nhận, thì đây cũng chỉ là danh hiệu giả dối chứ không có giá trị thực chất. Điều quan trọng đầu tiên trong giáo dục là lòng trung thực. Người đứng đầu cần hết sức trung thực, như vậy những người cấp dưới mới có thể noi theo”.

“Từ lâu nay chúng ta cương quyết chống bệnh thành tích, nhưng chống bệnh thành tích phải đi từ việc xét thành tích. Xét thành tích một cá nhân, tập thể phải rõ ràng, có tiêu chuẩn thực chứ không phải mang tính hình thức để dẫn đến những hậu quả đau lòng. Tôi cho rằng không nên giao thành tích xa vời với những thực tế của từng đơn vị. Xét thi đua là phải căn cứ vào đặc điểm, tình hình của mỗi đơn vị, mỗi cá nhân để thấy được sự cố gắng, đóng góp. Việc lập lại kỷ cương, nền nếp trong đánh giá, xếp loại và thi đua trong ngành giáo dục cần hướng tớ chất lượng của cả thầy và trò.

Muốn xem xét thành tích phải khảo sát chặt chẽ. Từng hành động qua một quá trình chứ như kiểu đánh giá giáo viên, chuẩn hiệu trường hiện nay cũng phần nhiều là xuất sắc hoặc khá, gần như không có giáo viên xếp loại trung bình là không ổn”, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ lo ngại.

Theo VOV.vn

Print

Video

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top