Khơi thông nguồn lực, chính sách đặc thù cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật

VHO - Chiều 5.4 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL và Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật (VHNT) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban với Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương quý I năm 2024.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chủ trì hội nghị. Đồng chủ trì có Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam Đỗ Hồng Quân, Vụ trưởng Vụ Văn hoá - văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Minh Nhựt.

Khơi thông nguồn lực, chính sách đặc thù cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật - Anh 1

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Trình bày báo cáo công tác VHNT và hoạt động của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương quý I năm 2024, Vụ trưởng Vụ Văn hoá – văn nghệ Nguyễn Minh Nhựt cho biết, quý I năm 2024, trên cả nước diễn ra nhiều hoạt động, chương trình nghệ thuật hưởng ứng tuyên truyền các sự kiện chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, mừng Đảng, mừng xuân.

Các chương trình, hoạt động đều được cấp uỷ, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các ban, ngành đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức; đạt chất lượng về nội dung tư tưởng và nghệ thuật; tạo không khí vui tươi, đầm ấm, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, góp phần đảm bảo nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân.

Những cuộc liên hoan, triển lãm, hoạt động VHNT do Liên hiệp và các Hội tổ chức đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy sáng tạo và xây dựng phong trào. Các đơn vị nghệ thuật tiếp tục được phục hồi. Các loại hình nghệ thuật đã có những tìm tòi, đổi mới đáng trân trọng. Sân khấu truyền thống có nhiều khởi sắc.

Hơn nữa, nhiều tác phẩm được VHNT in ấn, phổ biến đến công chúng. Triển lãm, nhiều chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp được dàn dựng công phu, có chất lượng. Phong trào VHNT quần chúng ở cơ sở được quan tâm, đầu tư, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá, nghệ thuật truyền thống các dân tộc.

Khơi thông nguồn lực, chính sách đặc thù cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật - Anh 2

Vụ trưởng Vụ Văn hoá - văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Minh Nhựt trình bày báo cáo

Bên cạnh đó, báo chí, truyền thông, mạng internet tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo, góp phần truyền tải các hoạt động, tác phẩm, tác giả, sáng tác mới về VHNT đến với đông đảo công chúng. Công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực VHNT cũng được Liên hiệp và các Hội tăng cường đầu tư triển khai với những chương trình, đề án cụ thể.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Nhựt, việc xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy tiếp tục được Liên hiệp và các Hội quan tâm, đạt kết quả tích cực. Quy chế làm việc, nề nếp sinh hoạt, công tác báo cáo cơ bản được thực thi nghiêm túc.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Nhựt cũng chỉ rõ một số tồn tại trong công tác VHNT và hoạt động của các Hội. Trong đó, có việc do thiếu kinh phí, hoạt động chuyên môn của nhiều Hội dự kiện triển khai trong quý I phải tạm dừng. Một số tạp chí chuyên ngành của các Hội phải tạm đình bản.

Việc triển khai tổ chức thực hiện các kế hoạch, kết luận, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền có lúc, có nơi thiếu đầu tư, thiếu hiệu quả.

Một số văn nghệ sĩ chưa ý thức được trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, sử dụng mạng xã hội tuỳ tiện, vi phạm phát ngôn. Cá biệt số ít bộc lộ sự dao động, hoài nghi về lý tưởng và niềm tin đối với sự nghiệp phát triển đất nước trong vận hội mới.

Một số nguyên nhân được chỉ ra là nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp VHNT còn hạn chế. Quy định chưa thông thoáng, thiếu cơ chế đặc thù với lĩnh vực VHNT.

Một số cấp uỷ đảng, ban lãnh đạo các hội, đơn vị có liên quan chưa sát sao trong lãnh đạo, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên, chưa thực sự bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực văn hoá, VHNT để chủ động, linh hoạt, sáng tạo và cụ thể hoá thành các chương trình hành động, dự án, đề án cụ thể của đơn vị.

Công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan có liên quan, nhất là trong tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế tài chính còn chậm, chưa thật sự hiệu quả.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu một số kiến nghị về cơ chế chính sách, hỗ trợ cho hoạt động VHNT; đề nghị các ban, bộ, ngành, các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp, xem xét, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động văn hóa, VHNT phát huy sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động VHNT trong thời kỳ mới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chú ý tới sự phát triển, vai trò của VHNT. Nhờ sự quan tâm cùng những chỉ đạo kịp thời, sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đời sống VHNT nước nhà thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực.

Khơi thông nguồn lực, chính sách đặc thù cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật - Anh 3

Toàn cảnh hội nghị

Thứ trưởng cho hay những tháng đầu năm 2024, hòa chung không khí mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới, nhiều chương trình, sự kiện VHNT đặc sắc đã được tổ chức. Nhiều tác phẩm VHNT có chất lượng được ra đời đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân.

Bên cạnh đó, dù còn nhiều vướng mắc trong cơ chế nhưng Liên hiệp và các Hội đã chủ động tháo gỡ, triển khai các giải pháp nhằm tạo nên những “sinh khí” mới cho nền VHNT nước nhà.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị Liên hiệp và các Hội, cơ quan quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL chủ động, sáng tạo hơn nữa trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời, phát huy tinh thần đoàn kết, phối hợp chặt chẽ để hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển VHNT.

Sự đoàn kết ấy còn cần thể hiện trong việc tập trung nguồn lực, khơi thông cơ chế nhằm tạo đà phát triển cho nền VHNT nước nhà. Cụ thể, Liên hiệp và các Hội cần phối hợp, tăng cường vai trò tham mưu trong xây dựng các văn bản pháp luật; kiến nghị các cơ chế, chính sách đặc thù, từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo hành lang pháp lý rộng mở cho VHNT phát triển.

Ngoài ra, Liên hiệp và các Hội cần liên kết với nhau trong tổ chức các sự kiện VHNT phục vụ các dịp lễ lớn, sự kiện trọng đại của quốc gia; tạo ra những đợt cao điểm trong tổ chức các sự kiện VHNT, tạo sự phấn khởi trong nhân dân. Các sự kiện không chỉ tổ chức trong nước mà còn cần được thực hiện ở nước ngoài, đáp ứng mong mỏi của kiều bào. Qua đó, góp phần nâng tầm văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện văn hóa có vai trò quan trọng trong hoạt động ngoại giao.

Đối với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, Thứ trưởng đề nghị Liên hiệp và các Hội thể hiện rõ hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam diễn ra vào tháng 12.2023

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc