Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Việt Nam quyết liệt ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm mua bán người

Thứ Sáu 15/01/2021 | 10:46 GMT+7

VHO - Lợi dụng quyền tự do ra nước ngoài của công dân và các chính sách mở cửa hội nhập của Nhà nước về việc đưa người Việt Nam ra làm việc tại nước ngoài, nhiều đối tượng đã tổ chức các đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với nhiều tính chất, tỉnh đoạn tinh vi, xảo quyệt, để lừa bán người thông qua con đường di cư trái phép. Cuộc đấu tranh nhằm ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tội phạm mua bán người, nhất là thông qua di cư trái phép ra nước ngoài, là cuộc đấu tranh kiên trì và quyết liệt của Đảng và Chính phủ Việt Nam.

Nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt

Theo báo cáo của các đơn vị, địa phương Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2020, toàn quốc đã phát hiện xảy ra 1.266 vụ mua bán người, với 1.690 đối tượng, lừa bán 2.956 nạn nhân. Các đối tượng nằm trong các đường dây buôn bán người đã dùng rất nhiều các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để lùa bán ép các nạn nhân vào các hoạt động mại dâm, đẻ thuê, bán làm vợ,...

Theo Thượng tá Cao Quốc Việt, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, các đối tượng lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc ít người để lừa phụ nữ bán sang Trung Quốc tại các tỉnh miền núi phía Bắc; hoặc lừa gạt, dụ dỗ phụ nữ có thai ngoài ý muốn, phụ nữ có thai nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc sinh con, sau đó bán trẻ sơ sinh; lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin (qua các trang mạng xã hội) làm quen, giả vờ yêu đương, kết bạn nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép có xu hướng tăng mạnh ở các tỉnh phía Nam; xuất hiện đường dây mua bán người nước ngoài qua Việt Nam là nước trung chuyển, do đối tượng người Việt Nam chủ mưu, cầm đầu. Đặc biệt, tình trạng mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người diễn biến phức tạp, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triệt phá đường dây mua bán nội tạng xuyên quốc gia liên quan đến 05 đối tượng do Tôn Nữ Thị Huyền cầm đầu.

Đặc biệt, tình trạng mua bán trẻ em, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường; thông qua các trang mạng xã hội, tiếp cận, rủ rê, lôi kéo đi du lịch, mua tặng quà, làm thuê thu nhập cao, lừa nhiều em gái ở các tỉnh đưa về thành phố bán cho nhà hàng, quán karaoke hoặc massage ở các khu du lịch, khu công nghiệp hoặc ven tuyến quốc lộ để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động, cho vay nặng lãi...; hoặc giả danh là cán bộ Công an, Bộ đội Biên phòng gọi điện tán tỉnh, làm quen nạn, giả vờ yêu đương, hứa hẹn tổ chức đám cưới, hẹn hò, rủ đi chơi hoặc khống chế, đe dọa nạn nhân, sau đó bán ra nước ngoài. 

Thượng tá Phan Quốc Việt khẳng định, Việt Nam đã và đang quyết liệt đấu tranh với tội phạm buôn bán người

Bên cạnh đó, hiện nay, tội phạm lợi dụng lượng người đi lại, buôn bán hàng hóa khu vực biên giới tăng mạnh, nhất là biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc để tổ chức xuất cảnh trái phép, di cư, lao động thời vụ, sau đó, lừa bán để cưỡng bức lao động, ép hoạt động mại dâm, bán làm vợ… Lực lượng công an đã phát hiện các đối tượng người Việt Nam  móc nối, câu kết với các đối tượng người Trung Quốc quen thuộc địa bàn biên giới đã lừa, dụ dỗ các nạn nhân (kể cả người thân trong gia đình) đưa sang Trung Quốc bán; một số đường dây môi giới, đưa phụ nữ Việt Nam sang Quảng Đông (Trung Quốc) “đẻ thuê” với giá từ 120.000 - 140.000 NDT/trường hợp, các đường dây này lo “trọn gói” các thủ tục từ việc đưa người sang Trung Quốc, chăm sóc, thăm khám, sinh con tại các cơ sở y tế cũng như hợp thức hóa hồ sơ cho những đứa trẻ được sinh ra.

Thượng tá Cao Quốc Việt cho biết, đối tượng phạm tội chủ yếu là số đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội mua bán người; người nước ngoài thông qua công ty môi giới vào Việt Nam hoạt động kinh doanh rồi móc nối, cấu kết với cò mồi, môi giới người Việt Nam, dẫn dắt hình thành những đường dây mua bán người xuyên quốc gia; người từng là nạn nhân hoặc lấy chồng người nước ngoài khi về thăm quê lại trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa bán những phụ nữ, trẻ em khác, kể cả người thân trong gia đình; hoặc lợi dụng việc buôn bán, làm ăn qua lại biên giới hay kinh doanh các dịch vụ dọc biên giới để tham gia hoạt động phạm tội. 

Cần đấu tranh quyết liệt để ngăn chặn

Tình hình hoạt động mua bán người trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là mua bán người thông qua đưa người di cư trái phép từ châu Á, châu Phi, Trung Đông sang châu Âu. Theo báo cáo của Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy Liên hợp quốc (UNODC), trên thế giới có khoảng 244 triệu người di cư và vẫn tiếp tục tăng lên do ảnh hưởng của khủng bố, xung đột, bạo lực…, nhiều người trong số đó trở thành nạn nhân của khoảng 510 đường dây mua bán người trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới công bố mỗi năm có khoảng gần 10.000 ca ghép nội tạng trái phép có sự tham gia của các tổ chức tội phạm buôn người. Khu vực châu Á- Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực các nước Tiểu vùng sông Mekong (trong đó có Việt Nam) vẫn được đánh giá là điểm nóng của tình trạng mua bán người, di cư bất hợp pháp, ước tính lợi nhuận từ hoạt động mua bán người tại khu vực lên tới hàng chục tỷ đô la/năm.

Chính vì vậy, cuộc đấu tranh nhằm ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tội phạm mua bán người, nhất là thông qua di cư trái phép ra nước ngoài cần sự phối hợp của nhiều lực lượng chức năng. 

Về công tác thực thi pháp luật, Công an các địa phương phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, tiến hành tổng điều tra, rà soát về tình hình hoạt động tội phạm mua bán người và đối tượng khác có liên quan, tập trung rà soát vụ việc, đối tượng phạm tội, nạn nhân bị mua bán, nghi bị mua bán trên; các trường hợp kết hôn với người nước ngoài, hoạt động mua bán người; tăng cường công tác nắm tình hình, kiên quyết triệt xoá các đường dây đưa người xuất cảnh trái phép; các cơ sở môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi bất hợp pháp, các tụ điểm tổ chức cho người nước ngoài xem mặt phụ nữ Việt Nam muốn kết hôn với người nước ngoài. Đồng thời, chỉ đạo việc chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nhất là trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài. Lực lượng Biên phòng cũng thường xuyên tuần tra, phát hiện, bắt giữ và xử lý kịp thời các vụ buôn bán người thông qua con đường di cư trái phép.

Tuyên truyền là biện pháp tích cực để ngăn chặn tội phạm buôn bán người 

Theo thống kê, các nạn nhân của các vụ buôn bán người thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, đa phần trong số họ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, thiếu hiểu biết về xã hội và kỹ năng sống, nhẹ dạ cả tin; hoặc một số cô gái trẻ thích hưởng thụ, ăn chơi, đua đòi, nên dễ tin theo lời hứa hẹn của đối tượng về việc làm ổn định, thu nhập cao hoặc lấy chồng nước ngoài khá giả, dẫn đến bị lừa bán. Chính vì vậy, việc tuyên truyền nhằm phòng ngừa là vô cùng quan trọng. Các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng, với các hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng, trọng tâm trong các tháng cao điểm hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người- 30/7”.

Đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán người là cuộc đấu tranh của nhiều quốc gia, do đó việc hợp tác quốc tế là vô cùng quan trọng. Luật pháp mỗi quốc gia có thể có những quy định khác nhau, nên việc tìm điểm chung trên cơ sở luật pháp quốc tế để giải quyết vấn đề là điều rất quan trọng.

Điều vô cùng quan trọng là đưa nạn nhân tái hoà nhập cộng đồng. Đây là vấn đề khó khăn vì nhiều nạn nhân bị sang chấn tâm lý, thậm chí không muốn trở về nhà vì mặc cảm. Việc thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ và bí mật thông tin; động viên nạn nhân phối hợp với các cơ quan điều tra và đặc biệt là tạo điều kiện để nạn nhân tái hoà nhập cộng đồng đã được Việt Nam làm tốt trong nhiều năm qua.

HOÀNG HƯƠNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top