Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Sách về đề tài lịch sử: Phục dựng quá khứ để soi sáng hiện tại

Thứ Hai 11/01/2021 | 11:32 GMT+7

VHO-  Là thể loại kén độc giả và hiếm người viết, nhưng gần đây, sách về đề tài lịch sử khá được quan tâm trên văn đàn Việt Nam. Đáng chú ý là ngày càng có nhiều tiểu thuyết lịch sử có xu hướng được kéo gần lại về mặt thời gian, tập trung vào những biến cố của thời hiện đại (thế kỷ XX).

 Nhiều năm qua, sách viết về đề tài lịch sử vẫn hòa chung dòng chảy của nền văn học nước nhà

Mới đây, giải thưởng Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (2016-2019) của Hội Nhà văn Việt Nam được công bố đã cho thấy nhiều tác phẩm về đề tài lịch sử đã được vinh danh.

Vẫn có sức hút lớn…

Trong số 20 tác phẩm được trao giải, phần nhiều là tiểu thuyết lịch sử, như Từ Dụ Thái hậu của Trần Thùy Mai, Mệnh đế vương của Trương Thị Thanh Hiền, Thị Lộ chính danh của Võ Khắc Nghiêm, Gió Thượng Phùng của Võ Bá Cường, Chim bằng và Nghé hoa của Bùi Việt Sỹ, Ngô vương của Phùng Văn Khai, Hùng Binh của Đặng Ngọc Hưng... Theo nhà phê bình Bùi Việt Thắng, “tiểu thuyết viết về đề tài truyền thống lịch sử, cách mạng và chiến tranh đã tạo nên mặt tiền của cuộc thi”. Điều đó cũng thể hiện phần nào sự quan tâm của các cây bút trong những năm gần đây, dù văn học lịch sử là mảnh đất không dễ khai phá. Từ một sự kiện, câu chuyện, một con người có thật trong lịch sử, bằng trí tưởng tượng của mình, nhà văn phải xóa nhòa được những khoảng trống hoặc nhìn lại lịch sử và đi sâu vào nội tâm nhân vật; vừa kể câu chuyện văn chương vừa cuốn hút bạn đọc, vừa “bám” theo những gì lịch sử đã ghi lại.

Dù “khó nhằn”, nhưng lịch sử vẫn có sức hút với nhiều cây bút, những tác phẩm gây tiếng vang lần lượt ra đời, trước đó là Bão táp triều Trần Tám triều vua Lý của nhà văn Hoàng Quốc Hải; Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh; rồi Sương mù tháng Giêng, Giấc mộng Huyền Trân của Uông Triều; Triệu vương phục quốc, Nam Đế Vạn Xuân của Phùng Văn Khai… Mới đây, xuất hiện một số cây bút trẻ khá sung sức như Lưu Sơn Minh với tiểu thuyết Trần Quốc Toản, Trần Khánh Dư; Hồ Dương của Trường An, Thiệu Bảo Bình Nguyên của Hồng Thái… khiến lĩnh vực tiểu thuyết lịch sử trở nên phong phú hơn, mang đến cho đời sống văn học những tác phẩm có giá trị.

Lý giải biến cố của thời hiện đại

Nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho biết, dòng văn chương/tiểu thuyết về đề tài truyền thống (lịch sử, cách mạng, chiến tranh) có xu hướng được kéo gần lại, xét về mặt thời gian, đó là những biến cố của thời hiện đại (thế kỷ XX). Điều này được bắt đầu từ Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (2014) của tác giả Trần Mai Hạnh viết về thời khắc sụp đổ của chính thể Việt Nam Cộng hòa. Trong cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 này của Hội Nhà văn Việt Nam, những cuốn tiểu thuyết lịch sử đoạt giải đều có xu hướng gần hơn với độc giả như Gió bụi đầy trời của Thiên Sơn, Đường về Thăng Long của Nguyễn Thế Quang, Võ Nguyên Giáp của Vũ Xuân Tửu, Gió Thượng Phùng của Võ Bá Cường... Chúng khác với xu hướng viết về lịch sử các triều đại phong kiến của những thế kỷ trước.

Cuối tháng 12.2020, tiểu thuyết Hừng Đông của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ ra mắt, viết về “đêm trước” của cách mạng Việt Nam, giai đoạn trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930) đến cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Trên bối cảnh ấy, nhà văn không chạy theo sự kiện, biến cố, mà hướng tới con người cụ thể với tư cách một nhân vật văn học - người chiến sĩ Cộng sản Phan Đăng Lưu. Không chỉ nói về quá khứ, các vấn đề của cuốn tiểu thuyết đưa ra vẫn mang tính đương đại… Hay mới đây, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật giới thiệu bộ sách Đường thời đại (tiểu thuyết lịch sử) của tác giả Đặng Đình Loan, người đã trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Bình Trị Thiên trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước. Bộ sách được đánh giá chứa đựng khối lượng tư liệu đồ sộ về cả hai phía (Việt Nam và Mỹ), mang giá trị to lớn trong việc phục dựng lại diện mạo lịch sử một thời chiến đấu oanh liệt của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến. Tuy được thể hiện dưới hình thức tiểu thuyết lịch sử, nhưng các sự kiện, nhân vật trong Đường thời đại được khắc họa rất thực, gắn liền với các sự kiện, những dấu mốc cụ thể của đất nước hiện tại…

Tiểu thuyết lịch sử vẫn hòa chung dòng chảy của nền văn học nước nhà nhiều năm qua, không phục dựng lịch sử “nguyên si” mà là dùng quá khứ để soi sáng thực tại, cung cấp một nhận thức về thực tại. Và giá trị của những tiểu thuyết lịch sử, đó là đã lấp chỗ trống những sự kiện vốn được ghi chép hết sức ngắn gọn trong các bộ chính sử. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc: Văn chương, tiểu thuyết hay ở chỗ là tác giả có quyền hư cấu giữa khoảng trống của sự hiểu biết. Và hiệu quả cuối cùng là những cuốn tiểu thuyết này không chỉ hấp dẫn, mà còn thuyết phục công chúng bởi sự thực lịch sử. Vì thế, vai trò của tiểu thuyết lịch sử cực kỳ quan trọng, nhất là các tác phẩm viết về các thế hệ, giai đoạn gần đây, vẫn còn những dấu ấn đậm nét trong cuộc sống hiện tại.

Theo nhà phê bình Bùi Việt Thắng, hiện chúng ta đang đứng trước những vấn đề rất nhạy cảm của chủ quyền lãnh thổ, những vấn đề về các thang giá trị văn hóa, đạo đức đang có nguy cơ xuống cấp, tinh thần đoàn kết giảm sút nơi này, lúc khác khiến cho phân tán lực lượng, suy giảm sức mạnh cộng đồng. Vì thế, chúng ta cần tìm những câu trả lời cho hiện tại từ quá khứ gần. Đó là động hướng tinh thần “ôn cố tri tân” cần thiết và cấp bách hiện nay. 

 ĐAN ANH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top