Để thể thao trở thành con gà đẻ trứng vàng (Bài 4): Nhìn sang những quốc gia láng giềng

VHO- Thái Lan luôn coi thể thao là “con gà đẻ trứng vàng”. Theo TS Huỳnh Trí Thiện, Quản lý Thể thao thuộc Đại học Chulalongkorn -Thái Lan, trước dịch bệnh Covid-19, kinh tế thể thao của Thái Lan đóng góp khoảng 2% vào GDP chung của cả nền kinh tế.

Để thể thao trở thành con gà đẻ trứng vàng (Bài 4): Nhìn sang những quốc gia láng giềng - Anh 1
 

 Tổ chức các sự kiện thể thao lớn hay các trận giao hữu giữa Đội tuyển quốc gia với những đội bóng nổi tiếng như Liverpool là cách để kích thích sự phát triển kinh tế thể thao của Thái Lan

Trong khi đó thể thao Trung Quốc cũng góp khoảng gần 1% cho GDP Trung Quốc. Từ đó Việt Nam có thể nhìn sang những nước láng giềng để tham khảo về cách thức phát triển kinh tế thể thao.

Thái Lan đẩy mạnh du lịch thể thao để phát triển kinh tế thể thao

Theo phân tích của TS Thiện, Thái Lan là một quốc gia phát triển kinh tế dựa trên dịch vụ, du lịch và xuất nhập khẩu. Trong đó du lịch chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nền kinh tế và du lịch thể thao được xem là một trong những chiến lược quan trọng để phát triển nền kinh tế thể thao của Thái Lan.

Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cùng với Tổng cục Thể thao luôn phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành khác cũng như các doanh nghiệp để mang về những sự kiện thể thao lớn như Honda LPGA Tour, FIVB World Grand Frix, các trận đấu giao hữu của đội tuyển bóng đá quốc gia với các CLB hàng đầu thế giới như Manchester United, Barcelona, Chelsea, Liverpool hay các sự kiện thể thao phong trào như các giải chạy marathon, triathlon (ba môn phối hợp) và trail (chạy kết hợp với leo núi) cũng như các chuyến du thuyền hay tour du lịch đến Thái Lan đánh golf vào cuối tuần để đa dạng hoá sản phẩm và khách hàng của ngành du lịch thể thao.

Từ năm 2000, Chính phủ Thái Lan đã thông qua một chính sách quan trọng để phát triển kinh tế thể thao là trích 2% thuế từ bia, rượu và thuốc lá hằng năm để phát triển Quỹ Thể thao Thái Lan. Hằng năm, Quỹ Thể thao này nhận được khoảng 4 tỉ bath (tương đương 3.000 tỉ đồng) để phát triển thể thao, bên cạnh ngân sách nhà nước cho các hoạt động thể thao thường xuyên. Quỹ Thể thao Thái Lan là một tổ chức được lập dưới sự giám sát của Bộ Tài chính Thái Lan và Tổng cục Thể thao. Ngoài ra, các doanh nghiệp nếu đóng góp vào Quỹ Thể thao Thái Lan thông qua các chương trình trách nhiệm xã hội sẽ được miễn giảm thuế với số tiền nhân đôi khoản đóng góp. Đây chính là chính sách hỗ trợ của Chính phủ, góp phần phát triển kinh tế thể thao Thái Lan. Một nguồn kinh phí lớn nữa góp phần phát triển thể thao chuyên nghiệp ở Thái Lan là ngân sách marketing thể thao của các doanh nghiệp Thái thường chiếm khoảng 7% doanh thu hằng năm. Đây là một con số “khủng” đóng góp tỷ trọng lớn vào nền kinh tế thể thao Thái Lan.

“Một vấn đề khá thú vị liên quan đến sự phát triển kinh tế thể thao là chính sách phát triển nguồn nhân lực thể thao của Chính phủ Thái Lan. Kể từ năm 2010, Đề án Phát triển nguồn nhân lực thể thao Thái Lan đã được thông qua dựa trên sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục và Bộ Du lịch & Thể thao. Qua đó, mỗi năm các trường đại học trên khắp Thái Lan sẽ có một lượng quota nhất định để nhận các tuyển thủ quốc gia Thái Lan vào học tập, bất kể ngành học nào. Không chỉ tạo điều kiện cho các tuyển thủ quốc gia vào học tập, các Khoa còn cử thêm các trợ giảng là sinh viên năm cuối của Khoa để hỗ trợ giảng bài cho các tuyển thủ trong thời gian rảnh cũng như giảng trực tuyến khi đi thi đấu. Do đó các tuyển thủ cảm thấy yên tâm cũng như đa dạng hoá được nghề nghiệp cho VĐV khi kết thúc nghề thể thao chuyên nghiệp”, TS Thiện cho biết thêm.

Trung Quốc phát triển các ngành sản xuất, kinh doanh hàng hóa TDTT

Một quốc gia láng giềng khác là Trung Quốc, cũng xem thể thao là cỗ máy “đẻ” ra tiền. Trình bày tham luận tại Hội thảo Giải pháp phát triển thị trường hàng hoá dịch vụ thể thao của Việt Nam và định hướng chính sách, do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp cùng Bộ VHTTDL chủ trì vào tháng 11.2019, bà Dương Tuyết Đông, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế thể thao, Tổng cục TDTT Trung Quốc cho biết, từ năm 2014-2017, tổng quy mô của ngành thể thao Trung Quốc đã tăng từ 1,35 ngàn tỉ lên 2,2 ngàn tỉ nhân dân tệ với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm là 17,5%.

Để thể thao trở thành con gà đẻ trứng vàng (Bài 4): Nhìn sang những quốc gia láng giềng - Anh 2

Nếu kinh tế thể thao phát triển, đời sống của các VĐV sẽ được cải thiện. Ảnh: Quý Lượng

Giá trị gia tăng của ngành thể thao đã tăng từ 404,1 tỉ trong năm 2014 lên 781,1 tỉ nhân dân tệ trong năm 2017. Tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm là 24,6%, vượt xa tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia trong giai đoạn này. Giá trị gia tăng của ngành thể thao đối với GDP của đại lục tăng từ 0,64% lên 0,94%. Theo tốc độ tăng trưởng, chỉ số quan trọng này sẽ vượt qua mốc số nguyên là 1% trong năm 2020. Trong giai đoạn tiếp theo, Trung Quốc đã xác định rõ mục tiêu của ngành thể thao là trở thành một ngành công nghiệp trụ cột của nền kinh tế quốc gia. Với sự phát triển kinh tế, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc tiếp tục tăng, kéo theo nhu cầu tiêu dùng thể thao cũng sẽ tăng và dần trở thành ngành công nghiệp trụ cột của nền kinh tế quốc gia. Theo ước tính, Trung Quốc dự kiến sẽ đạt được mục tiêu này vào khoảng năm 2035.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Nguyễn Hồng Minh, Chính phủ Trung Quốc rất quan tâm đến công tác phát triển kinh tế thể thao, từ năm 2014 đến năm 2019 đã ban hành 3 Nghị định để tăng cường phát triển sản nghiệp thể thao, thúc đẩy nhu cầu mua bán hàng hóa thể thao, phát triển thể thao giải trí, phát triển sản xuất, kinh doanh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ nhu cầu tập luyện và thi đấu thể thao. Bên cạnh việc chỉ đạo phát triển các ngành sản xuất, kinh doanh hàng hóa TDTT, Chính phủ Trung Quốc cũng quan tâm chỉ đạo tăng cường kết hợp giữa thể thao với du lịch, khuyến khích đưa các môn thể thao biển, thể thao giải trí (leo núi, đi bộ, chạy marathon) phát triển tại các khu du lịch; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực phục vụ phát triển kinh tế thể thao. Hằng năm, Trường Đại học TDTT Bắc Kinh, một trong 3 trường Đại học TDTT của Trung Quốc, đào tạo gần 1.000 sinh viên, nghiên cứu sinh theo học tại 2 chuyên ngành Kinh tế thể thao và Du lịch thể thao.

“Một trong những thành phần quan trọng đóng góp vào doanh thu của kinh tế thể thao Trung Quốc là hoạt động xổ số thể thao. Kể từ khi được phép phát hành lần đầu tiên vào năm 1994, xổ số thể thao của Trung Quốc với hệ thống quản lý chặt chẽ, khoa học, tiên tiến ngày càng có sự phát triển mạnh mẽ với mục tiêu phục vụ nhân dân và phát triển thể thao. Nguồn ngân sách thu được từ xổ số thể thao do Bộ Tài chính quản lý, sau khi trừ chi phí quản lý và trả thưởng, phần còn lại được sử dụng cho mục đích công ích với tỷ lệ phân bổ 50% về Trung ương, 50% dành cho địa phương. Trong tổng số 50% nguồn thu chuyển về Trung ương, 60% được chi để xây dựng các công trình thể thao, 30% chi cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, 5% chuyển về Tổng cục TDTT để chi hỗ trợ phát triển TDTT quần chúng và thể thao thành tích cao (ngoài nguồn ngân sách của Nhà nước phân bổ hằng năm), 5% còn lại chuyển về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để chi hỗ trợ các đối tượng chính sách. Mức chi như vậy cũng được thực hiện đối với khoản tiền thu được từ xổ số thể thao chuyển về địa phương”, ông Nguyễn Hồng Minh cho biết thêm.

Từ thực tế của các nước phát triển và nhất là 2 quốc gia láng giềng nêu trên, các chuyên gia cho rằng chúng ta cần phải có những cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho kinh tế thể thao phát triển để đóng góp vào nền kinh tế quốc gia.

Bài 5: Phải coi thể thao là một ngành kinh tế

THU SÂM

Ý kiến bạn đọc