Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

“Khoảng lặng” không bình lặng của họa sĩ Dũng Trống

Thứ Tư 31/03/2021 | 10:30 GMT+7

VHO- Khoảng lặng, triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Trần Tiến Dũng, nghệ danh Dũng Trống đang diễn ra tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật- Nhiếp ảnh 29 Hàng Bài (Hà Nội) từ ngày 30.3 đến 6.4.2021. 76 tác phẩm trưng bày đã phác thảo nên một chân dung nghệ thuật đa sắc và nhiều tâm tư của họa sĩ Dũng Trống.

Họa sĩ Dũng Trống chia sẻ cảm xúc tại triển lãm cá nhân đầu tiên của mình

 Khoảng lặng  được thực hiện trong lúc giao mùa của tự nhiên.  Tuy là Khoảng lặng, nhưng triển lãm đang đem đến cho công chúng một bữa liên hoan với nhiều cung bậc cảm xúc của sắc màu cũng như tạo hình trong các tác phẩm được trưng bày. Đây là cuộc triển lãm đặc biệt đánh dấu một sự “giao mùa” của chính họa sĩ. Tất cả các tác phẩm được thực hiện trong một giai đoạn Khoảng lặng của cuộc đời, khi anh rời chính trường, rời công việc hơn 40 năm của một Kiến trúc sư, một nhà quản lý, một nhà quy hoạch đô thị để chuyển sang giai đoạn mới của một họa sĩ, tự do và phóng khoáng.

Khoảng lặng nhiều cảm xúc

Với họa sĩ Dũng Trống, vẽ như một lời tự sự, như thao tác hóa hồi ức, tâm tư của mình. Anh tự bạch: “Vẽ cũng là sự giải phóng nội tâm của tôi và giúp tôi gột rửa tâm hồn khỏi bụi bặm của cuộc sống hàng ngày. Những bức tranh là cả tấm chân tình của tôi với cuộc đời. Tôi vẽ như tôi nghĩ, tôi vẽ như tôi sống...”.

Với những tâm tư ấy, Dũng Trống đã dốc sức với hội họa, những tác phẩm ra đời với một tốc lực sáng tác khủng khiếp. Gần 140 tác phẩm hội họa mang tên Dũng Trống đã ra đời trong vòng hai năm qua.

Bạn bè, đồng nghiệp chúc mừng triển lãm của họa sĩ Dũng Trống

 Sinh năm 1958 tại Hà Nội, năm 1982 tốt nghiệp Đại học Kiến Trúc Hà Nội, trải qua quá trình công tác, Dũng Trống vừa là Hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam, vừa là họa sĩ tự do, vẽ và sưu tập những tác phẩm hội họa của họa sĩ trong nước và quốc tế

Họa sĩ Trịnh Sinh Nha, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Art Exchange chia sẻ, trải qua nhiều thay đổi trong cuộc sống, Trần Tiến Dũng không thể quên được niềm đam mê nghệ thuật đã theo mình từ nhỏ. Thực tế kinh nghiệm và vốn sống đầy ắp những ý tưởng về nghệ thuật, cùng tư duy sâu lắng đã được anh chủ động tích lũy theo thời gian, để dành cho hội họa của Dũng Trống ngày hôm nay. “Những tác phẩm phong phú về đề tài, cách thể hiện mới mẻ đã đến nhanh với cộng đồng, đó là những tâm sự, trải nghiệm đi qua những biến cố thăng trầm, thành công cũng như thất bại. Với một tâm hồn thanh tịnh, lắng đọng, Dũng đã bỏ lại phía sau cuộc sống trải qua 40 năm dài đầy thử thách để đến với nghệ thuật của chính mình...:, họa sĩ Trịnh Sinh Nha viết.

Tác phẩm Yêu của Dũng Trống

Ông tâm sự, xem tranh của họa sĩ Dũng Trống, thấy những chất chứa tư duy, ý tưởng, bố cục, hình khối, màu sắc đầy ắp và chật cứng. Ý tưởng sáng tạo ào ạt, lớp lớp chồng chất đan xen nhau dày đặc cùng lúc được thể hiện lên trên tác phẩm.

Ở từng bức tranh, khán giả như đang được kể chuyện, những câu chuyện từ trải nghiệm sống, đầy chiêm nghiệm của họa sĩ. Từ những ước mơ tuổi thanh xuân, đôi lứa như tác phẩm “Yêu”, bộ 3 “Giới hạn”, “Cô Ðơn”, “Kẻ Thứ 3”, “Ghen”, “Chờ Chồng”… đó là chân dung của những cô gái, có những đôi mắt mở to, nụ hôn trông đợi. Họ yêu và độ lượng với cuộc đời. Những trải nghiệm đã qua, “Ngôi Nhà Tập Thể”, “Chân Dung Vợ”, “Tự Họa”, “Sum vầy”. Những ký ức về đấng sinh thành với lòng biết ơn trong bộ tranh Sen “Gia tài của Mẹ” Những hoài niệm đã qua “Hoài niệm”, “Niềm tin”, “Góc sân và khoảng trời”,..những câu chuyện nhân gian nhân quả cuộc đời trong “Bình an”, “Sắc không”… và những lạc quan trong cuộc sống trong “Du dương”, “Bản Sonata”, “Vũ điệu hồng.”...

Tác phẩm Địa đàng

Khoảng lặng của Dũng Trống, thực sự không lặng, anh vẽ như được xổ lồng, như được giải phóng, thỏa ước mơ dồn nén từ ấu thơ. “Nghệ thuật đã thanh lọc con người, để hướng đến một tâm hồn cao thượng. Người nghệ sĩ phải dấn thân dâng hiến hết mình cho lao động nghệ thuật đến cùng, không đầu hàng, lùi bước…. Trong đôi mắt Dũng, tôi đã đọc thấy có điều đó!” Họa sĩ Trịnh Sinh Nha, trong lúc ngắm tranh của anh đã nhận xét.

Ong mật

Thông qua các tác phẩm được giới thiệu trong triển lãm lần này, họa sĩ Dũng Trống vẫn mong muốn được tiếp tục thể hiện mình qua nhiều thông điệp và  ý tưởng của một  nghệ sĩ luôn ước muốn vươn lên, luôn tìm kiếm và nghiên cứu chính mình trên nhiều góc cạnh để hòa nhập với thời đại một cách chắc chắn và mạnh mẽ, nhưng vẫn phải “Vẽ không giống ai”, như tiêu chí mà giám tuyển (họa sĩ Trịnh Sinh Nha) và chính tác giả đã đặt ra cho cuộc triển lãm này ngay từ những bước đi ban đầu.

Còn với họa sĩ Phan Thiết, Dũng được học hành để trở thành kiến trúc sư. Dũng yêu âm nhạc nên chơi trống trong dàn nhạc sinh viên và có biệt danh Dũng Trống. Dũng đặc biệt yêu hội hoạ bởi kiến trúc / hội hoạ có lương duyên mặn mà. Có lẽ Dũng Trống luôn cảm thấy số phận mình và đã chấp nhận giao diện doanh nhân chiếm gần hết quỹ thời gian một đời người. Nhưng giao diện tình yêu hội hoạ của Dũng luôn được nén lại trong Khát vọng vẽ. Dũng cứu rỗi mình bằng sưu tập tranh. Dũng tìm thấy sự yên lòng trong mối quan hệ với các kiến trúc sư yêu vẽ và các hoạ sĩ. Dũng luôn quan tâm quan sát hoạ trường, kiên nhẫn lặng lẽ nuôi nấng khát vọng vẽ của mình, rồi bức bối thốt lên với bạn mình- KTS, họa sĩ Hoàng Ðỗ Cường rằng : Tôi phải vẽ…

Niềm tin

“Tôi để tâm và chậm rãi dõi theo từng đợt tranh Dũng vẽ, để rồi thấy rằng Dũng Trống máu vẽ thật…Dũng Trống chứa chất trong mình nhiều cảm xúc/nhiều hoài niệm/nhiều suy tư/nhiều nhận biết về mình và cuộc đời bằng tri thức gập gềnh và trải nghiệm ngọt bùi cay đắng… Ðôi lúc đến chơi có cảm giác Dũng Trống vẽ không kịp thở cho mình và cho cả người xem…”, họa sĩ Phan Thiết chia sẻ.

Bản Sonata xanh

Nhà văn, họa sĩ Lê Minh Phong (Tạp chí Sông Hương) nhìn nhận, xem tranh của hoạ sĩ Trần Tiến Dũng, chúng ta nhận thấy đó là thế giới của những chuyển dịch, tiếp biến và đổi thay. Sự chuyển dịch đó còn ở chỗ mỗi dòng tranh của tác giả luôn chứa đựng những tín hiệu ngôn ngữ riêng biệt, không lặp lại. Xem tranh của họa sĩ Dũng Trống,  thấy đó như một con sông dài.

Con sông đó có khi hiền hoà, mang màu sắc của tư duy trẻ thơ, có lúc gầm thét, có những mùa vui tươi và cũng có những lúc trầm lắng, suy tư về nhân tình thế thái. Con sông ấy luôn thay đổi màu sắc qua từng mùa, từng chặng đường nó đi qua. Nhưng ngầm ẩn bên dưới là một nội lực thống nhất. Sự thống nhất đó làm nên cá tính của Dũng Trống, một cá tính không lẫn lộn, hiện hữu riêng biệt trong một thế giới mà tất cả mọi thứ rất dễ lẫn lộn với nhau.

BẢO ANH; ảnh: MINH AN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top