Thực hiện quy định pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo: Đồng bộ giải pháp, nâng cao hiệu quả thực thi

VHO- Trước thực trạng thực hiện các quy định pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo còn có những bất cập, vấn nạn mê tín dị đoan ngày càng diễn biến phức tạp, đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước phải thích ứng nhanh để có các giải pháp phù hợp.

Thực hiện quy định pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo: Đồng bộ giải pháp, nâng cao hiệu quả thực thi - Anh 1

 Cần đồng bộ các giải pháp quản lý, đẩy lùi những hiện tượng mê tín dị đoan. Ảnh minh họa

Đặc biệt, cần có sự đồng bộ từ nhận thức đến hành động, từ đó ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng mê tín dị đoan và vấn nạn cuồng tín trong đời sống xã hội.

Cần những chế tài đủ sức răn đe

Các hoạt động truyền bá mê tín dị đoan đang ngày càng phổ biến và tạo nên nhiều hệ lụy tiêu cực. Tuy đây là vấn đề không mới nhưng luôn đặt ra yêu cầu cần có giải pháp đẩy lùi. Hoạt động này thường “núp bóng” tín ngưỡng, tôn giáo, gây nên nhiều nguy hại như việc chữa bệnh bằng hành vi phản khoa học; gây mâu thuẫn trong gia đình, dòng tộc, xung đột cộng đồng; xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống; ảnh hưởng đến khối đoàn kết dân tộc và trật tự, an toàn xã hội. Nhiều thầy cúng, thầy bói xây dựng “điện thờ tư gia”, tụ tập đông người; nhiều tổ chức, cá nhân cầu cúng mang tính “buôn thần bán thánh”; việc dâng sao giải hạn bị thương mại hóa; việc lạm dụng đốt vàng mã gây tốn kém, mất an toàn, gây phản cảm...

Ban Tôn giáo Chính phủ lưu ý, bên cạnh những hiện tượng nêu trên, mê tín dị đoan trên không gian mạng cũng ngày càng phổ biến. Thực trạng đó đòi hỏi công tác quản lý nhà nước phải có sự thích ứng kịp thời. Khi hoạt động mê tín dị đoan ngày càng biến đổi theo chiều hướng tinh vi, thích ứng nhanh với thời đại công nghệ số và sự phát triển của xã hội thì công tác quản lý nhà nước cũng phải kịp thời, phù hợp, từ việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đến điều chỉnh phạm vi, nội dung, phương thức quản lý...

“Để xử lý và đẩy lùi hiện tượng này thì biện pháp đầu tiên vẫn là thực hiện triệt để những chế tài xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm các hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung. Song song còn là việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, việc áp dụng các hình thức xử phạt chính đôi khi không có sức răn đe, không hiệu quả bằng hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng văn bản chấp thuận hoạt động, đình chỉ hoạt động có thời hạn hay khắc phục hậu quả như buộc xin lỗi công khai, buộc thu hồi, tiêu hủy, gỡ bỏ tài liệu, hình ảnh có liên quan…”, đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, công tác phát hiện, ngăn chặn hoạt động mê tín dị đoan thời gian qua cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như: nhận thức chưa rõ ràng, thống nhất; chế tài điều chỉnh trực tiếp hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật nói chung, hoạt động mê tín dị đoan nói riêng còn thiếu, chưa đủ sức răn đe. Công tác quản lý nhà nước liên quan đến tín ngưỡng còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy, ngại va chạm khi xử lý các vấn đề, vụ việc liên quan,...

Luật Di sản văn hóa đã có quy định cấm hoạt động mê tín dị đoan, ngoài ra có các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến tín ngưỡng, trong đó có quy định xử phạt hành vi mê tín dị đoan. Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo gồm những điều khoản khá cụ thể, từ xử phạt việc tham gia đến tổ chức hoạt động mê tín dị đoan... Bộ Luật hình sự cũng có những quy định về tội hành nghề mê tín, dị đoan; tội lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Chế tài đã có nhưng việc tổ chức thực hiện vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, thực tế cũng cho thấy nhiều mức phạt còn chưa đủ sức răn đe. Nhiều người chấp nhận bị phạt để rồi tiếp tục vi phạm, điều này không hiếm gặp và cho thấy cần có thêm những chế tài xử phạt hiệu quả.

Tăng cường các giải pháp đồng bộ

Ban Tôn giáo Chính phủ nhấn mạnh, Nhà nước luôn tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng của mỗi cá nhân. Đồng thời, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đều kiên quyết bài trừ các hiện tượng, việc hành nghề mê tín dị đoan cũng như những biến tướng nặng nề dẫn đến vấn nạn cuồng tín, gây tác động tiêu cực trong xã hội.

Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay cũng cho thấy công tác quản lý ở lĩnh vực này cần phải có sự thích ứng nhanh. Trên thực tế, đang có nhiều khó khăn do thể chế, quy định pháp luật chưa toàn diện. Quy định về các hành vi được xem là mê tín dị đoan chưa có. Pháp luật quy định về mê tín dị đoan cũng chỉ chung chung. Trên 95% người dân hiện nay có tín ngưỡng và niềm tin tín ngưỡng là quyền tự do của mỗi người. Điều chỉnh hành vi thực hành tín ngưỡng đã có những quy định của pháp luật, để xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng thì cần có chế tài đủ sức răn đe và đội ngũ quản lý phải đủ lớn, đủ mạnh. Cùng với đó, cơ chế phối hợp cần nhịp nhàng, đồng bộ để có sự thống nhất trong ứng xử với các hiện tượng này.

Mặt khác, trước thực tế vấn nạn mê tín dị đoan lan tràn trên mạng xã hội, nhà quản lý cho rằng cần tăng cường chia sẻ, cung cấp thông tin giúp các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan dù trong bất cứ không gian, nền tảng nào. Các Ban, Bộ, ngành và địa phương cần tăng cường quản lý, định hướng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là trên không gian mạng, không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tuyên truyền mê tín dị đoan.

Ban Tôn giáo Chính phủ thời gian qua đã triển khai hiệu quả Luật Tín ngưỡng tôn giáo và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Từ năm 2019, nhiều hội nghị cho những người chuyên hoạt động tín ngưỡng tôn giáo đã được tổ chức để đội ngũ này nhận thức được trách nhiệm trong quá trình thực hành tín ngưỡng. Công tác thanh tra, kiểm tra trong thực thi pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo, kịp thời phát hiện các hoạt động mê tín dị đoan cũng thường xuyên được đẩy mạnh. Những “điểm nóng” về lợi dụng tín ngưỡng hành nghề mê tín dị đoan khiến dư luận bức xúc đều được Ban Tôn giáo Chính phủ kịp thời vào cuộc xử lý, nêu rõ bản chất mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng để vi phạm pháp luật.

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo thời gian qua cũng đã được Ban Tôn giáo Chính phủ tham mưu Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng trình Chính phủ. Nghị định khi được ban hành sẽ củng cố cơ sở pháp lý để xử lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật, trong đó có mê tín dị đoan.

Việc ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm tín ngưỡng, tôn giáo nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật trong lĩnh vực này. Một Nghị định riêng về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo cũng nhằm khuyến cáo, cảnh báo để mọi tổ chức, cá nhân khi thực hiện các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo luôn nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, biết giới hạn để không vi phạm.

Thêm công cụ và chế tài xử phạt vi phạm về tín ngưỡng, tôn giáo

Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo khi ban hành sẽ thêm công cụ và chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Nghị định được xây dựng sau 5 năm Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thi hành. Việc ban hành Nghị định xử phạt tạo sự thống nhất và đồng bộ trong các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cũng như pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Dự thảo Nghị định quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo… THẢO PHƯƠNG

MINH NGỌC

Ý kiến bạn đọc