Bền bỉ đưa Quy tắc ứng xử nơi công cộng vào đời sống: Vì lợi ích của người dân

VHO - Tăng cường tuyên truyền, vận động; nhân rộng những mô hình cụ thể để người dân tham gia là những hoạt động Hà Nội đang triển khai nhằm đưa Quy tắc ứng xử nơi công cộng đi sâu vào đời sống; giúp phát triển văn hóa, xây dựng người Thủ đô văn minh, thanh lịch. Đặc biệt, người dân là đối tượng được hưởng lợi khi tham gia vào công tác thực hiện, giám sát thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng.

Bền bỉ đưa Quy tắc ứng xử nơi công cộng vào đời sống: Vì lợi ích của người dân - Anh 1

 Nhiều công trình làm đẹp cảnh quan được các tổ dân phố trên địa bàn TP Hà Nội xây dựng

 Nhiều mô hình hay, cách làm ấn tượng

Tại huyện Hoài Đức, công tác tuyên truyền về Quy tắc ứng xử nơi công cộng được triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như trên cổng thông tin điện tử huyện, các trang Fanpage, Zalo chính quyền điện tử huyện, group mạng xã hội của các thôn để người dân cùng tham gia góp ý, phản ánh thông tin về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn… Huyện Hoài Đức cũng chỉ đạo UBND các xã, thị trấn niêm yết Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các cơ quan, đơn vị, trường học, nhà văn hóa, khu đông dân cư. Đến nay, huyện đã thực hiện niêm yết tại 100% cơ quan, đơn vị, trường học, 169 di tích lịch sử và 136/136 thôn, làng, tổ dân phố.

Bên cạnh đó, huyện cũng yêu cầu các phòng VH&TT, phòng Tư pháp, UBND các xã, thị trấn hướng dẫn các thôn, tổ dân phố rà soát, sửa đổi, bổ sung thực hiện nội dung của Quy tắc ứng xử nơi công cộng vào quy ước, hương ước của thôn, tổ dân phố. Đưa việc thực hiện quy tắc ứng xử vào tiêu chí bình xét danh hiệu gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa trên địa bàn huyện hằng năm. Hiện tại, 54/54 làng cổ đã sửa đổi, bổ sung quy ước.

Ngoài huyện Hoài Đức, một số quận, huyện khác như Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Ðống Ða, Thanh Trì, Mê Linh... cũng tích cực xây dựng mô hình tổ dân phố, thôn văn hóa kiểu mẫu trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Tại phường Tứ Liên (quận Tây Hồ), vào mỗi cuối tuần, nhiều tổ dân phố đã triển khai thực hiện việc duy trì hoạt động vệ sinh môi trường “Ngày thứ 7 xanh, ngày Chủ nhật sạch”. Theo đó, liên tục vào thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, các cán bộ của tổ dân phố sẽ thông báo rộng rãi đến người dân để thực hiện tổng vệ sinh môi trường. Các tổ dân phố cũng tăng cường tuyên truyền, huy động người dân trực tiếp tham gia vào việc bảo vệ các công trình làm đẹp cảnh quan, lên án hành vi phá hoại cây cảnh, hoa, cỏ hay xâm hại cảnh quan.

Với Hội Liên hiệp phụ nữ phường Trung Liệt (quận Đống Đa), Hội đã yêu cầu Chi hội phụ nữ tổ dân phố cùng đảm nhiệm công tác vệ sinh môi trường, chỉnh trang, làm đẹp cảnh quan, thực hiện công trình sân chơi với các trang thiết bị dành cho trẻ em; niêm yết bảng Quy tắc ứng xử nơi công cộng, bảng tiêu chí thực hiện tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu...

Quận Cầu Giấy cũng vừa ra mắt mô hình Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại tổ dân phố 15, phường Dịch Vọng; vận động thực hiện bức tranh tường bích họa tại ngõ 255 Dịch Vọng và tại nhà sinh hoạt cộng đồng, niêm yết bảng Quy tắc ứng xử nơi công cộng để nhân dân thực hiện.

Bền bỉ đưa Quy tắc ứng xử nơi công cộng vào đời sống: Vì lợi ích của người dân - Anh 2

 Người dân trực tiếp tham gia vào việc vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan xanh, sạch, đẹp

Người dân được hưởng lợi

Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, việc xây dựng nếp sống văn hóa của người dân Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo nhằm đưa văn hóa ứng xử vào trong đời sống cộng đồng dân cư đã xuất hiện, được nhân rộng. Những mô hình, cách làm hay được thực hiện từ tổ dân phố, khu dân cư đã giữ vai trò quan trọng trong phát huy sức mạnh của nhân dân tham gia xây dựng văn hóa ứng xử văn minh, thanh lịch.

Ông Nguyễn Trung Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết, sau thời gian tích cực triển khai tuyên truyền, nhân rộng mô hình thực hiện, Quy tắc ứng xử nơi công cộng do TP Hà Nội ban hành đã đi sâu vào đời sống nhân dân và xuất hiện nhiều tín hiệu đáng mừng. Người dân đã chủ động tham gia các hoạt động bảo vệ công trình công cộng, đóng góp vào việc phát huy giá trị công trình văn hóa, di tích lịch sử. Quyền làm chủ của người dân trong gìn giữ vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị được nêu cao.

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội, khi triển khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng, người dân là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp. Cụ thể, ai cũng được thể hiện, phát huy vai trò giám sát trong thực thi của mỗi công chức, viên chức. Để tăng tính hiệu quả, ông Nguyễn Việt Hùng cho biết, cần đưa sự hài lòng của người dân trở thành tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, xếp loại thi đua của nhiều cơ quan, đơn vị. Với vai trò giám sát của người dân, các đơn vị phải nghiêm túc thực hiện; có giải pháp kịp thời xác minh, xử lý khi người dân phản ánh thông tin về vi phạm thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng.

Ông Bùi Minh Hoàng, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VHTT Hà Nội) khẳng định, qua các đợt kiểm tra, công tác tuyên truyền, vận động, nhân rộng mô hình đã trở thành những hình thức hữu hiệu trong thực hiện hệ thống Quy tắc ứng xử nơi công cộng với mục tiêu phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; góp phần tạo chuyển biến tích cực trong thói quen sinh hoạt của người dân.

Bên cạnh việc triển khai hiệu quả những cách làm hay, hiệu quả, ông Bùi Minh Hoàng nêu rõ, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần chú trọng việc kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý vi phạm cũng như động viên, khích lệ sự sáng tạo trong việc lan tỏa văn hóa ứng xử nơi công cộng vào đời sống; nêu cao trách nhiệm của người dân trong công tác giám sát. Đồng thời, Sở VHTT Hà Nội cũng đề nghị các bên liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, để không chỉ người dân Thủ đô mà du khách trong nước, quốc tế khi đến với Hà Nội đều thấy được tác động tích cực của việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng. 

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc